/ 149
129

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 31/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 43

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, kinh văn hàng thứ tư từ dưới lên, xem từ phần giữa trở đi: “Hai, được quyến thuộc bất hoại, không gì phá được.” Quả báo này, tôi nghĩ bất luận là xưa nay trong và ngoài nước, tất cả mọi chúng sanh đều mong cầu; mọi người đều mong cầu, nhưng chưa chắc mỗi người có thể đạt được. Chúng ta thử xem xã hội hiện nay, vợ chồng bất hòa, vì sao bất hòa? Trong đây còn có một nhân tố rất quan trọng, đó chính là bị người thứ ba gây chia rẽ. Sau khi họ nghe nói rồi thì tin, cho là thật, không chịu đi sâu tìm hiểu, hai người nghi ngờ lẫn nhau, không tin tưởng nhau, vậy là cả gia đình bị phá hoại rồi. Bị người khác ly gián, gây chia rẽ, đây là duyên, nhân là gì? Nhân là chính mình đã từng tạo nghiệp bất thiện; bản thân chúng ta thường xuyên phá hoại người khác, nên sau này nhận lấy quả báo là cũng có rất nhiều người đến phá hoại mình, đây là đạo lý nhất định. Vợ chồng, gia đình là như vậy, đoàn thể, xã hội, quốc gia cũng là như vậy. Nhân quả báo ứng là chân lý, là định luật của thế xuất thế gian. Bồ-tát tu hành đã thành Phật rồi cũng không có cách gì thay đổi nhân quả. Đạo lý này ở trong kinh Phật nói rất nhiều, nói rất thấu triệt, không có cách gì thay đổi nhân quả. Hơn nữa, những điều trong Phật pháp nói với chúng ta, quả thật nghĩ đến thì rất có đạo lý, nhân quả thiện ác không thể bù trừChẳng thể nói là quá khứ tôi đã tạo rất nhiều ác nghiệp, hiện nay tôi đều làm thiện nghiệp, tôi đem thiện nghiệp để bù trừ cho nó, lấy công chuộc tội; điều này pháp thế gian có nhưng trong Phật pháp thì không có, cho nên không thể bù trừ, bù trừ là không hợp đạo lý.

Thế nhưng Phật nói với chúng ta, bạn tạo nghiệp bất thiện đây là nhân, nhân này muốn biến thành quả trong đó nhất định phải có duyên; nghiệp nhân bất thiện lại gặp phải duyên bất thiện thì quả báo bất thiện này mới hiện tiền. Cho nên Phật dạy chúng ta, nghiệp nhân bất thiện của chúng ta đã tạo ra từ trước, đã tạo từ đời đời kiếp kiếp trong quá khứ. Nếu bạn không gặp được Phật pháp thì bạn làm sao biết được thiện hay bất thiện, sẽ tùy thuận phiền não của mình, mỗi ngày đang tạo nghiệp. Cho nên, nhân bất thiện là nghiệp nhân của ba đường ác. Nghiệp nhân ngũ nghịch thập ác thì người nào mà chẳng có? Mỗi người đều có cả. Ngay cả nhân thiện làm Phật, làm Bồ-tát thì mỗi người cũng đều có, đây là điều mà Phật thường nói, chúng ta thảy đều có nghiệp nhân của mười pháp giới. Tương lai chúng ta sẽ đến thọ sanh ở pháp giới nào trong mười pháp giới vậy? Đương nhiên chúng ta hy vọng sanh thiên để hưởng phước trời, cao hơn nữa là hy vọng làm Phật, làm Bồ-tát, được đại tự tại, được đại trí tuệ. Tất cả nghiệp nhân này chúng ta đều có cả, mấu chốt là ở trên duyên; hay nói cách khác, chúng ta đời này khởi tâm động niệm, lời nói việc làm là theo duyên nào? Nếu chúng ta tùy thuận duyên của Phật, vậy thì chúc mừng bạn, bạn đời này chắc chắn làm Phật; nếu bạn còn muốn tùy thuận duyên phiền não, tùy thuận tự tư tự lợi, tùy thuận tham sân si mạn, tùy thuận thập ác nghiệp thì quả báo tương lai của bạn chắc chắn ở ba đường ác. 

Tất cả quả báo không phải có người đang làm chủ tể, Phật Bồ-tát không thể làm chủ việc này, vua Diêm-la cũng không có quyền lực chủ tể, thiên thần, thượng đế cũng không thể làm chủ được. Người nào làm chủ vậy? Tự mình làm chủ chính mình, việc này Phật nói rất nhiều rất nhiều trong kinh luận rồi. Cho nên, nếu chúng ta nhận quả báo bất thiện thì dứt khoát không được oán trời trách người. Dù cho người khác lừa gạt, phỉ báng chúng ta, chúng ta bị mắc lừa, nhưng chúng ta cũng không được trách họ. Vì sao vậy? Vì họ là duyên, do ta trong đời quá khứ đã tạo tác bất thiện cho nên mới gặp phải duyên bất thiện. Nếu ta đời đời kiếp kiếp đều hành thiện thì ta sẽ không gặp phải ác duyên này. 

/ 149