101

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 24/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 24

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hai ngày qua, có rất nhiều đoàn từ nhiều địa phương ở Trung Quốc như Cam Túc, Bắc Kinh, Sơn Đông, Liêu Ninh, còn có đoàn đến từ Macao - Hồng Kông, còn có đoàn đến từ Pháp, từ miền nam Đài Loan và Đài Bắc đều đến đây. Tổng số người đại khái gần 200, nhân duyên thù thắng không gì sánh được.

Đoạn kinh văn hôm nay của kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là trọng tâm của toàn kinh, là khai thị tinh hoa đặc sắc nhất của Thế Tôn trên hội Thập Thiện Nghiệp Đạo. Bởi vì tối nay chúng tôi giảng kinh, có những đồng tu chưa đến bên đây nghe kinh, tôi muốn để lại đoạn kinh văn này, đợi khi mọi người đến rồi sẽ giảng kỹ cho họ, vì đối với việc chúng ta tu hành, vãng sanh, chứng quả, nó có quan hệ mang tính quyết định.

Cách nghĩ của lòng người thế gian vô cùng phức tạp, đúng như phần trước đã nói, trong kinh dùng thí dụ để nói, tất cả chúng sanh trong biển lớn hình sắc khác nhau, không có gì không phải là từ tâm tưởng sanh ra. Chúng ta xem đại chúng xã hội, họ nghĩ những gì? Họ nói những gì? Họ đã làm những gì? Quan sát tỉ mỉ thì hoằng pháp lợi sanh mới có thể khế cơ. Nếu không biết căn tánh của chúng sanh, không biết điều họ cần trước mắt thì pháp này nói vô ích, gọi là khế lý nhưng không khế cơ, cổ đức gọi đây là lời thừa, là hý luận. Khế cơ mà không khế lý thì là ma nói, những thứ mà ma nói thì khế cơ, căn cơ hiện nay là gì vậy? Là tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, ma chuyên nói những thứ này, mọi người vừa nghe thì hoan hỷ vô cùng, những lời thuyết pháp này dẫn dụ bạn đọa địa ngục, cho nên đó là lời của ma. Phật thuyết pháp nếu như không khế cơ mà chỉ khế lý, tuy không hại người nhưng chúng sanh nghe rồi không được lợi ích, vậy thuyết pháp này cũng là nói vô ích.

Chúng ta học Phật, trải qua nhiều năm nghiên cứu thảo luận, học tập như vậy, chúng ta phải chân thật giác ngộ được “tử sanh là việc lớn”, nếu chúng ta không có sự cảnh giác này thì chúng ta cả đời học Phật chỉ uổng công thôi, đời này nhất định là vô ích. Có thành tựu hay không? Đại sư Thiện Đạo nói rất hay: “Đều do gặp duyên không như nhau.” Điều quan trọng nhất ở trong duyên là thiện tri thức, trong kinh A-nan Vấn Sự Phật Cát Hung, câu nói đầu tiên là dạy chúng ta phải cầu minh sư. Tiêu chuẩn gần gũi thiện tri thức của người xưa là khi ta chưa khai ngộ, khai ngộ này tức là minh tâm kiến tánh, chưa khai ngộ thì nhất định không được rời khỏi thầy. Các bạn hãy xem Thiền Tông Ngữ Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, hoặc là mọi người đọc qua Lục Tổ Đàn Kinh thì sẽ hiểu. Vì sao vậy? Vì chưa minh tâm kiến tánh thì cũng như đi đường mà ta không biết đường, như vậy thì ta đi về đâu? Gần gũi thiện tri thức, thiện tri thức đi ở phía trước, chúng ta đi theo họ thì sẽ không bị sai đường. Sau khi đại triệt đại ngộ thì có thể độc lập, không cần theo người khác nữa, con đường bạn đi chắc chắn không bị sai lầm, giáo hạ gọi là đại khai viên giải.

Người hiện nay không hiểu đạo lý này thì không những nói là ít có thành tựu, mà thậm chí hoàn toàn không có thành tựu, bản thân lại còn muốn đi xông pha thiên hạ, muốn đi gánh vác công việc một mình. Không sai! Đến cuối cùng đều rơi vào ba đường ác, bạn có tâm tốt đi hoằng pháp lợi sanh, độ chúng sanh, kết quả bị chúng sanh độ; bị danh độ vì háo danh, tham danh, bị lợi độ, bị tài độ, bị sắc độ, bị ngũ dục lục trần của thế gian độ. Các vị phải hiểu rằng, “tài, sắc, danh, thực, thùy là năm cái rễ của địa ngục”, dính một thứ thì phải đọa địa ngục rồi, đầy đủ năm thứ thì vĩnh viễn khó thoát ra, không dễ đâu. Người ngộ đạo thì không sợ, họ đứng trước “tài, sắc, danh, thực, thùy” thật sự không động tâm, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, vậy thì được, thế mới có thể độ chúng sanh, bạn chưa đến cảnh giới này thì làm sao được!

Trưa hôm qua, chủ tịch Đức giáo mời tôi ăn cơm, mời cư sĩ Lý Mộc Nguyên và cư sĩ Phó cùng dùng cơm, chúng tôi có ba người, phía họ có bảy người. Bữa cơm này kéo dài từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, chúng tôi đã nói rất nhiều về vấn đề hiện thực trong xã hội hiện nay, đôi bên trao đổi ý kiến, tuy là ăn cơm nhưng thực tế là đang nghiên cứu thảo luận. Đức giáo là một chi phái thuộc Đạo giáo. Tuần trước, chủ tịch của họ giới thiệu Đạo Đức Kinh tại Cư Sĩ Lâm, bản thân ông là một luật sư, vô cùng hiếm có, cũng rất ham học. Làm thế nào đề xướng văn hóa vốn có của Trung Quốc? Ông Arnold J. Toynbee người Anh nói rất hay: “Nếu muốn cứu vãn tai nạn của thế kỷ 21, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa.” Chúng tôi cùng đàm đạo với họ, tôi đặc biệt nhấn mạnh chuyên tu, chuyên hoằng. Khi trở về, tôi còn bàn vấn đề này với cư sĩ Lý Mộc Nguyên tại Cư Sĩ Lâm, pháp sư Ngộ Đạo cũng có ở đó. Sự thành tựu về đức hạnh và đạo nghiệp, sự thể hiện chân thành, từ bi không giống với hạnh của phàm phu.