/ 149
281

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 22/04/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 2

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay vẫn còn có mấy vấn đề cần phải giải đáp, có một số đồng học hai ngày nữa thì phải trở về Trung Quốc, phải rời khỏi nơi đây.

Vấn đề thứ nhất, họ hỏi: “Sau khi sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc có phải là lập tức có thể trở lại độ chúng sanh hay không? Hay là phải đợi đến “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” thì mới được?”

Vấn đề này trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng, Di-đà vô cùng từ bi, đối với người có tâm từ bi lớn, pháp duyên thù thắng thì có gia trì đặc biệt. Nếu như họ phát nguyện muốn độ chúng sanh trước, sau đó thành tựu chính mình, Phật cũng giúp cho họ, chỉ cần gặp được A-di-đà Phật thì sẽ được bổn nguyện của Di-đà gia trì, bất luận thọ sanh ở cõi nào đều sẽ không mê mất tự tánh. Cho nên đây là pháp môn không thể nghĩ bàn, cũng là từ xưa đến nay rất nhiều tổ sư đại đức gọi là “pháp khó tin”. Pháp này, Phật ở trong tất cả kinh từ trước đến giờ chưa từng nói qua, tất cả cõi nước chư Phật từ trước đến giờ cũng không có những sự việc này, chỉ thế giới Tây Phương có. Lý này rất sâu, sự rất rõ ràng, chúng ta phải tin tưởng.

Phật pháp là giáo dục, không phải tôn giáo, chúng ta đã nhận biết điều này một cách rõ ràng. Giáo học của Phật-đà cùng tinh thần của Khổng lão phu tử là hoàn toàn như nhau, “giáo dục không phân biệt”, cũng chính là bình đẳng giáo hóa đối với tất cả chúng sanh. Thế nhưng đích thực phạm vi giáo học của Phu tử là ở thế gian, hơn nữa chỉ ở cõi người, còn đối với cõi trời và quỷ thần thì Phu tử thường nói “kính quỷ thần, nhưng tránh xa”, chúng ta cúng tế họ, thế nhưng không được thân cận học tập. “Tránh xa” là ý này, chính là không học tập với họ. Còn phạm vi giáo học của Thích-ca Mâu-ni Phật rất lớn, [dành cho] tất cả chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới, phạm vi này rộng lớn mà không có biên giới. Ở đây nói mười pháp giới, hiện nay nhà khoa học gọi là sinh vật của các chiều không gian khác nhau. Rốt cuộc có bao nhiêu chiều không gian khác nhau? Không có người nào biết. Trên lý luận mà nói thì đó là con số vô lượng, Phật đều giáo hóa tất cả.

Phật có năng lực gì vậy? Phật không hề nói ngài có năng lực, Phật nói đó là bản năng của tự tánh mỗi người. Chúng ta tỉ mỉ mà tư duy thì thấy lý luận này có thể đứng vững, chúng ta sẽ gật đầu, tin tưởng. Tự tánh là gì vậy? Là chân tâm. Chân tâm của chúng ta, bổn tánh của chúng ta vốn dĩ đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, vô lượng tướng hảo. Chúng ta thường nói Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; nhưng trên thực tế thì trong kinh Đại thừa nói “Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, bạn vốn dĩ cũng có. Cho nên, Phật nói ngài không có thứ gì để dạy cho người, thứ mà ngài dạy cho người đều là bản năng của tất cả chúng sanh. Thế nhưng bản năng của ngài hồi phục được rồi, ngài nói bản năng của chúng sanh là bị ẩn tàng mất, có thứ làm cho bạn bị che mất, khiến cho bản năng của bạn không thể hiển lộ, không khởi tác dụng; không phải nó không có, đích thực là có. Cho nên, Phật thấy tất cả chúng sanh là bình đẳng, không có cao thấp. Không chỉ là “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, mà Phật thường nói “sanh Phật bình đẳng”, sanh là chúng sanh, Phật là chư Phật Như Lai, chúng sanh và Phật bình đẳng, tánh tướng là một, lý sự không hai. Đây là nghĩa kinh mà trong kinh Đại thừa nói, đây là chân tướng sự thật.

Vì sao thế gian có người thông minh, có người ngu dốt vậy? Đó chính là do bị phiền não che lấp có nặng nhẹ, dày mỏng khác nhau. Người phiền não nhẹ thì trí tuệ sẽ cao một chút, người phiền não nặng thì trí tuệ thấp một chút; người tạo thiện nghiệp nhiều thì tướng mạo đoan nghiêm, người tạo ác nghiệp nhiều thì tướng mạo sẽ xấu xí, cảnh giới này không nhất định, mà là thiên biến vạn hóa. Cũng giống như thân thể của chúng ta vậy, thân thể cũng thuộc về cảnh giới, đây là tướng hiện tiền, “tướng chuyển theo tâm”. Cho nên một người tu hành nỗ lực đoạn ác tu thiện, vài năm sau thì bạn thấy tướng mạo của họ thay đổi, tướng mạo chuyển đổi tốt, trở nên rất hiền hậu, nói rõ họ tu hành công phu đã đắc lực. Tướng chuyển theo tâm, cảnh giới cũng chuyển theo tâm. Nếu như một người cả đời đều bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đây chính là nói bạn bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng, vậy bạn là phàm phu, chính bạn không thể làm chủ được. Nếu bạn có thể chuyển được cảnh giới, bạn không bị cảnh giới ảnh hưởng, bạn có thể ảnh hưởng cảnh giới, thì người này chính là Phật, kinh Lăng-nghiêm nói: “Nếu có thể chuyển cảnh thì đồng với Như Lai.” Thế nên vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau khi thấy được A-di-đà Phật, bất luận đến nơi nào để độ chúng sanh, đừng nói đến nhân gian này, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục, cõi nào họ cũng đến được. Họ hoàn toàn đột phá được các chiều không gian, họ không bị hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng, đây là có công phu. Công phu này, đương nhiên một mặt là chính mình tu, phương diện lớn hơn là bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì, khiến bạn hằng trụ niệm Phật tam-muội, bạn mới có được công phu này. 

/ 149