/ 149
83

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 31/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 148

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, câu cuối cùng, hàng thứ tư từ dưới lên:

Này long vương! Ví như tất cả thành ấp, xóm làng đều nương nơi đại địa mà được an trụ; tất cả thảo dược, cỏ cây, rừng rậm cũng đều nương nơi đất mà được sinh trưởng. Thập thiện đạo này cũng lại như thế, tất cả trời người đều nương vào đây mà kiến lập; tất cả Thanh văn, Độc giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-tát, tất cả Phật pháp đều cùng nương vào đại địa thập thiện này mà được thành tựu.

Chúng ta xem đoạn này, đoạn này là phần lưu thông của kinh này. Phật nêu ra một thí dụ: “Ví như tất cả thành ấp, xóm làng.” Thí dụ này dễ hiểu, chúng ta sống trên địa cầu này, trên địa cầu có rất nhiều thành phố, “thành ấp” chính là thành phố, “xóm làng” là làng mạc, thôn trang, đều không thể rời khỏi đại địa, “đều nương nơi đại địa mà được an trụ”. Con người chúng ta đều không thể rời khỏi đại địa, rời khỏi đại địa thì không thể sinh tồn. Lại xem, “tất cả thảo dược, cỏ cây, rừng rậm”, đây là chỉ thực vật; động vật không rời khỏi đại địa, thực vật cũng không lìa khỏi, rời khỏi đại địa thì chúng cũng không thể nào sinh trưởng. Đây là nói rõ tất cả mọi sinh vật (động vật, thực vật thảy đều gọi là sinh vật) nếu lìa khỏi đại địa thì không thể sinh trưởng, thí dụ này dễ hiểu. Đại địa thí dụ cho điều gì? Thí dụ cho thập thiện. “Thập thiện đạo này cũng lại như thế”, thập thiện đạo cũng giống như đại địa, chúng hữu tình và vô tình đều cùng phải nương tựa vào. Ở đây, đối với chúng sanh hữu tình thì chúng ta tương đối dễ hiểu.

Tu thập thiện nghiệp thì sẽ được quả thiện. Nhà Phật thường nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, lời nói này là chân thật; trong Liễu Phàm Tứ Huấn, thiền sư Vân Cốc đã nói rất rõ ràng, thiền sư Trung Phong cũng nói rất rõ ràng: “Trồng nhân thiện chắc chắn được quả thiện”, đây chính là đạo lý có cầu tất ứng. Cho nên chúng ta cầu phải như lý như pháp. Người thế gian cầu nguyện quá nhiều, nhưng vì sao không có được cảm ứng, vì sao không đạt được? Vì họ không hiểu đạo lý, họ không biết phương pháp nên sự cầu nguyện đó không như lý như pháp, vì vậy không có cảm ứng.

Sự cầu nguyện trong cửa Phật, khi tôi mới bắt đầu học Phật, đại sư Chương Gia dạy cho tôi, lão nhân gia ngài nói với tôi: “Chúng ta hướng đến Phật Bồ-tát cầu nguyện mà mãi không thể hiện tiền, không thể thỏa mãn nguyện vọng, đây là do nghiệp chướng làm chướng ngại. Bản thân chúng ta nhất định phải phản tỉnh, phải biết được nghiệp chướng của mình ở đâu, phải nỗ lực tiêu trừ nghiệp chướng thì điều mong cầu của chúng ta sẽ mãn nguyện, sẽ được hiện tiền.” Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng? Đại sư nói với tôi là phải sám hối, cùng một ý nghĩa với “sám trừ nghiệp chướng” mà Bồ-tát Phổ Hiền đã nói. Tôi hỏi đại sư cách sám trừ như thế nào? Thầy nói với tôi bốn chữ “sau không làm nữa”. Lời này nói rất dễ, nhưng làm thì thật là khó. Nhà Nho nói “không phạm lỗi hai lần” cũng là cái ý này; lỗi lầm chỉ phạm một lần, không được lặp lại, đây gọi là chân sám hối. Thầy nói với tôi là không cần phải vào chùa thắp hương, khấu đầu, hứa nguyện, không cần thiết. Lúc đó tôi mới học Phật, ngay cả tam quy y cũng chưa thọ, thầy dạy tôi không cần phải vào chùa lạy Phật, đây là đại sư Chương Gia dạy tôi, điều quan trọng nhất chính là sửa lỗi làm mới.

Cho nên, chúng ta biết được lỗi lầm của chính mình, phát hiện lỗi lầm của chính mình, đây chính là khai ngộ, người này giác ngộ rồi. Điều đáng quý nhất sau khi ngộ là phải tu hành. Tu hành là gì? Chính là sửa lỗi; sửa đổi lại lỗi lầm của chính mình thì gọi là tu hành. Cho nên, tu hành là sửa đổi lỗi lầm của chúng ta, chỉnh sửa hành vi sai lầm của chúng ta, đây gọi là tu hành. Do đây có thể biết, tu hành không chỉ là niệm Phật tụng kinh, không phải vậy, việc tụng kinh, niệm Phật đó là phương pháp tu hành; người chân thật tu hành phải biết đem hành vi sai lầm của chính mình sửa đổi lại cho đúng. Tu từ chỗ nào? Tổ sư đại đức đều dạy chúng ta tu từ căn bản. Cái gì là căn bản? Khởi tâm động niệm là căn bản, đây là phương pháp tu hành cao minh nhất, phương pháp tối cao. Ta nói chuyện sai rồi, lần sau ta sửa đổi, ta làm việc này sai rồi, lần sau ta không dám làm nữa, đây là tu từ trên sự, tu từ trên thân, không phải từ căn bản; căn bản là từ khởi tâm động niệm, từ chỗ này mà sửa lỗi thì thân và khẩu của bạn tự nhiên sẽ không có lỗi lầm. Cho nên phải biết ý niệm vừa khởi thì phải có thể phát giác được, cổ đức thường dạy người: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Ý niệm khởi lên, đây là lý đương nhiên; người chưa chứng được quả vị cứu cánh, cho dù là Bồ-tát thì vẫn còn có ý niệm.

/ 149