/ 149
329

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 22/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 22

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ tư, bắt đầu xem từ hàng sau cùng:

Nay ông phải nên tu học như vậy, cũng khiến cho chúng sanh liễu đạt nhân quả, tu tập thiện nghiệp.

Chỗ này Thế Tôn khuyên nhủ chúng ta, tuy đối tượng nói chuyện là long vương Sa-kiệt-la, long vương là đại biểu cho mọi người chúng ta, phần trước tôi đã báo cáo qua với quý vị rồi. Câu thứ nhất chính là khuyến khích chúng ta “phải nên”, tức là hiện nay bạn cần phải nên làm. “Tu học như vậy”, hai chữ “như vậy” xuyên suốt từ đầu đến cuối. Phần trước Phật dạy chúng ta, điều quan trọng nhất là phải nhận biết tất cả đều do tâm tưởng mà sanh ra, cùng với điều trong kinh Hoa Nghiêm nói là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tướng do tâm hiện, hoàn toàn không có thiện ác, tốt xấu, tướng là bình đẳng, tướng là thanh tịnh. Diệu tướng thanh tịnh bình đẳng, trong kinh Phật còn gọi là “diệu sắc”, vì sao lại biến thành phức tạp như vậy? Đây là do tâm tưởng mà sanh ra. Phần sau nói càng cụ thể hơn, hết thảy “đều do đủ loại tưởng niệm của tự tâm”, ở trong tưởng niệm này có thiện, có ác, đây là đã đem tướng thanh tịnh bình đẳng thay đổi. Chúng ta muốn hỏi, có phải thật sự thay đổi hay không? Không phải, quyết không phải thật sự thay đổi, chân tướng là vĩnh viễn bất biến; thay đổi là vọng tâm bạn đang chi phối, thứ mà vọng tâm biến ra là vọng tướng, không phải chân tướng.

Chân tướng là gì? Nhất chân pháp giới là chân tướng. Chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, thế giới Hoa Tạng là chân tướng; chúng ta học pháp môn Tịnh độ, thế giới Cực Lạc là chân tướng, thường trụ bất biến. Thế giới Cực Lạc ở đâu vậy? Là ở ngay đây. Cho nên cổ nhân nói: “Sanh thì chắc chắn sanh, đi thì thật không đi”, lời nói này rất khó hiểu. Hiện nay nhà khoa học dần dần đã hiểu rõ rồi, nhà khoa học gọi là chiều không gian khác nhau. Chúng ta thí dụ nó như những kênh khác nhau trên màn hình tivi, đều ở trên màn hình này, khi bạn nhấn vào kênh nào thì tướng đó liền xuất hiện. Nhà Phật thường nói mười pháp giới, khi một pháp giới hiện thì chín pháp giới ẩn. Giống như màn hình tivi vậy, có mười kênh, chúng ta ấn một kênh thì tướng của kênh này hiện ra, chín kênh khác đều không thấy nữa, đều đã ẩn mất. Đổi một kênh khác thì tướng của kênh khác xuất hiện, tướng này lại ẩn mất rồi, đều ở cùng nhau, không hề tách rời. Mười pháp giới, trăm pháp giới, ngàn pháp giới đều là một pháp giới. Quý vị hãy suy nghĩ từ trên kênh của màn hình tivi thì bạn có thể ngộ ra được thứ gần giống như vậy. Thật ra mà nói, bạn không thể thấy được chân tướng, nhưng thông qua so sánh thì bạn tiếp cận được chân tướng, sau đó bạn mới hiểu được điều mà cổ đức nói: “Sanh thì chắc chắn sanh, đi thì thật không đi.” Đây chính là bạn đã chuyển sang chiều không gian khác, chuyển không gian của nhân gian chúng ta thành không gian của Hoa Tạng, chuyển đổi thành không gian của thế giới Cực Lạc, chuyển kênh mà thôi. Ấn nút ở đâu vậy? Ấn nút ở khởi tâm động niệm, từ tâm tưởng sanh, giống như kênh truyền hình, ấn nút thì chuyển kênh. Cổ nhân nói những điều này thật là khó hiểu, hiện nay chúng ta mượn những công cụ khoa học thì giúp ích được rất nhiều, khiến chúng ta dần dần thể hội được chân tướng của vũ trụ nhân sinh mà trong kinh Phật đã nói. Thuật ngữ trong nhà Phật gọi là thập pháp giới y chánh trang nghiêm, chúng ta thông đạt, hiểu rõ thì “tu học như vậy”

Ở chỗ này, “như vậy” là đặc biệt coi trọng việc “nên tu thiện nghiệp”. Ở phần trước Phật đã nói, không những bản thân cần phải tu học như vậy, mà “cũng khiến cho chúng sanh liễu đạt nhân quả”, liễu là hiểu rõ, đạt là thông đạt, nền tảng của Phật giáo được xây dựng trên nền giáo dục nhân quả, nhân quả là sự thật, tuyệt đối không phải mê tín. Trồng dưa nhất định được dưa, trồng đậu nhất định được đậu, hạt dưa là nhân, kết thành trái dưa là quả, đây gọi là nhân quả. Cho nên, pháp thế gian và pháp xuất thế gian (Phật pháp) mà nhà Phật nói đều là nhân quả, pháp thế xuất thế gian đều không thể tách rời nhân quả. Kinh Pháp Hoa nói nhất thừa nhân quả, kinh Hoa Nghiêm nói ngũ chu nhân quả, bạn nghĩ xem, có bộ kinh luận nào mà không giảng nhân quả đâu! Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện. Người tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện thì chắc chắn được báo ứng thiện, được thiện báo. Bạn đối với người ta tốt, người ta cũng sẽ đối với bạn tốt. “Kính người thì luôn được người kính”, kính người là nhân thiện, người khác tôn kính chúng ta là quả thiện, đây gọi là nhân quả. Chúng ta dùng ác ý đối với người, đây là nhân ác, người ta đáp trả lại chúng ta, đây là quả ác, người ta cũng dùng ác để đáp lại chúng ta, chúng ta phải hiểu được đạo lý này.

/ 149