PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 25/07/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 37
Chư vị đồng học, chào mọi người! Tối hôm qua, chúng tôi tham gia hoạt động ngày của mẹ của Hồi giáo, hoạt động này rất có ý nghĩa. Sau khi trở về, chúng tôi lại tham gia buổi giới thiệu sơ lược về Hồi giáo tại Phật đường ở lầu năm của Cư Sĩ Lâm chúng ta, cho nên cả buổi chiều hôm qua là tham gia hoạt động của Hồi giáo. Tại rất nhiều khu vực quốc gia hiện nay, hoạt động ngày của mẹ đều được tổ chức rất long trọng, thực ra mục đích thật sự của nó là nhằm đề xướng hiếu đạo. Hôm qua họ chọn ra mười bà mẹ mẫu mực, chúng tôi cũng nghe bài phỏng vấn riêng với từng bà mẹ, mười bà mẹ này đều là anh hùng trong mắt của con cái các bà, đều là nhân vật vĩ đại, cừ khôi, quả thật họ đã phấn đấu trong đời sống vô cùng gian khổ để nuôi dưỡng con cái nên người, hơn nữa con cái trong xã hội đều rất có thành tựu, rất có cống hiến. Năm xưa, cuộc sống của các bà vô cùng gian khổ, phần lớn là làm thuê, giúp việc cho người ta, kiếm một chút ít tiền để nuôi dạy con cái, chịu thương chịu khó. Rất đáng tiếc là trong trường hợp này không hề nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của giáo dục gia đình, chúng ta biết rằng nền tảng của thế giới hòa bình, xã hội an định là gia đình.
Giáo dục của nhà Nho, bạn muốn hỏi nhà Nho rốt cuộc dạy người những điều gì? Chúng ta có thể thấy rất rõ ràng trong sách Đại Học, đây là tổng cương lĩnh giáo dục của nhà Nho, là một thiên văn chương rất có hệ thống. Phần mở đầu đã nói rõ ý nghĩa tông chỉ [của toàn kinh văn]: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện.” (Đạo của Đại Học là ở chỗ làm sáng tỏ minh đức, thân dân, đạt đến chí thiện). Khổng lão phu tử cả đời dạy học chính là dạy ba câu này, ba câu này là tổng cương lĩnh của ngài, từ xưa đến nay có rất nhiều người giảng giải, trước thuật, nói rất nhiều. Nhưng nếu như chúng ta muốn đem Nho với Phật, thậm chí là đem kinh điển của tất cả tôn giáo trên thế gian tổng hợp lại để xem, thì chúng ta sẽ thể nghiệm càng sâu sắc hơn đối với ba câu nói này của Phu tử.
“Minh minh đức”, “minh đức” là danh từ, chữ “minh” phía trước là động từ. Minh đức, minh là quang minh, minh là trí tuệ, nhà Nho nói minh đức, nhà Phật gọi là bổn tánh. Nhà Phật nói bổn tánh vốn dĩ đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức tướng; vô lượng trí tuệ, vô lượng đức tướng chính là minh đức mà trong sách Đại Học đã nói, đây chính là Phật trong đại kinh thường nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai”, cho nên minh đức là thứ mà chúng ta vốn có. Nhưng minh đức vốn có hiện tại không còn minh rồi, đây chính là “vô minh” mà nhà Phật đã nói. Quý vị phải hiểu rằng vô minh với chân như bổn tánh là một, không phải hai, vô minh là chúng ta đã mê mất bổn tánh, đã mê mất tánh đức, cho nên biến thành vô tri. Nhà Nho dạy học, dạy điều gì vậy? Dạy “minh minh đức”, khôi phục minh đức của bạn, chữ “minh” phía trước là động từ, khôi phục minh đức chính là “minh tâm kiến tánh” mà nhà Phật nói, tâm tánh của chúng ta hiện nay không minh. Phật dạy học là dạy điều này, nhà Nho dạy học cũng dạy điều này.
Tối hôm qua, chúng tôi nghe tiên sinh Thái Nỗ Đinh giới thiệu Hồi giáo, Hồi giáo sùng kính duy nhất là đức thánh A-la. Họ nói A-la không phải là một người, A-la ở tận hư không khắp pháp giới, mọi lúc mọi nơi, đâu đâu cũng có ngài, vậy là giống với “chân như tự tánh” mà chúng ta thường nói, cùng ý nghĩa với “minh đức” mà nhà Nho nói. Cho nên họ cũng nói rất hay, A-la là hóa thân của chân lý. Do đó bạn nghĩ xem, tìm về cội nguồn của mỗi một tôn giáo, tuy khác đường nhưng cùng đích đến, chỉ là danh xưng không giống nhau thôi, thực ra ý nghĩa đều như nhau, đây chính là điều mà nhà Phật gọi là “phương tiện có nhiều cửa”. Tôn giáo khác nhau thì có các cách nói khác nhau, đó là phương tiện có nhiều cửa, nhưng cái được nói đến chỉ là một sự việc, một đạo lý, đạo lý này chính là chân lý. Nếu như chúng ta áp dụng trí tuệ, đức tướng vốn đầy đủ trong tự tánh vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta, trong xử sự đối nhân tiếp vật thì đây chính là “thân dân”.
“Chỉ ư chí thiện” là phải làm đến tận thiện tận mỹ, đời sống của chúng ta tương ưng với tánh đức, chúng ta thường ngày làm việc cũng tương ưng với tánh đức, xử sự đối nhân tiếp vật từng li từng tí không có gì mà không tương ưng với tánh đức, đó gọi là “chỉ ư chí thiện”. Cho nên, đại đạo mà thánh hiền thế xuất thế gian nói đều là giống nhau, đáng tiếc là chúng ta mê mà không giác, chúng ta chưa làm được, chỉ nói suông thì không được, nhất định phải làm được, phải bắt đầu làm từ bản thân chúng ta. Hồi giáo không mời tôi đi giảng kinh, nếu họ mời tôi giảng kinh, tôi sẽ làm ra tấm gương cho họ thấy, vào giáo đường của họ phải dùng nghi lễ của họ, nhập gia tùy tục, chúng ta phải dùng lòng tôn kính nhất để lễ kính đức A-la. Đây là gì vậy? Đây là “minh đức, thân dân”, chúng ta thực hiện “minh minh đức”, đạo lý như nhau. Khi đến Phật đường, nhất định phải hết lòng lễ kính Phật, chúng ta vào giáo đường Ki-tô, giáo đường Thiên Chúa, nhất định phải hết lòng lễ kính trước thập tự giá Giê-su, hết lòng lễ kính trước Thánh Mẫu, cùng việc chúng ta hết lòng lễ kính chư Phật Như Lai là như nhau, không hai không khác, vậy mới gọi là chân thật thực hiện. Phải có người dẫn đầu, phải nghiêm túc mà học tập. Tổng tiêu đề giảng kinh hoằng pháp tại các nơi trên thế giới ngày nay của chúng tôi là: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, hành vi, cách làm của chúng ta phải làm ra một tấm gương tốt cho người thế gian, nhất định phải đi làm, không làm không được, miệng nói mà không làm thì không có ai chịu tin bạn, rất khó thu được hiệu quả giáo dục.