/ 149
159

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 35

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm qua, lần đầu tiên Tịnh tông Học hội Úc Châu tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu với dân địa phương, trước đây chưa từng có kinh nghiệm này, thế nhưng buổi gặp gỡ kể ra làm được rất thành công, mọi người chúng ta đều rất hài lòng. Khách mời có chính phủ liên bang, chính phủ huyện và quan chức nghị viên chính phủ địa phương của chúng ta, còn có các đại biểu của các tôn giáo. Mọi người nhìn thấy trong lòng đều rất hoan hỷ, những gì tôi nghe được đều là lời tán thán, đây là một sự khởi đầu rất tốt.

Do khoa học kỹ thuật phát triển, giao thông thuận tiện, địa cầu này quả thật đúng là trở thành “thôn địa cầu”, mọi người cùng sống trong một thôn trang thì quan hệ giữa người và người tự nhiên sẽ mật thiết, chỉ có qua lại, thông hiểu thì chúng ta mới có thể cùng tồn tại hòa bình tại khu vực này. Nếu hai bên không qua lại, giống như trước đây giao thông xác thực là không thuận tiện, thông tin không phát triển, tin tức truyền đi vô cùng chậm chạp, khó khăn, bị núi sông biển cả cách trở thì tự nhiên sẽ dẫn đến nghi ngờ lẫn nhau. Bởi do nghi ngờ nên dẫn đến rất nhiều sự hiểu lầm, nghiêm trọng hơn nữa là dẫn đến chiến tranh, cho nên thiên tai nhân họa đều là từ trong tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến sanh ra, nhà Phật gọi là kiến tư phiền não, không chỉ là tai nạn do con người, mà tai họa tự nhiên cũng khởi đầu từ đó. Cho nên, Phật dạy chúng ta: “Đoạn dứt tham sân si, siêng tu giới định tuệ.” Đoạn sạch nhân duyên bất thiện thì quả báo bất thiện tự nhiên sẽ dần dần mất hẳn, người thế gian thật không dễ gì thể hội được đạo lý này.

Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì người thế gian đối với thần quyền càng ngày càng lợt lạt, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Có quỷ thần tồn tại hay không? Đáp án khẳng định là có. Quỷ thần có quyền lực can thiệp chúng ta hay không? Điều này không thể hoàn toàn khẳng định, trong kinh Phật nói quỷ thần không có quyền can thiệp chúng ta, quỷ thần cũng là một loại chúng sanh. Vì vậy, cát hung họa phước xác thực là do bản thân chúng ta tạo tác nghiệp thiện ác mà chiêu cảm nên, đây là sự thật, đây là Phật nói lời chân thật với chúng ta trong kinh điển. Quỷ thần cùng lắm chẳng qua là ngoại duyên mà thôi, giống người chấp hành pháp luật trong xã hội của chúng ta, như thẩm phán, cảnh sát hình sự, công an, nhân dân không phạm tội thì họ không có quyền can thiệp, bạn phạm tội thì họ mới can thiệp đến bạn. Trong quỷ thần cũng có một loại chấp hành pháp luật tương tự như tình trạng này. Cho nên, khoa học kỹ thuật phát triển thì phủ định có quỷ thần, đây là quan niệm sai lầm. Chúng ta khẳng định họ có tồn tại, nhưng chúng ta cũng khẳng định cát hung họa phước là do nghiệp thiện ác chiêu cảm.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Thế Tôn trong kinh điển dạy chúng ta, nơi này là một nơi rất tốt, thuần thiện không ác. Tại sao nơi đó lại tốt như vậy? Vì người ở nơi đó không làm ác, không những không tạo tác ác nghiệp mà còn không khởi ác niệm, cho nên gọi là thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc cũng không phải do Phật Bồ-tát tạo nên, mà là do nghiệp lực của đại chúng chiêu cảm nên. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, có thể đem thế giới Ta-bà biến thành thế giới Cực Lạc được không? Khẳng định là có thể được, chỉ cần mỗi một người trong thế gian này đều có thể hồi tâm hướng thiện.

Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Phật có một đoạn khai thị vô cùng quan trọng, đoạn này ở trang thứ năm trong quyển kinh nhỏ này của chúng ta, đoạn lớn này là: “Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ trong các đường ác.” Tất cả các đường ác, ngoài ba đường ác ra, ba đường thiện nếu so với tứ thánh pháp giới thì đó cũng là đường ác; tứ thánh pháp giới nếu so với nhất chân pháp giới thì vẫn là đường ác. Do đây có thể biết, từ phương diện tương đối mà nói, thập pháp giới đều là ác đạo, trong đây đều là khổ. Quý vị đều biết, Phật trong kinh nói với chúng ta rằng trong sáu cõi có “khổ khổ, hoại khổ, hành khổ”, trong kinh Đại thừa thường nói “tam giới đều khổ”. Tứ thánh pháp giới: A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát có khổ hay không? Có khổ, vì họ chưa minh tâm kiến tánh; hay nói cách khác, một phẩm vô minh phiền não cũng chưa phá, do đó họ có khổ. Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, ra khỏi thập pháp giới, làm Bồ-tát đồng sanh tánh với chư Phật Như Lai, vậy mới thật sự gọi là lìa khổ được vui. Cho nên, chỗ này nói “tất cả các ác đạo” là bao gồm thập pháp giới ở trong đó. Một pháp này của Bồ-tát, chúng ta cần phải chú ý.

/ 149