/ 149
151

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 21/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 21

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, hàng thứ ba từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai:

Nay tất cả chúng sanh trong biển cả, hình sắc thô xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ, đều do đủ loại tưởng niệm của tự tâm mà tạo ra các nghiệp bất thiện nơi thân, ngữ, ý, vì thế tùy theo nghiệp mà mỗi loài tự thọ báo.

Trước tiên, Thế Tôn để chúng ta xem quả báo của phước đức thiện nghiệp thế xuất thế gian. Sau đó quay lại xem chúng sanh hữu tình trong sáu cõi tạo tác nghiệp bất thiện, từ trên quả báo hình thành sự đối lập mạnh mẽ. Ở đây cho thấy rõ vì sao Phật nói: “Người trí biết như thế, nên tu thiện nghiệp.” “Biển cả” là sự thật, cũng là thí dụ cho chúng sanh hữu tình trong thế gian này của chúng ta. Ngạn ngữ nói rằng: “Tâm người khác nhau nên mỗi người mỗi vẻ.” Diện mạo của mỗi người chúng ta không giống nhau, tình trạng sức khỏe không giống nhau, hoàn cảnh sống cũng có sai khác. Những điều này do nguyên nhân gì tạo nên vậy? Chính là điều mà Phật ở đây nói là “đều do đủ loại tưởng niệm của tự tâm”. Đây đúng như Phật thường nói trong kinh Đại thừa: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Cho nên, khởi tâm động niệm của chúng ta chiêu cảm ra quả báo, chính mình chắc chắn không thể tránh được. 

Người thật sự thông đạt sáng tỏ thì biết được sự việc này quả đúng là tự làm tự chịu, hoàn toàn không có một mảy may can thiệp từ bên ngoài. Người thế gian không hiểu, oán trời trách người, giống như đều là do hoàn cảnh hay người khác tạo ra cho họ vậy. Thực ra, đây là một sự hiểu lầm rất lớn, là họ quá lơ là sơ suất rồi. Trong Phật pháp nói “bốn duyên sanh pháp”, họ chỉ nhìn thấy được một duyên, ba loại duyên khác họ chưa nhìn thấy. Nếu nói là do bên ngoài quấy nhiễu thì đây là thuộc về tăng thượng duyên, họ quên mất bản thân mình còn có thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, họ đã lơ là những điều này. Nếu như ba duyên phía trước tốt thì tăng thượng duyên bên ngoài chắc chắn không thể quấy nhiễu được. Ví dụ này rất rõ ràng, tại sao chư Phật Bồ-tát không bị quấy nhiễu? Tại sao người tu học thiền định không bị quấy nhiễu? Do đây có thể biết, quấy nhiễu là gì vậy? Là do ba loại ác duyên của bản thân bạn cùng với tăng thượng duyên bên ngoài kết hợp với nhau, nguyên nhân đích thực là ở chỗ này.

“Tất cả chúng sanh trong biển cả”, chúng ta thử xem trên thế giới ngày nay, tất cả những người và vật đều cũng như vậy. “Hình”, chúng ta gọi là thể chất, hình dáng cơ thể, “sắc” là màu da, sắc mặt thô ác, xấu xí, so với người uy đức lớn thật sự, họ là diệu sắc trang nghiêm thanh tịnh. “Hoặc lớn hoặc nhỏ”, đây là nói hình dáng, ở trong biển cả có những động vật rất lớn, cũng có những loài cá tôm rất nhỏ. Đây là để chúng ta quan sát thật kỹ, tất cả đều là chúng sanh nhưng sự khác biệt về phước đức của chúng sanh thật sự là quá lớn. “Đều do đủ loại tưởng niệm của tự tâm”, “tưởng niệm” này là bất thiện, tư tưởng bất thiện thì lời nói việc làm đương nhiên là bất thiện. 

Cho nên, quan sát đức hạnh của một người, chúng ta phải xem từ đâu? Không thể nhìn thấy được tư tưởng, chúng ta phải xem từ trong lời nói việc làm, lời nói việc làm chính là phản ứng tự nhiên của tư tưởng. “Tạo ra các nghiệp bất thiện nơi thân, ngữ, ý”, thân tạo giết, trộm, dâm; khẩu có nói dối, nói ly gián, nói thêu dệt, nói thô ác; ý có tham, sân, si, mạn, cho nên mới chiêu cảm những quả báo bất thiện này, “vì thế tùy theo nghiệp mà mỗi loài tự thọ báo”. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì cần phải biết tự cầu đa phước, đó là bạn thật sự giác ngộ rồi; nếu vẫn không biết tự cầu đa phước thì đó là điều sai lầm cực lớn. 

Chúng ta ngày nay sống ở Singapore, khu vực này hiện nay được xem như là khu vực thượng thiện trên thế giới, xã hội an định, nhân dân tuân thủ pháp luật, phồn vinh giàu có, đây là một nơi rất khó tìm thấy trên thế giới ngày nay. Chúng ta sống tại khu vực này chẳng phải đã ứng với câu ngạn ngữ “thân ở trong phước mà không biết phước” hay sao. Chúng ta không biết tận dụng hoàn cảnh này để thành tựu đạo nghiệp, đức hạnh của mình, vậy là sai rồi. Thế nhưng trong hai cảnh giới khổ và vui thì cảnh vui dễ đào thải con người nhất, cho nên Phật dạy mọi người “lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy”. Sự tu học của Tiểu thừa vô cùng xem trọng khổ hạnh, ở trong khổ hạnh rèn luyện ý chí của mình, tôi luyện thân tâm của mình, thành tựu pháp khí, lấy tôn giả Ca-diếp làm đại biểu. Đại thừa là ở trong pháp giới vô chướng ngại mà thành tựu công đức viên mãn của mình, Tiểu thừa không thể sánh được. Bậc Đại thừa ở trong thuận cảnh, chúng ta lấy Thiện Tài đồng tử làm đại biểu, ngài sinh trong gia đình giàu có, sống đời sống vinh hoa phú quý, ở trong đây thành tựu công đức viên mãn, cao hơn Tiểu thừa rất nhiều. 

/ 149