/ 149
253

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 23/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 23

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, hàng cuối cùng, xem từ câu cuối cùng:

Ông đối với việc này, nên có chánh kiến bất động, chớ rơi vào đoạn kiến, thường kiến nữa! Đối với các phước điền nên hoan hỷ, cung kính cúng dường, do đó các ông cũng được trời người tôn kính cúng dường.

Đây là đoạn nhỏ sau cùng của một đoạn lớn, Thế Tôn tổng kết khuyên nhủ chúng ta. Long vương là đại biểu cho mọi người chúng ta, “ông đối với việc này” là chúng ta đối với việc này, nếu làm được “chánh kiến bất động”, chánh kiến là kiến giải chính xác, nhất định không được bị tà tư tà kiến làm dao động, đặc biệt không được “rơi vào đoạn kiến, thường kiến nữa”, đoạn kiến và thường kiến là cách nhìn sai lầm của Ấn Độ xưa. “Đoạn kiến”, đó chính là nói người chết như đèn tắt, chết rồi thì tất cả đều không còn nữa, họ không tin có đời sau, không tin có báo ứng, đây là kiến giải hoàn toàn sai lầm. “Thường kiến”, tức là con người chết rồi, 20 năm sau đầu thai làm người lại là một trang hảo hán, đây cũng là sai lầm. Hai loại kiến giải này phổ biến ở thế gian.

Trong buổi phỏng vấn giữa tôi với Đài truyền hình Á Châu tại Hồng Kông, họ đã nói một câu, là ngạn ngữ có câu: “Người không vì mình, trời tru đất diệt.” Có người nào không vì mình đâu? Họ nói, vì mình là việc chính đáng. Tôi lúc đó bèn nói rõ với họ, câu nói này là sai lầm, câu nói này không phải là chánh kiến, đã dẫn biết bao chúng sanh đi sai đường. Thế nào là chánh kiến? Con người phải vì xã hội, phải vì chúng sanh, đây là chánh tri chánh kiến, không nên vì bản thân.

Trước đây, ở Singapore có một vị đại gia tên Trần Gia Canh, ở Đông Nam Á mọi người đều biết ông ấy, ông tay trắng làm nên sự nghiệp, trở nên rất giàu có, nhưng đời sống của ông thì vô cùng tiết kiệm. Tuổi tác đã cao, ông đi kiểm tra sức khỏe thì biết mình bị suy dinh dưỡng, tiền đã đi về đâu vậy? Thảy đều đem làm sự nghiệp từ thiện xã hội, Đại học Nanyang Singapore là do ông lập nên. Ở trong nước, quê hương của mình, ông xây trường học khắp nơi, đề xướng giáo dục, giúp đỡ những người khổ nạn. Bản thân ông có tiền nhưng hoàn toàn không hưởng thụ. Tôi nghe Lý Mộc Nguyên nói cho tôi biết, khi đi máy bay, con trai ông ngồi ghế hạng sang, bản thân ông ngồi ghế phổ thông, lúc xuống máy bay ông nói với con trai mình: “Chúng ta đến cùng một lúc thì cần gì con phải uổng phí nhiều tiền như vậy? Không phải con bỏ ra nhiều tiền như vậy thì sẽ đến sớm hơn cha, chúng ta đến cùng lúc mà!” Cho nên, ông lão này khác người. Tôi nghe nói, con trai ông có một lần bị kẻ cướp bắt cóc tống tiền, kẻ cướp đưa ra điều kiện phải đưa bao nhiêu tiền chuộc. Ông thông báo với kẻ cướp: Anh đem con trai tôi giết đi là xong, tôi một xu cũng không đưa cho nó, toàn bộ tiền của tôi là để làm sự nghiệp từ thiện công ích, tuyệt đối không để lại cho con cháu. Kẻ cướp đó nhận được lời thông báo liền thả con trai của ông ra. Ông đích thực làm sự nghiệp từ thiện phúc lợi xã hội, niệm niệm nghĩ cho mọi người, nghĩ cho xã hội, không hề vì chính mình. Cho nên, ngày nay ở Đông Nam Á nhắc đến tiên sinh Trần có ai mà không tôn kính? Đây gọi là chánh tri chánh kiến.

Thích-ca Mâu-ni Phật xuất thân là vương tử, ngài có thể hưởng đời sống sung túc một chút, vì sao ngài không hưởng thụ? Vì sao mỗi ngày ngài phải đi khất thực, phải ngủ một đêm dưới cây vậy? Điều này nói cho chúng ta phải buông xuống vạn duyên, ta sanh đến thế gian này là vì chúng sanh, là vì xã hội, không phải vì bản thân, cho nên ngài không có nghiệp chướng. Quý vị phải hiểu rằng, vì bản thân mình thì có nghiệp chướng, vì chúng sanh thì không có nghiệp chướng. Chúng ta ngày nay muốn tiêu nghiệp chướng triệt để, đem ý niệm này chuyển đổi lại thì tiêu được ngay. Cho nên, vì mình là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Trong hạnh Bồ-tát, bạn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật nói sáu cương lĩnh quan trọng, thứ nhất là bố thí, bố thí có nghĩa là gì? Nói theo lời hiện nay là phục vụ cho chúng sanh, phục vụ cho xã hội, đây gọi là bố thí. Trì giới có nghĩa là gì? Là tuân thủ pháp tắc, tuân thủ giáo pháp của Phật Bồ-tát, tuân thủ hiến pháp của quốc gia, tuân thủ tất cả quy định ở địa phương; ngoài những điều này ra còn có luân lý, đạo đức, phong tục, tập quán bất thành văn, chúng ta đều cần phải tuân thủ, đây gọi là trì giới. Trong mỗi câu nói của Phật Bồ-tát hàm nghĩa đều sâu rộng vô cùng. 

/ 149