PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 01/08/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 44
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, hàng thứ tư từ dưới lên, bắt đầu xem từ ba chữ cuối: “Ba, được lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp.” Đây là nói xa lìa nói ly gián thì sẽ được quả báo thù thắng thứ ba. “Bổn nghiệp” là chỉ chúng ta ở thế gian này theo đuổi một loại nghề nghiệp nào đó. Câu này ý nói, bất kể làm nghề nghiệp gì thì bạn cũng được đại chúng xã hội tín nhiệm và thuận theo, đương nhiên sự nghiệp của bạn sẽ thuận buồm xuôi gió, sự nghiệp của bạn chắc chắn sẽ thành công. Người hiện nay gọi là nhân duyên tốt, bạn có thể được rất nhiều người đến giúp đỡ bạn, thành tựu sự nghiệp của bạn. Được nhiều thiện hữu đến giúp đỡ thì đây là duyên, nhân đích thực là do xa lìa nói ly gián, không nói dối. Từ chỗ này chúng ta có thể thấy, công đức thù thắng của không nói dối quả thật là không thể nghĩ bàn. Từ trên đạo lý nhân quả mà nói, nếu chúng ta không phá hoại người khác thì bản thân chúng ta bất kể kinh doanh sự nghiệp gì cũng sẽ không bị người khác đến phá hoại, đây là quả báo.
Nếu chúng ta trong đời này không nói dối, không nói ly gián, không nói thô ác, mà sự nghiệp của chúng ta vẫn bị người khác đố kỵ phá hoại, nói lời dèm pha, sự việc này không phải không có, là có, đây là do nguyên nhân gì? Là do trong đời quá khứ làm điều bất thiện, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Tuyệt đối chẳng phải những việc ta tu trong đời này không có cảm ứng, bạn có nghi ngờ này thì sai rồi. Nhà Phật thường nói “nhân quả thông ba đời”, những việc làm của chúng ta trong đời này, tất cả quả báo mà ta thọ nhận là do nghiệp nhân đời trước đã gieo. Đời trước đã tu bất thiện, tuy đời này tu rất thiện nhưng vẫn không thể tránh khỏi ác báo. Thế nhưng trong tâm chúng ta hiểu rõ, đời sau loại ác duyên, ác báo này sẽ không còn nữa. Cho nên trong đời này, chúng ta tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, nhất định phải tùy thuận Phật-đà, nhất định phải có tín tâm, dứt khoát không nghi ngờ.
Trước kia chưa gặp được Phật pháp, chúng ta đã làm quá nhiều việc sai trái, đây là điều chắc chắn. Nếu như chúng ta tích cực đoạn ác tu thiện, thật sự làm hết lòng và nỗ lực giống như cư sĩ Liễu Phàm thì quả báo bất thiện trong đời quá khứ cũng có thể cải thiện, đây chính là nhà Phật gọi là dũng mãnh tinh tấn. Nếu chúng ta không dũng mãnh tinh tấn thì rất khó chuyển định nghiệp này, không dễ gì chuyển được. Những điều chúng ta tu tích trong đời này thì đời sau sẽ được quả báo, cho nên không thể không dũng mãnh tinh tấn. Dũng mãnh tinh tấn thì thứ chúng ta trong đời này có được là hoa báo, quả báo so với hoa báo nhận được trong đời này còn thù thắng hơn.
“Bốn, được pháp hành bất hoại, sở tu kiên cố.” “Pháp hành” là nói chúng ta tu hành, là nói việc học Phật, bạn học Phật cũng sẽ không bị người phá hoại. Sự việc này chúng ta nhìn thấy rất nhiều, có một số người trong Phật pháp tu rất tốt, cũng đã học Phật rất nhiều năm, gặp được một vị tri thức khuyên rằng “còn có pháp môn khác thù thắng hơn pháp môn này”. Vừa nghe vậy thì tâm của họ dao động rồi, vứt bỏ ngay để đi học với người khác. Đây chính là phá hoại pháp hành của họ, đây là bạn ác, sự việc như vậy trong xã hội hiện nay rất nhiều, đúng như trong kinh Lăng-nghiêm nói, thời kỳ mạt pháp này, tức là nói thời đại hiện nay của chúng ta là “tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”.
Có không ít đồng tu đến nói với tôi, các đồng tham đạo hữu của họ trước đây đều tụng kinh Vô Lượng Thọ, đều niệm A-di-đà Phật, đã tu rất nhiều năm, tu rất khá, nhưng bây giờ đi theo người khác rồi, không tin kinh Vô Lượng Thọ nữa, cũng không niệm A-di-đà Phật nữa, họ nói với tôi rằng họ hết sức buồn. Tôi bảo: “Không nên buồn, đây là nhân duyên của mỗi người, phải hiểu đạo lý này.” Mỗi người đều có nghiệp nhân, nghiệp duyên riêng của họ, Phật cũng không làm gì được thì chúng ta có năng lực gì? Chúng ta khuyên bảo họ là làm tròn trách nhiệm của người bạn, họ có tin hay không là việc của họ, chúng ta không thể can thiệp, can thiệp thì làm nhiễu loạn đạo tâm của mình rồi. Tuy họ đi theo người khác, đã từ bỏ pháp môn Tịnh độ, nhưng cũng có thể qua vài năm sau họ lại quay lại, điều này rất khó nói. Bản thân chúng ta phải tu thật tốt để làm tấm gương, qua mấy năm thử so sánh lại, họ cảm thấy bạn tu rất tốt, “tôi không bằng anh”, vậy rất có thể họ sẽ quay trở lại. Đến lúc này ta dùng lời lẽ khuyên họ thì hiệu quả không gì sánh bằng, chúng ta nhất định phải dùng sự hành trì chân chánh, thời gian dài để cảm hóa, vậy mới có thể có tác dụng, cho nên nhất định phải hiểu đạo lý này.