/ 149
393

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 23/04/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 3


Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay, chúng ta bắt đầu thảo luận kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trong bộ kinh điển này cũng có thể giải thích được rất nhiều vấn đề của chúng ta, như ở đây có một câu hỏi: “Tôn giáo hòa hợp là một việc thù thắng lớn, nếu chúng ta cũng đi nghe kinh điển của tôn giáo khác thì có trái ngược với nhất môn thâm nhập hay không?” Giáo đích thực có tà, có chánh, cần phải phân biệt rõ ràng, thế nhưng đối với người có trình độ sâu thì kiến giải của họ sẽ có khác biệt, những người này chân thật đạt được không bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn, cho nên tà chánh sẽ không còn. Hiện tại chúng ta là phàm phu thì sẽ bị hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng, thế nên cần phải phân biệt rõ tà chánh, phải xa tà, thân chánh, đây là tùy thuận căn cơ mà nói. 

Mời mọi người xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, phía trước có “thượng dụ” của hoàng đế Ung Chính, chúng ta cùng xem bài này. Đế vương của triều Thanh đều là đệ tử nhà Phật, hơn nữa vào thời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, ba triều đại này là thời kỳ thịnh trị nhất của thời tiền Thanh, họ mời pháp sư vào giảng kinh tại cung đình. Chúng ta xem trong ghi chép thấy họ giảng kinh Vô Lượng Thọ, dùng lý luận, giáo huấn của kinh Vô Lượng Thọ để trị quốc, việc làm này rất đáng được tán thán. Trong cung đình mọi người đều đọc kinh, giảng kinh, xây dựng nhận thức chung, đây là cách làm vô cùng trí tuệ, vô cùng cao minh. Họ không dùng ý riêng của chính mình, không bảo người khác nghe ta nói như thế nào đó, không phải như vậy, mà nghe Phật nói! Hoàng đế còn nghe Phật, thần tử và thứ dân đều nghe theo Phật thì lòng người bình lặng, cho nên thiên hạ đại trị. Chúng ta xem bài này của ông thì biết được triều nhà Thanh làm thế nào trị tốt được quốc gia, ở đây đã lộ ra một chút tin tức. “Thượng dụ”, dùng lời hiện nay mà nói chính là huấn từ của hoàng đế.

Trẫm nghĩ dùng tam giáo để dạy dân trong nước giác ngộ, lý cùng xuất phát từ một nguồn, đạo cùng thực hiện nhưng không trái ngược.

Đoạn này là chỉ đạo chính, là tổng cương lĩnh, một lời nói ra hết thảy. Từ “trẫm” này, vào thời đại thượng cổ, tất cả mọi người đều tự xưng là trẫm, cũng giống như chúng ta hiện nay xưng là tôi, thời thượng cổ đều xưng là trẫm. Từ “trẫm” trở thành từ chuyên dùng của hoàng đế là từ thời Tần Thủy Hoàng, Tần Thủy Hoàng mới bắt đầu dùng từ “trẫm” để hoàng đế tự xưng, cho nên về sau mọi người đều không dùng chữ này để tự xưng nữa, chúng ta phải biết nguyên do của chữ này. “Trẫm nghĩ”, dùng lời hiện nay mà nói là “tôi cho rằng, tôi cho là”, chính là ý này. “Tam giáo” là Nho Thích Đạo, thời xưa Trung Quốc gọi là ba nhà, ba nhà này đều thuộc về giáo học. Quý vị phải nên biết, chữ “giáo” này là giáo học, không phải tôn giáo. Tôn giáo ở Trung Quốc đích thực là về sau rất muộn mới có danh xưng này, hơn nữa không phải bắt nguồn từ Trung Quốc, mà là từ Nhật Bản truyền qua, cho nên ở Trung Quốc không có danh từ tôn giáo, cũng không có khái niệm về tôn giáo, đây là từ bên ngoài truyền đến. 

Người Trung Quốc nói đến giáo thì nghĩa là giáo hóa, nghĩa là giáo dục, làm thế nào giáo hóa chúng sanh. Ý nghĩa của hai từ “giáo hóa” này rất hay, giáo là hành vi, hóa là kết quả. Chúng ta tiếp nhận giáo huấn của thánh hiền nhân, vì vậy sinh ra thay đổi, việc này thường gọi là thay đổi khí chất, hóa ác thành thiện, hóa mê thành ngộ, hóa phàm thành thánh, đây là nói hiệu quả của giáo học. Cho nên, người Trung Quốc dùng từ vựng, giáo là nhân, hóa là quả, ý nghĩa rất hoàn mỹ, đây là nói đến ba loại giáo dục của nhà Nho, nhà Đạo, nhà Phật. “Dạy dân trong nước giác ngộ”, là dạy nhân dân giác ngộ. Trong nước là chỉ cho Trung Quốc, ở Trung Quốc xúc tiến giáo dục giác ngộ nhân dân, ý nghĩa này hay biết bao! Quyết không phải mê tín, là dạy chúng sanh giác ngộ. “Lý cùng xuất phát từ một nguồn”, lý luận căn cứ của nó là như nhau, từ trên hình thức mà thấy thì đều căn cứ vào hiếu đạo, sư đạo, ba nhà Nho Thích Đạo đều giảng hiếu đạo, đều giảng tôn sư. Tuy là cách nói của họ không như nhau, phương pháp cũng có khác biệt, nhưng mục tiêu phương hướng của họ nhất định là giống nhau, cho nên “đạo cùng thực hiện nhưng không trái ngược”. Trung Quốc có diện tích lãnh thổ lớn như vậy, nhiều nhân khẩu đến như vậy, thời xưa quốc gia không lập nhiều trường học như thế, vậy ai giáo hóa chúng sanh? Đều do ba nhà này gánh vác trách nhiệm giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ quốc gia, giúp đỡ đế vương, giúp đỡ xã hội, khiến xã hội đại chúng chân thật đạt được đời sống hạnh phúc, an hòa, lợi lạc. Đây là một câu mà nói ra hết thảy lợi ích thù thắng của tam giáo.

/ 149