PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 30/07/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 42
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, kinh văn hàng thứ năm: “Lại nữa, long vương! Nếu xa lìa nói ly gián thì được năm pháp không thể phá hoại.” Hôm qua, chúng tôi đã nói sơ lược qua lỗi lầm của nói ly gián. Trong tất cả lỗi lầm, có thể nói nói ly gián là điều nghiêm trọng nhất. Điều này thuộc về hành động, mà căn bản của nó chính là tam độc phiền não; nếu không có tam độc phiền não thì thân và khẩu chắc chắn sẽ không tạo ác nghiệp. Từ đó cho thấy, tam độc là năng tạo, bảy [ác nghiệp] của thân và khẩu là sở tạo. Đại đức xưa dạy chúng ta, tu hành phải tu từ căn bản. Căn bản chính là phải chuyển tam độc thành giới - định - tuệ, đây là điều mà Như Lai Thế Tôn chỉ dạy chúng ta. Tam độc là gốc của phiền não, giới - định - tuệ là gốc của tất cả thiện pháp, đây là hai gốc rễ của thiện và ác. “Tu từ căn bản”, chúng ta phải biết cái mà căn bản nói là gì, căn bản phải bắt đầu từ đâu? Đây là điều mà chúng tôi trong các buổi giảng thường nói. Căn bản của căn bản chính là chấp ta, không thể không phá “ta”. Phá chấp ta là trí tuệ chân thật, trong toàn bộ Phật pháp, mọi người đều biết, chỉ cần có chấp ta tồn tại, không phá chấp ta thì bạn không thể vào cửa, đều không thể vào cửa Đại, Tiểu thừa. Làm sao chứng được Sơ quả Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa? Đoạn sạch 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới mới chứng quả Tu-đà-hoàn, là Sơ quả Tiểu thừa. Năm mươi mốt giai vị của Bồ-tát Đại thừa, quả vị Sơ tín cũng phải đoạn 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới. Trong kiến hoặc, điều đầu tiên là thân kiến, thân kiến này chính là chấp ta, đây là cái mà chúng ta không thể không nhận biết rõ ràng.
Chúng ta học Phật đã học bao nhiêu năm rồi mà công phu không đắc lực, hằng ngày vẫn sanh phiền não. Vì sao công phu không đắc lực? Vì bạn không thật làm; hằng ngày đọc tụng, hằng ngày giảng giải, hằng ngày nghiên cứu thảo luận nhưng không có tác dụng, đây chỉ là lòng vòng ở trong tín giải chứ chưa có hành. Phải hành thì mới có thể chứng, bạn không hành thì làm sao chứng được? Cho nên thật sự chịu hành thì đây chính là trí tuệ chân thật. Trí tuệ chân thật mang lại cho chúng ta hai loại lợi ích thù thắng. Thứ nhất là khai ngộ, trí tuệ hiện tiền rồi, trong kinh Vô Lượng Thọ gọi là “khai hóa hiển thị chân thật chi tế”, câu nói này trên thực tế trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, trong Giáo hạ gọi là đại khai viên giải. Bạn phải buông xuống thì mới được, nhà Phật gọi là “xả đắc”, nếu bạn xả sạch thân kiến, xả sạch kiến tư phiền não thì bạn mới có được trí tuệ chân thật, mới có thể được minh tâm kiến tánh, đây là trí tuệ thành tựu rồi. Thứ hai là bạn được “chân thật chi lợi”. Chân thật chi lợi, chúng ta gọi là hưởng thụ về vật chất, không bị thiếu thốn, viên mãn rồi.
Bạn được hai loại lợi ích, phước tuệ nhị túc tôn thì mới có một chút giống Phật, tuy còn cách quả vị Phật cứu cánh rất xa nhưng bạn đã có dáng vẻ này, bạn đã giống rồi. Nếu không đoạn được kiến tư phiền não thì không giống, bạn vẫn là phàm phu thuần túy. Bất luận tu hành như thế nào, bạn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi, tu tốt đến đâu chẳng qua là phước báo nhân thiên mà thôi, đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu. Nếu bạn không hiểu đạo lý này, không hiểu rõ chân tướng sự thật thì một đời này không thể đạt được kết quả. Phước báo nhân thiên không được xem là quả, trong Phật pháp miễn cưỡng gọi “ngũ thừa Phật pháp” là tiểu quả nhân thiên; trên thực tế thì tiểu quả mà Phật pháp nói là A-la-hán và Bích-chi Phật. Ra khỏi lục đạo luân hồi mới được xem là thật sự có kết quả, chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi thì không tính. Cho nên Phật pháp chân chánh là tam thừa: Tiểu thừa là Thanh văn, A-la-hán; trung thừa là Duyên giác, Bích-chi Phật; thượng thừa là Bồ-tát, là Phật, đây mới là quả báo đích thực. Quả báo đích thực đều là bắt đầu từ đoạn kiến tư phiền não.