PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 16/06/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 17
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, xem từ hàng thứ ba trở đi:
Này long vương! Ông xem thân Phật, từ trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra các tướng trang nghiêm, quang minh sáng chói, trùm khắp đại chúng. Dù cho quang minh của vô lượng ức Tự Tại Phạm Vương đều không thể hiện ra; không ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai mà không lóa mắt!
Chúng ta đọc đoạn kinh văn này cần phải sâu sắc phản tỉnh, cần phải học tập theo Phật. Long vương là đại biểu cho chúng sanh trong sáu cõi chúng ta, vì sao phải dùng long vương làm đại biểu vậy? Rồng là biến hoá khôn lường, biến hóa khó mà biết trước. Ngay nơi bản thân mà nói, chúng ta khởi tâm động niệm thiên biến vạn hóa. Ngay nơi hoàn cảnh sống của chúng ta mà nói, chúng ta đối mặt với nhân sự, đối người, đối việc, đối vật, tất cả người việc vật này cũng là biến hóa khôn lường, cho nên dùng rồng để biểu pháp. “Vương”, loại biến hóa này vô tình giống như là tự nhiên, nhà Phật thường nói “pháp vốn như vậy”, giống như là tình trạng này. Vương nghĩa là tự tại, không hề mảy may miễn cưỡng, chứng tỏ điều gì vậy? Chứng tỏ tập tánh đã thành tự nhiên rồi, “thói quen thành tự nhiên, từ nhỏ thành như thiên tánh”, giống như thiên tánh vậy, chúng ta khởi tâm động niệm mỗi sát-na không ngừng nghỉ một cách rất tự nhiên, cho nên dùng vương để đại biểu. Do đây có thể biết, nghiệp lực của chúng ta rất sâu, trong kinh Phật thường nói, bản thân chúng ta không cách gì thể hội. Chính mình cũng thường nói “nghiệp chướng của tôi sâu nặng”, mức độ của nghiệp chướng sâu nặng này, nguyên do của nghiệp chướng sâu nặng chính mình hoàn toàn không thể biết được. Cho nên, ở đây Phật dùng long vương để đại biểu cho chúng sanh sáu cõi, ý nghĩa rất sâu xa.
Phật dạy chúng ta, bạn quan sát thân Phật. Cho nên, Phật là hiện thân thuyết pháp, đúng như trong kinh giáo thường thường dạy chúng ta: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói.” Diễn là biểu diễn, làm ra cho chúng ta thấy. Chúng ta thấy thân Phật, trong tất cả kinh luận đều ghi chép tướng hảo của Phật là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Trong “Giáo thừa pháp số” và “Phật học từ điển” đều có ghi chép, điều này dễ dàng tra cứu được. Cư sĩ Giang Vị Nông viết kinh Kim Cang Giảng Nghĩa, cư sĩ Chu Chỉ Am viết Tâm Kinh Thuyên Chú đều trích dẫn kinh luận, nói rõ tường tận cho chúng ta. Tướng hảo là quả báo, có quả ắt có nhân, chúng ta thường nói “tướng chuyển theo tâm”. Lời nói này không sai chút nào, sự việc quả thật đúng là như vậy. Không những thể chất, tướng mạo của bản thân chúng ta chuyển theo tâm, vậy thì hoàn cảnh sống của chúng ta sao lại không phải như vậy cho được? Ngoài bản thân ra đều là hoàn cảnh sống. Hay nói cách khác, toàn là y báo, những người cùng sống chung với chúng ta đây là hoàn cảnh nhân sự, vật chất là hoàn cảnh vật chất. Hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất bên ngoài chúng ta cũng là biến đổi theo tâm, chuyển đổi theo tâm, có mấy người biết được?
Chúng ta nói, hoàn cảnh sống của chúng ta ngày nay thật tệ, hoàn cảnh nhân sự cũng không tốt, hoàn cảnh vật chất cũng không tốt. Chúng ta hiện nay cùng sinh sống tại xã hội Singapore, rất nhiều đồng tu đã gặp cụ Hứa Triết, bạn thử hỏi bà, bà sẽ nói hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất đều vô cùng tốt đẹp. Đây là nguyên nhân gì vậy? Vì sao chúng ta cảm thấy không tốt, còn bà lại cảm thấy rất tốt? Bạn thử hỏi thêm cư sĩ Lý Mộc Nguyên, hoàn cảnh của cư sĩ Lý Mộc Nguyên và hoàn cảnh của cư sĩ Hứa Triết giống nhau, tất cả người, việc, vật đều rất tốt đẹp. Đạo lý này ở chỗ nào? Đạo lý ở khởi tâm động niệm, ở tâm của bạn. Phần trước của bộ kinh này Phật nói rất rõ ràng: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Tâm tưởng của bạn tốt đẹp thì thấy mọi người tốt đẹp, mọi việc tốt đẹp, hoàn cảnh tốt đẹp; ý nghĩ của bạn không tốt thì người, việc, vật không có cái nào là tốt cả. Đây chẳng phải là điều mà đại sư Ngẫu Ích đã nói “cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm” đó sao? Nếu nhân tâm tốt, thì khởi tâm động niệm đều tốt.