/ 149
131

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 25/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 25

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, kinh văn hàng thứ ba:

Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ trong các đường ác. Pháp đó là gì? Là ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, chẳng để mảy may bất thiện xen tạp, như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn.

Đoạn khai thị này là trung tâm của bộ kinh này, không chỉ là phần quan trọng nhất của bộ kinh này, mà cũng có thể nói đó là trung tâm mà Thích-ca Mâu-ni Phật 49 năm giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Thích-ca Mâu-ni Phật như vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai cũng không có gì khác, đó gọi là “Phật Phật đạo đồng”. Do đây có thể biết tính quan trọng của đoạn kinh văn này. Chúng ta tu hành là tu gì? Đoạn kinh văn này đã nói rất rõ ràng sáng tỏ, pháp môn chúng ta tu là Tịnh độ, tại sao chúng ta phải học kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo? Thậm chí còn có người hỏi: “Tại sao ngài còn phải giảng kinh Hoa Nghiêm?” Một số người sơ học không hiểu rõ đạo lý này. Học Tịnh độ từ đâu vậy? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vi-đề-hy gặp đại nạn, là biến cố gia đình, biến cố của quốc gia, bà đau khổ không thiết sống, thỉnh cầu Thế Tôn chỉ giáo, liệu có hoàn cảnh sống nào tốt hay không, bà muốn cầu sanh về đó. Thế Tôn vô cùng từ bi, đem cõi nước của chư Phật mười phương biến hiện ra trước mặt bà, để tự bà nhìn thấy, tự bà lựa chọn. Bà đã chọn thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật, bà chọn đúng rồi, Thế Tôn vô cùng tán thán đối với sự lựa chọn của bà.

Bà muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, Thích-ca Mâu-ni Phật dạy bà như thế nào? Điều này chúng ta không thể không lưu ý. Trước khi Phật dạy bà phương pháp vãng sanh, ngài dạy bà “tịnh nghiệp tam phước”. Điều thứ nhất: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp.” Điều thứ hai: “Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi.” Điều thứ ba: “Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả.” Phật lại nói với bà, ba điều này là “chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”, pháp môn mà ba đời chư Phật đã tu không như nhau, ý này là nói trong vô lượng vô biên pháp môn thì đây là nền tảng, vô lượng vô biên pháp môn chính là tu ba điều này, ba điều này là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh. Mà tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc, trên thực tế chính là hai câu phía trước: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, là hai câu này. Tu học Phật pháp bắt đầu từ chỗ này và cũng viên mãn ngay chỗ này, đây là căn bản, những điều phía sau đều là phương tiện. Làm thế nào viên mãn hai câu này? Đó chính là chín câu phía sau, từ câu “từ tâm không giết” trở về sau là phương tiện, ở trong phương tiện thì điều quan trọng nhất là “từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là giảng giải hai câu này. Bạn nói xem, chúng ta có cần học kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo hay không? Bạn không hiểu được thập thiện nghiệp đạo thì hiếu thân tôn sư chỉ là hai câu khẩu hiệu rỗng không, không thể thực hiện. “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng” thực hiện ở “từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, thực hiện ở đây, đây là “chánh nhân tịnh nghiệp”.

Đặc biệt là muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là Tịnh độ, làm sao có thể vãng sanh Tịnh độ? Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, tâm thanh tịnh rồi thì ngữ nghiệp thanh tịnh, thân nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp đều thanh tịnh. Nếu như bạn tỉ mỉ đọc kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu là nhắc nhở chúng ta cương lĩnh tu hành, cũng là tịnh nghiệp tam phước, dạy chúng ta “khéo giữ khẩu nghiệp”. Ở trong khéo giữ khẩu nghiệp, điều quan trọng nhất là “không chê lỗi người”, cùng với điều đại sư Lục tổ Huệ Năng nói trong Đàn Kinh là hoàn toàn tương ưng. Đại sư Huệ Năng nói: “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian”, chính là trong kinh Vô Lượng Thọ nói “khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”. Hằng ngày nói thị phi, hằng ngày phê bình người khác, hằng ngày ý kiến rất nhiều thì người này không phải người tu hành, người này không phải là đệ tử Phật, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

/ 149