/ 149
146

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 17/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 18

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, kinh văn hàng thứ ba: “Long vương! Ông xem thân Phật, từ trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra các tướng trang nghiêm.” Hôm qua đã giảng câu này. Hôm nay chúng ta xem câu tiếp theo: “Quang minh sáng chói, trùm khắp đại chúng. Dù cho quang minh của vô lượng ức Tự Tại Phạm Vương đều không thể hiện ra; không ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai mà không lóa mắt!” Đoạn kinh văn này xem ra dường như hết sức bình thường, nhưng trên thực tế hàm nghĩa vô cùng sâu xa. Trong phương pháp tu hành của nhà Phật, đặc biệt là pháp môn niệm Phật của chúng ta, quý vị biết trong bốn phương pháp niệm Phật có một phương pháp gọi là “quán tượng niệm Phật”, chỗ này nói đến chính là cương lĩnh quan trọng của quán tượng niệm Phật. Hôm qua, tôi đã báo cáo ý nghĩa này với quý vị rồi, chúng ta phải hiểu được, phải lưu ý, làm thế nào học theo Phật? Nên biết, khởi tâm động niệm của bản thân chúng ta cho dù là ý niệm cực kỳ vi tế cũng đều có quan hệ mật thiết với y báo, chánh báo của chúng ta. Cho nên, bất luận chúng ta có được thân tướng như thế nào, bất luận sống trong hoàn cảnh như thế nào, không có gì là không phải tự tâm mình biến hiện ra. Như vậy mới thật sự hiểu rõ, thật sự sáng tỏ chân tướng sự thật “tâm hiện thức biến” này. Chính bởi như thế Phật mới nói: “Người trí biết như thế, nên tu thiện nghiệp”, chữ “nên” này, chúng ta nhận thấy đây là ý khuyên bảo, nhưng trên thực tế ý nghĩa thật sự của nó là “pháp vốn như vậy”, rất tự nhiên họ sẽ tu thập thiện, không cần người khác khuyên, cũng không hề có mảy may miễn cưỡng. Do đây có thể biết, ngày nay chúng ta không biết tu thiện nghiệp chính là vì đối với chân tướng sự thật hoàn toàn không hiểu rõ. Từ đây có thể biết, giáo dục là quan trọng biết bao! Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đã xem đi xem lại rất nhiều lần. 

Hôm nay, vừa mới mở đầu kinh văn đã hiển thị quả đức. “Quang minh sáng chói”, quang minh nói ở đây, người Trung Quốc chúng ta thường gọi là bầu không khí. Bầu không khí tốt, vô cùng rõ rệt, khiến người ta vừa tiếp xúc thì có thể cảm nhận được. Người nước ngoài gọi là từ trường, người luyện khí công gọi đây là khí, còn trong Phật pháp thì gọi là quang. Bất luận bạn gọi là bầu không khí cũng được, gọi là quang cũng được, hay gọi là từ trường cũng được, thì thứ mà phàm phu cảm nhận, tiếp xúc được cũng chỉ là tiếp cận với vật thể phát quang, tới gần thì cảm thấy lóa mắt. Quang minh này trên thực tế, phạm vi của nó là tận hư không khắp pháp giới. Còn quang minh trên vật chất là sóng tư tưởng sinh ra từ trong tình thức, tuy không giống với chuyển động sóng của vật chất, nhưng nó cũng là càng xa thì sức mạnh của chuyển động sóng này càng yếu dần, đây là đạo lý nhất định. Thế nhưng quang minh trong tự tánh thì không như vậy, giống như chúng ta thường đọc thấy trong kinh Đại thừa: “Quang minh của chư Phật Bồ-tát chiếu khắp.” Quang minh đó của các ngài phân bố đều đặn nhưng phàm phu chúng ta vẫn không thể cảm nhận được, nguyên nhân không thể cảm nhận được là do phiền não của chính chúng ta làm chướng ngại. Nếu như đoạn hết tập khí phiền não thì chúng ta cảm nhận được quang minh chiếu khắp của Phật là viên mãn, bất kỳ chỗ nào, bất kể lúc nào, cảm nhận của bạn đều là viên mãn. 

Đây chính là tánh đức và tu đức không như nhau. Tu đức xác thực là có sự phân chia đậm nhạt, giống như chúng ta cảm nhận bầu không khí vậy. Chúng ta tiếp cận, gần gũi một người có đức hạnh, ở trong căn phòng họ ở, trong căn phòng họ ngồi, ta cảm nhận bầu không khí này rất nồng đậm. Chúng ta không ở trong phòng của họ, mà ở trong nhà của họ cũng có thể cảm nhận được, thậm chí là trong sân vườn của họ cũng có thể cảm nhận được, ở ngoài sân vườn thì càng xa càng nhạt, sẽ cảm nhận không được. Thực ra trên lý luận mà nói, từ trường của họ, bầu không khí của họ, sóng ánh sáng của họ cũng là tận hư không khắp pháp giới, nhưng so với Phật, pháp thân Bồ-tát thì khác nhau. Tuy bầu không khí của họ là tốt, nhưng họ chưa đoạn hết phiền não. Phiền não của họ nhẹ hơn chúng ta, nên chúng ta cảm nhận bầu không khí của họ là tốt; nếu như phiền não của họ nặng hơn chúng ta thì bầu không khí mà chúng ta cảm nhận sẽ vô cùng không tốt. Bầu không khí của chúng ta là vẩn đục, nhưng mức độ vẩn đục của họ còn nghiêm trọng hơn chúng ta. Đạo lý là như vậy, chúng ta phải hiểu rõ.

/ 149