PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 23/07/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 36
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa trộm cắp thì được mười loại pháp bảo tín. Những gì là mười? Một, của cải chồng chất; vua, trộm cướp, nước lửa và con phá của không thể tiêu tán. Hai, nhiều người yêu mến. Ba, người khác không ức hiếp. Bốn, mười phương khen ngợi. Năm, không lo tổn hại. Sáu, tiếng tốt truyền khắp. Bảy, ở trong hội chúng không hề sợ hãi.” Chúng ta lần trước đã giảng đến đây.
Hôm nay, chúng ta xem tiếp: “Tám, tiền tài, thọ mạng, hình sắc, sức lực an vui, biện tài đầy đủ không thiếu.” Ở trong kinh, không chỉ là bộ kinh này, Phật nói với chúng ta một chân tướng sự thật, loại chân tướng sự thật này chính là chân lý về nhân duyên quả báo. Không những pháp thế gian như vậy, mà pháp xuất thế gian cũng không ra khỏi định luật này. Định luật cũng chính là chân lý mà chúng ta thường nói, chúng ta phải thể hội thật sâu, tin tưởng thật sâu. Làm ác thì quả báo của ác chính là mặt đối lập của mười loại pháp bảo tín mà chỗ này nói. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì vì sao chúng ta không đoạn ác tu thiện? Con người đều mong cầu quả báo tốt, người thế gian bất luận là người xưa hay người nay, nơi đây hay cõi khác, tất cả chúng sanh không ai không cầu mong giàu có, sống lâu, trí tuệ. Có thể cầu được không? Đáp án là chắc chắn được, nhất định có thể cầu được, cho nên nhà Phật thường nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng.” Thế nhưng chúng ta nhất định phải cầu như lý như pháp, nếu không hợp lý, không hợp pháp thì việc cầu này không có cảm ứng, chỉ cần như lý như pháp thì không có gì không cầu được.
Quả báo của “không sát sanh” thù thắng không gì bằng, trong rất nhiều quả báo thù thắng thì điều quan trọng nhất là trường thọ, khỏe mạnh trường thọ, đây là đức hàng đầu, dứt khoát không có ý niệm tổn hại chúng sanh. Nhưng điều này rất nhiều người rất khó làm được, nguyên nhân ở đâu vậy? Tập khí quá nặng, tập khí sân giận, tập khí cống cao ngạo mạn, khi đối đãi với người, với việc, với vật, không hay không biết nó lại khởi hiện hành, vẫn tạo tác ác nghiệp như xưa. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải đoạn phiền não, càng phải đoạn tập khí. Chúng ta nhìn thấy nghệ thuật tạo tượng của nhà Phật, bạn thử xem mỗi tượng của A-la-hán đều khác nhau, thế nhưng tỉ mỉ mà quan sát thì tượng của họ vẫn là từ bi. Tạo tượng của Bồ-tát thì không như vậy, hầu như diện mạo của Bồ-tát đều giống nhau, đây là nguyên nhân gì? A-la-hán đã đoạn hết ác nghiệp rồi, nhưng vẫn chưa đoạn tập khí ác, Bồ-tát ngay cả tập khí cũng đoạn rồi, cho nên diện mạo hiền từ, hòa nhã, tất cả chúng sanh nhìn thấy đều sanh tâm hoan hỷ, không giống như A-la-hán. Ở chỗ này chúng ta cần phải thể hội được, biết làm thế nào để học tập, điều quan trọng nhất là phải đoạn tập khí.
Cách đoạn tập khí như thế nào? Chúng ta nhất định phải xem trọng phương pháp, đương nhiên phương pháp có hiệu quả nhất là chúng ta đem hành vi sinh hoạt, cách đối nhân xử thế của chính mình quay thành video, sau đó tự mình thử xem lại xem, đây là biện pháp hay. Nhưng mà không có người ghi hình giúp bạn, thế là chúng ta nghĩ đến cổ nhân, cổ nhân dùng phương pháp gì vậy? Hằng ngày soi gương, khi trong tâm bạn có mừng, giận, buồn, vui thì bạn dùng gương soi lại chính mình, xem đức tướng đó của mình thì có thể tỉnh ngộ được. Thật ra chỉ cần tự mình lưu ý, tự mình chịu dụng tâm, trong đời sống hằng ngày, chúng ta nhìn người khác, nhìn chính mình thì không nhìn thấy, nên phải nhìn người khác, người khác chính là tấm gương của chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy nhan sắc, vẻ mặt, ngữ khí của người ta bất thiện, chúng ta cảm thấy như thế nào? Quay trở lại nghĩ bản thân mình, chúng ta đối xử với người khác có giống như vậy hay không. Phu tử nói với chúng ta: “Ba người cùng đi, ắt có thầy ta”, bạn thử xem dáng vẻ của người thiện, dáng vẻ của người bất thiện, chỉ cần tự mình chịu lưu ý thì biết sửa lỗi, từng li từng tí trong đời sống hằng ngày đều sẽ biết dụng tâm mà học tập.