/ 149
146

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 19/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 19

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ năm từ câu thứ hai trở đi:

Ông lại nhìn xem các đại Bồ-tát đây, diệu sắc trang nghiêm thanh tịnh, hết thảy đều do tu tập phước đức thiện nghiệp mà sanh ra. 

Phần trước Phật dạy chúng ta quán thân Phật, thân Phật được sanh ra từ trăm ngàn ức phước đức, tiếp theo là dạy chúng ta quán thân diệu sắc của Bồ-tát. Thân Phật là đại biểu tánh đức, tánh đức là cứu cánh viên mãn. “Trăm ngàn ức” là hình dung từ, trên thực tế là vô lượng vô biên phước đức, không những chúng ta nói không hết, mà cho dù chư Phật Như Lai khác miệng đồng lời cùng nhau tuyên nói trong vô lượng kiếp cũng nói không hết. Chúng ta hiện nay hiểu được đạo lý này rồi, có thể lĩnh hội được, thứ gọi là “xứng tánh” thì không ai có thể nói ra được. Tuy nhiên Bồ-tát chưa thành Phật, diệu sắc trang nghiêm của Bồ-tát là thuộc về tu đức. Ở đây nói với chúng ta, diệu sắc của Bồ-tát là nói sắc tướng trang nghiêm thanh tịnh. Trong kinh chúng ta thường đọc thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đây là tu đức của Bồ-tát. Trên quả địa Như Lai thì trong Đại kinh thường nói “thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, đó là tu đức viên mãn, tánh đức hiện tiền mới có sự trang nghiêm thù thắng như vậy. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thế gian này chúng ta thường gọi là “ứng thân một trượng sáu”, đây đều là thuộc về tu đức, vô cùng rõ ràng. Trong kinh Phật nói với chúng ta là “Bồ-tát thị hiện thành Phật”, câu nói này chúng ta phải lắng lòng mà thể hội. Đúng như trong phẩm Phổ Môn đã nói: “Cần dùng thân Phật mà độ được, liền hiện thân Phật mà thuyết pháp.” Hiện thân Phật này chắc chắn là hiện cùng loại thân. Cho nên ở thế gian chúng ta, Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện nhất định là ở cõi người, đây là hiện cùng loại thân, thị hiện thành Phật. 

Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là quả báo, có quả ắt có nhân. Ví dụ trong kinh nói với chúng ta “tướng lưỡi rộng dài” của Phật là quả báo của đời đời kiếp kiếp không nói dối. Phật nói, nếu như một người ba đời không nói dối thì lưỡi họ thè ra có thể liếm đến chóp mũi của mình, ba đời không nói dối. Chúng ta ngày nay thè lưỡi ra liếm không đến được, chứng tỏ chúng ta vẫn thường nói dối. Phật thị hiện lưỡi của ngài thè ra có thể che kín hết cả mặt, chứng tỏ ngài đời đời kiếp kiếp không nói dối. Từ đây có thể biết, tuy nói ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nói nhiều như vậy nhưng nền tảng của nó đều là thập thiện nghiệp. Nếu như thật sự tu tốt thập thiện nghiệp đạo rồi thì “diệu sắc trang nghiêm thanh tịnh” sẽ tự nhiên hiện tiền.

“Trang nghiêm thanh tịnh.” Trong bốn chữ này, quan trọng nhất là chữ “tịnh”, tịnh là tâm thanh tịnh. Quý vị phải hiểu rằng, ở đây nói một chữ “tịnh”, chúng ta quy nạp lời giáo huấn của Phật lại, nếu bạn không chân thành thì chắc chắn sẽ không thanh tịnh, nếu bạn không bình đẳng thì bạn cũng sẽ không thanh tịnh, nếu bạn mê hoặc, không có trí tuệ thì bạn cũng sẽ không thanh tịnh, tâm địa bạn không từ bi thì bạn cũng không thanh tịnh. Cho nên “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, có một điều thì chắc chắn năm điều đều có đủ, mọi người phải hiểu đạo lý này. Bất kỳ một điều nào, ví dụ bạn nói chân thành, tâm rất chân thành nhưng không thanh tịnh, không thanh tịnh thì chắc chắn là không chân thành, không bình đẳng thì chắc chắn là không chân thành, không từ bi thì chắc chắn không chân thành. Bất kỳ một điều nào, có một điều thì nhất định là năm điều viên mãn đầy đủ, cho nên sắc tướng mới trang nghiêm. 

Gọi sắc tướng là diệu, diệu ở chỗ nào vậy? Ở chỗ mà Phật đã nói trong kinh Kim Cang: “Không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”, đây chính là diệu. Hay nói cách khác, chấp tướng thì không diệu rồi. Nói rõ ràng sáng tỏ hơn một chút, sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, khởi tâm động niệm thì đã không diệu. Sự khác nhau giữa chư Phật Bồ-tát và phàm phu chính là ở chỗ này, bản lĩnh của các ngài là ở chỗ này. Các ngài có thể làm được, vì sao chúng ta không làm được? Chúng ta thấy sắc, nghe tiếng vì sao lại khởi tâm động niệm? Khởi tâm động niệm, đương nhiên là bạn bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ. Hợp với ý của mình, thật sự mà nói thế nào gọi là “hợp với ý của mình”? Là tùy thuận theo phiền não của mình, tùy thuận theo sở thích của mình thì khởi lên tâm tham, tùy thuận theo sự chán ghét của mình thì khởi tâm sân giận, đây là phàm phu, đây là tạo nghiệp, quả báo mà bạn cảm được đương nhiên là không thù thắng. Sắc tướng của chư Phật Bồ-tát là tùy thuận tánh đức, tánh đức là thiện.

/ 149