/ 149
111

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 02/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 45

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, kinh văn hàng thứ ba từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu cuối cùng: “Năm, được thiện tri thức bất hoại, không lừa gạt. Đó là năm.” Đoạn này nói rõ, xa lìa lỗi lầm của nói ly gián thì sẽ được năm loại phước báo thù thắng. Phía trước đã giới thiệu qua bốn loại, sau cùng đây là loại thứ năm, “được thiện tri thức bất hoại”. Thiện tri thức là thầy của chúng ta, là bạn đồng học của chúng ta, điều này có quan hệ mật thiết nhất đối với sự thành tựu về đạo nghiệp, học nghiệp của chúng ta, có thể nói trong tăng thượng duyên thì đây là tăng thượng duyên quan trọng hàng đầu. Trong kinh A-nan Vấn Sự Phật Cát Hung, điều đầu tiên Phật nói với chúng ta là phải thân cận minh sư, đó chính là thiện tri thức mà ở đây nói. “Minh” không phải là nói vị thầy này tiếng tăm lừng lẫy, hiện nay gọi là rất có danh tiếng, điều này chưa chắc có hiệu quả. Nhà Phật nói “minh” là minh tâm kiến tánh, họ trong tu học thật sự có tu, có học, có chứng, đương nhiên tốt nhất là họ chứng quả; cho dù chưa chứng quả nhưng họ cũng là chân tu, thực học, vị thầy như vậy chúng ta gần gũi họ nhất định có lợi ích.

Nhưng rất khó có được thiện tri thức, từ xưa đến nay gọi là “có thể gặp, không thể cầu”. Đến đâu để cầu thiện tri thức đây? Càng là chân thiện tri thức thì càng khiêm tốn, nhất định không được khen mình chê người, hoặc nói “người khác không bằng tôi, tôi cái gì cũng tốt”, loại thiện tri thức này vào thời xưa không có, hiện nay thì rất nhiều, bây giờ đều là tán thán mình, phỉ báng người khác. Chúng ta phải biết rằng, phàm là khen mình chê người thì chắc chắn không phải thiện tri thức. Thiện tri thức đều vô cùng khiêm tốn, nơi nơi đều nhẫn nhường, tuyệt đối chẳng phải trong bất kỳ trường hợp nào cũng đứng trước người khác, muốn tranh đua khoe mẽ, không có chuyện này, họ dứt khoát không làm việc này. Người thật sự tu đạo, thật ra mà nói, thái độ của họ là “nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”, hoàn cảnh sinh hoạt của họ là cực kỳ thanh tịnh. Chỉ có phàm phu chúng ta đi tìm họ, họ cũng rất từ bi, họ không thể không chỉ dạy chúng ta; chúng ta không tìm họ thì họ cũng không tìm chúng ta. Từ xưa đến nay, trong pháp thế xuất thế gian, mọi người đều nghe nói “cầu học”, muốn học thì chúng ta phải đi cầu, họ sẽ không chủ động đến dạy bạn, không có đạo lý này.

Phật pháp là sư đạo, sư đạo thì nhất định phải tôn sư trọng đạo, vậy bạn mới có thể cầu được. Thái độ cầu học là phải chân thành, phải cung kính, phải khiêm tốn, ba thứ này là điều kiện cần phải có đủ. Không có ba điều kiện này thì chư Phật Bồ-tát đến dạy bạn, bạn cũng không đạt được lợi ích, đây là đạo lý nhất định. Bất luận là thế pháp hay Phật pháp, thiện tri thức chân thật chắc chắn là người nhân từ, chỉ cần bạn đầy đủ điều kiện chân thành, cung kính, khiêm tốn thì bạn đến cầu họ, họ tuyệt đối sẽ không từ chối. Nếu họ từ chối bạn, nhất định là bạn thiếu một trong ba điều kiện này, họ sẽ từ chối bạn; ba điều kiện thảy đều có đủ thì họ không có lý do gì từ chối, họ sẽ rất hết lòng giúp đỡ bạn, thành tựu bạn.

Khi tôi còn trẻ đã từng gần gũi rất nhiều thiện tri thức, không có người nào từ chối tôi cả. Tôi có thái độ tốt đẹp của một người học trò, thật sự là muốn học nên được thiện tri thức chỉ dạy đặc biệt. Năm 1949 tôi đến Đài Loan, thường hay nghĩ đến khổ nạn của nhân gian, làm sao giúp chính mình, làm sao giúp đỡ người khác? Tôi đã nghĩ rất nhiều vấn đề, cuối cùng rút ra một kết luận: đây đều liên quan đến con người. Cổ nhân nói rất hay: “Người còn chế độ còn, người mất chế độ mất.” Thế nên, tôi mới thật sự thể hội ra chế độ là thứ yếu. Có rất nhiều người hỏi tôi: “Pháp sư à, rốt cuộc là thầy tán thành quân chủ hay tán thành dân chủ?” Quân chủ hay dân chủ đều không quan trọng, quan trọng nhất là gì? Là người tốt. Vị lãnh đạo này là người tốt thì quân chủ cũng tốt, dân chủ cũng tốt, mọi người đều hưởng phước; người này không phải là người tốt thì quân chủ hay dân chủ, mọi người đều gặp nạn. Vấn đề ở con người!

/ 149