/ 149
104

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 12/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 34

 

Ở đây có một vị đồng tu tên là Phạm Sinh Hoa, anh hiện đang đợi ở trên mạng Internet. Nội dung anh hỏi là bà ngoại của anh tin Phật, niệm Phật nhiều năm nay, gần đây bị tai biến trở thành người thực vật, làm sao để người đã mất ý thức có thể vãng sanh Tây Phương? Bản thân bà vô cùng nhàm chán Ta-bà, thích sanh Tịnh độ. Để giúp bà vãng sanh Tây Phương, anh vì bà niệm Phật và tụng kinh Địa Tạng, không biết tụng kinh Địa Tạng và kinh Vô Lượng Thọ có gì khác biệt không? Anh ấy lúc nhỏ tụng kinh Địa Tạng, hiện tại học kinh Vô Lượng Thọ. Vấn đề này quả thật vô cùng nghiêm trọng, vì điều kiện đầu tiên để vãng sanh chính là thần trí phải tỉnh táo, người có thể vãng sanh hay không, quyết định ở một niệm cuối cùng. Một niệm cuối cùng rất tỉnh táo, rất sáng suốt, hoan hỷ vãng sanh thì nhất định được sanh, một niệm cuối cùng mơ hồ thì rất phiền phức, siêu độ cũng không dễ dàng. Phật sự siêu độ, lúc họ đang tiếp nhận siêu độ liệu họ có hồi tâm chuyển ý cầu sanh Tây Phương hay không, đây là do bản thân họ quyết định. Nếu làm Phật sự siêu độ mà bản thân họ vẫn thờ ơ không quan tâm, không chút động lòng thì họ vẫn không thể vãng sanh, cho nên khẳng định có phần chắc chắn vãng sanh là một niệm cuối cùng phải thật tỉnh táo.

Trong Phật pháp, đây thuộc về một loại nghiệp chướng, bị tai biến trở thành người thực vật, chứng mất trí nhớ của người già đều thuộc về nghiệp chướng, con cháu hiếu thuận có thể giúp họ chuyển nghiệp này được hay không? Cần phải học Quang Mục nữ, Bà-la-môn nữ trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, phải phát tâm lớn như vậy thì sức mạnh đó rất lớn, có thể chuyển nghiệp báo của họ. Nếu không thể phát được tâm lớn như vậy thì chỉ có thể giảm bớt nỗi đau khổ của họ, chứ vãng sanh thì rất khó khăn. Trong kinh Địa Tạng có ghi rõ ràng, bạn tụng kinh Địa Tạng nhiều như vậy, cần phải hiểu rõ, bạn nhất định phải phát tâm làm Bồ-tát, phổ độ tất cả chúng sanh khổ nạn ở thế gian thì bà ngoại của bạn sẽ được độ. Nếu bạn không phát tâm lớn như vậy, không làm Bồ-tát thì bạn không thể độ nổi, bạn làm Bồ-tát thì người thân quyến thuộc của bạn đều được độ. Sự việc này quyết định là ở chính bạn, người khác không thể giúp được, chư Phật Bồ-tát cũng không thể giúp được.

Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, chúng ta đọc từ hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa trộm cắp thì được mười loại pháp bảo tín.” “Bảo” là giữ gìn, không bị mất đi. Mười loại pháp bảo tín này, phía trước đã giới thiệu với quý vị loại thứ nhất rồi. Loại thứ nhất là “của cải chồng chất, không bị vua, giặc, nước, lửa và con phá của làm cho tiêu tán mất”.

Loại quả báo thứ hai là “nhiều người yêu mến”. Người không trộm cắp, không trộm cắp giống như không sát sanh đã nói ở phía trước, đều thuộc về bố thí vô úy; hay nói cách khác, khiến tất cả chúng sanh xa lìa sợ hãi lo lắng. Người thế gian thường nói “đừng phơi của ra”, tiền tài của bạn mà để người khác biết, họ sẽ khởi ác niệm đến trộm cắp của bạn, hoặc là đến cướp đoạt của bạn. Nếu người này là người trì giới, bạn có của cải nhiều đến đâu, cho dù họ nhìn thấy rồi, biết rồi nhưng họ cũng không động tâm, không khởi ác niệm, bạn có thể rất yên tâm, có thể rất an toàn, cho nên đây là thuộc về bố thí vô úy. Bố thí vô úy nhất định được “nhiều người yêu mến”, trong thế gian này bạn sẽ được rất nhiều người ủng hộ, rất nhiều người quan tâm bạn, đây là quả báo rất thù thắng.

“Ba, người khác không ức hiếp”, nghiệp nhân quả báo này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Ta không ức hiếp người thì người sẽ không ức hiếp ta. Ta không ức hiếp người mà vẫn có người khác ức hiếp ta, đó là do ác nghiệp đã tạo trong đời quá khứ. Dứt khoát không thể nói: “Tôi hành thiện, tại sao vẫn gặp phải điều không tốt như vậy?” Đây là tiêu nghiệp chướng, nghiệp chướng của bạn đã trả hết rồi. Sau khi nghiệp chướng của bạn tiêu hết thì quả thiện của bạn nhất định sẽ hiện tiền, cho nên bạn nhất định phải có tín tâm đối với mười loại pháp bảo tín này, phải có tín tâm, đối với thánh giáo dứt khoát không có nghi ngờ.

/ 149