/ 149
139

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 29/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 41

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, hàng thứ năm:

Lại nữa, long vương! Nếu lìa nói ly gián thì được năm pháp không thể phá hoại. Những gì là năm? Một, được thân bất hoại, không gì hại được. Hai, được quyến thuộc bất hoại, không gì phá được. Ba, được lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp. Bốn, được pháp hạnh bất hoại, sở tu kiên cố. Năm, được thiện tri thức bất hoại, không lừa gạt. Đó là năm. Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ được quyến thuộc chân chánh, các ma ngoại đạo không thể phá hoại.

Đoạn kinh văn này cũng là lời khai thị quan trọng để chúng ta tu học, có thể nói là từ sơ phát tâm cho đến Như Lai địa cũng không thể tách rời. “Nói ly gián” là nói khiêu khích thị phi, đặt điều sinh sự. Hết thảy các pháp thế gian, chư Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức đã nói với chúng ta rất nhiều rằng tất cả các pháp không có thiện ác, không có đúng sai, không có tà chánh, không có chân vọng, cũng không có lợi hại, nếu bạn vào được cảnh giới này, vậy thì chúc mừng bạn, bạn thành Phật rồi, đã vào pháp môn không hai. Vì sao Phật nói như vậy? Điều mà Phật nói với chúng ta là chân tướng sự thật, là cảnh giới mà chư Phật Như Lai đích thân chứng đắc, gọi là “pháp nhĩ như thị”. Nhà Phật gọi là “pháp nhĩ”, người thông thường chúng ta gọi là tự nhiên như vậy, nó vốn dĩ là như vậy, tất cả những khái niệm tà chánh, thị phi, chân vọng, lợi hại này đều là từ tâm người sinh ra. Từ tâm gì vậy? Từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sinh ra, lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn mới thấy được chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Hay nói cách khác, phàm phu chúng ta đã mang cặp mắt kính có màu để nhìn quang cảnh bên ngoài, làm cho nó biến chất rồi, biến hình rồi. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới có thể nhìn thấy chân tướng. Nhưng nếu không lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tạo nghiệp rồi. 

Cho nên tạo nghiệp này, quả thật mà nói cũng là hư vọng, quả báo nhận được cũng là hư vọng, thế nhưng những thứ hư vọng này bạn thật sự đang cảm thọ. Giống như một người đang nằm mộng vậy, bạn thấy ác mộng thì thật sự là thọ khổ, sợ vã mồ hôi, giật mình tỉnh dậy. Nếu bạn biết được đây là mộng, đây là giả thì bạn sẽ không sợ hãi, cũng không có hoảng sợ, nhưng chúng ta không biết đó là nằm mộng. Từ đó cho thấy, chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, các ngài là biết chúng ta đang nằm mộng, các ngài đến độ chúng ta, loại người không biết mình đang nằm mộng. Các ngài là người đã tỉnh ngộ từ trong mộng rồi, chúng ta là người ở trong mộng còn mê hoặc. Cho nên, ý nghĩa của danh hiệu Bồ-tát gọi là giác hữu tình. Hữu tình chính là còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây gọi là hữu tình. Các ngài tuy có hữu tình nhưng đã giác ngộ rồi, hết mê rồi, các ngài hiểu rõ chân tướng sự thật. Phàm phu chưa có giác ngộ, không hiểu rõ chân tướng sự thật, nhận giả làm thật, cho nên thọ khổ, vô lượng vô biên khổ nạn do đó mà sinh ra. 

Trong khẩu nghiệp, điều quan trọng nhất là nói ly gián. Tuy nói dối rất phổ biến, nhưng cái hại của nói ly gián hơn hẳn nói dối rất nhiều. Nói ly gián nhỏ là khiêu khích thị phi khiến cho nhà bạn bất hòa, phá hoại gia đình người ta, phá hoại vợ chồng người ta, đây là nhỏ. Nói ly gián lớn là gây chia rẽ cho hai nước bất hòa, thậm chí là xảy ra chiến tranh, tổn hại biết bao nhân mạng, tài sản, tội này nặng. Nói ly gián lớn hơn nữa là gây chia rẽ Phật pháp, nhà Phật gọi là “phá hòa hợp tăng” trong tội ngũ nghịch, tội này rất nặng, còn nặng hơn việc gây chia rẽ hai quốc gia dẫn đến phát động chiến tranh. Hai nước chiến tranh thì thương vong chỉ là thân mạng, phá hòa hợp tăng là đoạn pháp thân huệ mạng của tất cả chúng sanh. Có rất nhiều người trong chúng ta đã đọc qua kinh Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo, trong kinh Phật nêu ra một ví dụ, có hai vị tỳ-kheo giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh, pháp duyên thù thắng. Sau đó có người đố kỵ, họ cũng là người xuất gia, đến phá hoại, đặt điều sinh sự đối với pháp sư, khiến cho tín chúng mất đi tín tâm đối với pháp sư, thế là đạo tràng hoằng pháp này bị phá hoại. Phật nói với chúng ta, tội của họ là đọa vào địa ngục trong thời gian là 18 triệu năm, đây là 18 triệu năm của nhân gian chúng ta. Chúng ta biết, thời gian của nhân gian và địa ngục khác nhau, người hiện nay gọi là chênh lệch thời gian.

/ 149