/ 149
123

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 26/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 26

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, kinh văn hàng thứ ba, chúng ta đọc từ đầu: “Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ trong các đường ác. Pháp đó là gì? Là ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, chẳng để mảy may bất thiện xen tạp, như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn.”

Hôm qua, tôi đã nói với quý vị về “tất cả các đường ác”, phạm vi bao quát rộng vô cùng. Tối hôm qua, chúng ta nghe phần giới thiệu vắn tắt của tiên sinh Chu về Bahá’í giáo, chúng ta hiểu được lý luận thông thường và phương pháp tu học của tôn giáo này. Trong đó có rất nhiều điều mà trong Phật pháp cũng nói đến, nếu nói tỉ mỉ, nói thấu triệt, nói triệt để thì không vượt qua được Phật pháp. Ngày nay, sở dĩ Phật pháp suy, không phải suy ở pháp, mà suy ở những đệ tử Phật chúng ta chưa thể y giáo phụng hành, suy ở chỗ này. Điều đầu tiên mà Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta nhưng chúng ta chưa làm được là “lễ kính chư Phật”. Cổ nhân nói là: “Nghe lời họ nói rồi quan sát hành vi của họ”, nói nghe rất hay nhưng làm thì không đúng như điều họ đã nói, đây chính là xen tạp bất thiện. Phật độ tất cả chúng sanh, giáo hóa chúng sanh, ngài bắt đầu làm từ chính mình. Chúng ta học Phật, điều quan trọng nhất cũng phải bắt đầu làm từ bản thân. Thử hỏi, khi chúng ta bước vào giáo đường Ki-tô, nhìn thấy tượng chúa Giê-su thì ta có lạy ngài không? Bước vào Ấn Độ giáo, nhìn thấy Ấn Độ giáo cúng Đại Phạm thiên vương là cúng tượng thần, chúng ta có lạy ngài không? Nếu không thì lời nói đó không đáng tin cậy rồi. “Lễ kính chư Phật”, chư Phật là ai? Là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai, tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai, thần thánh trong tất cả các tôn giáo khác nhau đều là Phật vị lai, cũng có thể là do Phật quá khứ, Phật hiện tại ứng hóa ra, chúng ta không hiểu nên chúng ta chưa làm được “lễ kính”. Chúng ta hành lễ đối với các ngài không phải dùng lễ tiết của Phật giáo, mà nhập cảnh tùy tục, tín đồ tôn giáo của họ dùng lễ tiết như thế nào để tỏ lòng tôn kính với giáo chủ của họ, chúng ta phải học tập, chỉ nói suông thôi thì không được, nhất định phải nhập cảnh tùy tục. Đây là ở trên hình thức, còn nội tâm thì nhất định phải cung kính bình đẳng. Trong giáo học, bài học đầu tiên của giáo học thế xuất thế gian chính là “kính”. Các đồng tu đều có trên tay quyển Lễ Ký Thanh Hoa Lục rồi, câu đầu tiên là: “Khúc Lễ nói: không gì không kính.” Điều đầu tiên của mười nguyện Phổ Hiền là “lễ kính chư Phật”, bắt đầu học từ đâu vậy? Từ sự giao thiệp giữa người với người, sự giao thiệp giữa người với mọi vật chính là kính. Chưa làm được điều này thì những điều khác đều là nói suông. Cho nên, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, nhất định phải nghiêm túc học tập. Đây là thiện pháp, không những là thiện pháp mà là đại thiện pháp.

Hôm nay, chúng ta tiếp tục xem đoạn kinh văn kế tiếp: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, tâm thiện. Đồng tu Tịnh tông chúng ta, khi Tịnh tông Học hội thành lập, tôi đã viết bài duyên khởi, đưa ra năm khoa mục tu học trong đời sống hằng ngày. Khoa mục thứ nhất là tam phước trong Quán Kinh, khoa mục thứ hai là lục hòa, khoa mục thứ ba là tam học giới định tuệ, khoa mục thứ tư là lục độ của Bồ-tát, khoa mục thứ năm là Phổ Hiền thập nguyện, mọi người dễ nhớ, đây là thiện pháp. Thiện pháp trong kinh cao hơn so với thiện pháp nói ở đây, thiện pháp nói ở đây là nền tảng, không có nền tảng thì không cần bàn đến pháp cao hơn, thiện pháp cao đến đâu cũng phải bắt đầu từ nền tảng. Nếu như năm khoa mục này chúng ta thường xuyên ghi nhớ trong lòng thì chính là thường niệm, điều này không khó.

Năm khoa mục ở đây tôi nhắc lại một lần, điều thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ”, chúng ta có tâm này hay không? Có thực hiện hay không? Cha mẹ còn sống phải thường xuyên quan tâm, luôn luôn chăm sóc. “Dưỡng thân cha mẹ”, chăm nom đến đời sống vật chất, không để cha mẹ thiếu thốn, chăm lo cho đời sống; “dưỡng tâm cha mẹ”, phải làm cho cha mẹ hoan hỷ, không nên để cha mẹ lo lắng, nếu để cha mẹ lo lắng thì con cái bất hiếu. Trong kinh Phật thường dạy chúng ta “thường sanh tâm hoan hỷ”, chúng ta làm sao khiến cha mẹ thường sanh tâm hoan hỷ thì đây là tận hiếu. Thứ ba là “dưỡng chí cha mẹ”, sự kỳ vọng của cha mẹ đối với chúng ta, sự kỳ vọng đối với con cái, chúng ta không được cô phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, không được để cha mẹ thất vọng, đây gọi là hiếu dưỡng cha mẹ. Hãy bắt đầu làm từ chỗ này, triển khai ra thì trong kinh luận Đại thừa thường nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.” Phải đem sự hiếu dưỡng này mở rộng đến tất cả chúng sanh. Đây là Phật dạy chúng ta, những tôn giáo khác không nghe nói đến. Hay nói cách khác, chúng ta đối với tất cả chúng sanh phải có nghĩa vụ cúng dường, tận tâm tận lực chăm sóc tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh, đây là đạo hiếu thuận, khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Chúng ta chung sống với người khác mà người ta không hoan hỷ với chúng ta thì chúng ta có lỗi với người rồi, chúng ta cần phải kiểm điểm lại, cần phải phản tỉnh, chúng ta không được để tất cả chúng sanh thất vọng về ta. Qua đây bạn mới thấy được sự rộng lớn tinh thâm của giáo dục nhà Phật.

/ 149