/ 149
188

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 28/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 40

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ bảy, hàng thứ hai từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa nói dối thì được tám loại pháp mà trời khen ngợi. Những gì là tám? Một, miệng thường thanh tịnh, thơm mùi hoa ưu-bát.” Hôm qua, tôi giảng đến chỗ này. Chúng ta xem tiếp câu thứ hai, đây đều là nói quả đức:

Hai, được người thế gian tin phục.

Cổ nhân thường nói: “Người không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng trong xã hội.” Trong xã hội cổ đại Trung Quốc đối với chữ tín vô cùng coi trọng. Ngũ thường, “thường” là thường hằng, là nhất định không được mất đi, cho nên ngũ thường còn được gọi là “thường đạo”, cũng chính là đạo lý cơ bản làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ở trong Phật pháp đối với chữ “tín” này cũng vô cùng xem trọng, trong Tịnh độ tông có ba điều kiện là “tín, nguyện, hạnh”. Ba điều kiện “tín, nguyện, hạnh” không chỉ là Tịnh độ tông mà bất luận tu học tông phái nào, bất luận là pháp môn nào đều không thể thiếu, đặc biệt là tín. Trong đại kinh đại luận, Phật nói rõ: “Tín là nguồn của đạo, mẹ của các công đức”, ý nghĩa của lời nói này tức là tín là cội nguồn để vào đạo, có thể sinh ra công đức, cho nên gọi là “mẹ của các công đức”, mẹ nghĩa là có thể sinh ra.

Hiện nay ở nước ngoài, người thường đi nước ngoài chắc đều nhìn thấy, người nước ngoài hiện nay đều dùng thẻ tín dụng, nếu bạn không có tín dụng thì bạn sẽ rất khó sinh tồn ở xã hội đó. Xã hội phát triển, tương lai có thể sẽ không dùng tiền mặt nữa, mà hoàn toàn dùng thẻ tín dụng, cho nên người nước ngoài rất coi trọng việc làm thế nào giữ chữ tín của mình. Họ coi trọng tín là vì lợi, còn nhà Phật coi trọng tín là vì đạo. Nếu như bạn thường xuyên nói dối thì lời nói của bạn không đáng tin. Chúng ta tiếp xúc với người, người khác có dùng nói dối đối xử với chúng ta hay không cũng không quan trọng lắm, chúng ta bị lừa một lần, bị lừa hai lần thì sẽ học được bài học, sẽ không bị lừa thêm lần thứ ba. Điều quan trọng nhất là bản thân chúng ta có nói dối hay không? Chúng ta có lừa gạt người khác hay không? Thế nhưng trong xã hội hiện nay, nói dối đã trở thành một thói quen, vì sao vậy? Chỉ có dùng nói dối mới có thể bảo vệ mình, để bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn không thể không nói dối. Thế nhưng bạn có nghĩ đến quyền lợi của mình rốt cuộc được bao nhiêu hay không? Vô cùng có hạn, còn sự tổn thất của bạn thật là quá lớn quá lớn. Cho dù bạn nói dối có thể có được cả trái đất này, bạn vẫn không thể tránh khỏi sinh tử luân hồi, vì bạn nói dối nên chắc chắn không thể ra khỏi tam giới, chắc chắn không thể vãng sanh Tịnh độ, điều này nếu bạn đem so sánh thì tổn thất của bạn là bao lớn? Chúng ta không hiểu rõ chân tướng sự thật cho nên luôn luôn tùy thuận tập khí phiền não của mình.

Người hiện nay không biết ăn nói, chúng ta cũng không nên trách họ, vì không có người dạy họ. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói quá hay, bảo chúng ta nếu thật sự là một người hiểu rõ thì phải thông cảm cho tất cả chúng sanh trong xã hội hiện nay, trong kinh Phật gọi họ là “kẻ đáng thương xót”, vì sao vậy? “Đời trước không tốt, không biết đạo đức, không có người dạy, tuyệt không trách họ.” Người rõ lý, tuy không la rầy, quở trách họ, nhưng họ không thể không nhận quả báo, bản thân họ tạo nghiệp nhân này thì nhất định có quả báo, nhân duyên quả báo không ai có thể thay thế được, điều này ở trong kinh luận Đại, Tiểu thừa nói quá nhiều, quá nhiều. Cho nên chúng ta không thể không cẩn thận lời nói, cho dù bạn có thiện tâm, thiện ý nhưng bạn nhất định phải hiểu rõ là người nghe có thể lĩnh hội được thiện tâm thiện ý của bạn hay không? Rất nhiều chỗ, thiện tâm, thiện ý của bạn sau khi người ta nghe xong lại sinh ra hiểu lầm, họ nói bạn là ác tâm, ác ý. Trong kệ khai kinh có câu: “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, nói sao dễ vậy, chúng ta tu học sở dĩ không thể thành tựu, thật ra mà nói là do chúng ta hiểu lầm nghĩa chân thật của Như Lai, hiểu sai nghĩa chân thật của Như Lai, hiện tượng này quá nhiều. Chúng ta đã hiểu lầm ý của Phật, chúng ta đã hiểu sai, trong đời sống hằng ngày con người giao tiếp với nhau, chúng ta cũng thường hay hiểu sai ý của người khác, đến khi mình biết sai thì đã không kịp nữa rồi. Cho nên, nói năng không thể không cẩn thận, không thể không học tập. 

/ 149