113

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 11/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 33

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, bắt đầu xem từ hàng thứ ba từ dưới lên:

Lại nữa, long vương! Nếu lìa trộm cắp thì được mười loại pháp bảo tín. Những gì là mười? Một, của cải chồng chất; vua, trộm cướp, nước lửa và con phá của không thể tiêu tán. Hai, nhiều người yêu mến. Ba, người khác không ức hiếp. Bốn, mười phương khen ngợi. Năm, không lo tổn hại. Sáu, tiếng tốt truyền khắp. Bảy, ở trong hội chúng không hề sợ hãi. Tám, tiền tài, thọ mạng, hình sắc, sức lực an vui, biện tài đầy đủ không thiếu. Chín, thường sẵn lòng bố thí. Mười, chết được sanh lên trời. Đó là mười. Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ chứng được trí thanh tịnh đại Bồ-đề. 

Đến đây là một đoạn. Đoạn này là Thế Tôn khai thị cho chúng ta mười loại quả báo thù thắng của không trộm cắp. Điều thứ nhất nói về tài phú, “của cải chồng chất; vua, trộm cướp, nước lửa và con phá của”, đây là trong kinh Phật thường nói tiền tài là của chung của năm nhà, bạn sẽ không gặp nạn này. “Vua” là trước đây vào thời xưa, nếu như bạn phạm tội thì gia sản của bạn sẽ bị nhà nước tịch biên, gọi là tịch thu tài sản. “Trộm cướp” là gặp phải trộm cướp. “Nước lửa” thì dễ hiểu là bị nước lũ cuốn trôi, lửa thiêu. “Con phá của” là con cái phá nhà, tán của. Cho nên đây là của chung của năm nhà, bạn có thể tránh được tai nạn này.

Có thể nói, tất cả mọi chúng sanh niệm niệm đều mong cầu giàu có. Người không thích giàu có thì rất ít, đó là người đích thực có đạo, an bần lạc đạo, loại người này cực kỳ hiếm. Bạn thấy, tuyệt đại đa số mọi người đều đang theo đuổi giàu có. Có thể truy cầu được giàu có hay không? Nếu nói chúng ta có năng lực truy cầu được giàu có thì có thể vứt bỏ giáo huấn của thánh hiền rồi, bạn có thể lật đổ được định luật của nhân quả. Trong kinh giáo, Phật nói cho chúng ta biết, pháp thế xuất thế gian đều không ra khỏi định luật nhân quả, pháp thế gian như vậy, mà pháp xuất thế gian cũng như vậy. Ngài Thanh Lương phán định kinh Hoa Nghiêm thành ngũ chu nhân quả, ngài Trí Giả phán định kinh Pháp Hoa thành nhất thừa nhân quả, Phật pháp không thể rời khỏi nhân quả, chúng ta cần phải hiểu rõ đạo lý này. Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân bất thiện mà muốn cầu được quả thiện thì không có đạo lý này. 

Giáo dục của thánh hiền, tổng kết lại là dạy chúng ta điều gì? Chẳng qua là dạy chúng ta có năng lực biện biệt tà chánh, thị phi, đây là nhân; giúp chúng ta nhận thức cát hung họa phước, cát hung họa phước là quả. Cái gì là tà? Cái gì là chánh? Phàm là tương ưng với tai họa, quả báo là tai họa, là hung thì đây chính là tà, đây chính là phi. Nếu quả báo là cát tường, là phước thì đây chính là thị, đây chính là chánh. Tiêu chuẩn, định nghĩa của cát hung họa phước nhất định phải xem từ trên quả báo. Nhà Phật nói về quả báo rất nhiều, cũng nói rất rộng rất sâu, quả báo thông ba đời. Hiện tại được phước báo nhưng tương lai không có phước thì phước báo này là giả, không phải thật. Chúng ta hãy xem xã hội hiện nay, có rất nhiều người lúc còn trẻ thì phát đạt, thật sự là của cải chồng chất, tài sản ngàn tỷ, nhưng kinh doanh khoảng 10 năm, 20 năm thì nghe nói công ty của họ vỡ nợ đóng cửa, phá sản rồi, đây là điều mà trong xã hội hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều. Sự phát đạt đó của họ, sự giàu có đó của họ không phải thật, nói thật ra là bày ra trước mắt cho bạn xem mấy ngày mà thôi, thời gian không dài. Nếu sự giàu có này của họ có thể kéo dài đến đời con cháu, đời đời đều có thể duy trì thì đây là thật, không phải giả. Cổ nhân Trung Quốc chúng ta thường nói “giàu không quá ba đời”, ý nghĩa của câu nói này rất sâu xa, đời thứ ba thì suy, thì bại rồi, vậy đâu phải là thật. Đời thứ ba còn không phải thật, bản thân ở trong đời này còn giữ không xong, có thể thấy được là càng hư huyễn.