/ 149
153

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 31/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 147

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Trong mười tám pháp bất cộng, từ điều thứ bảy về sau có sáu khoa mục là: “Dục, niệm, tinh tấn, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không giảm”[1], sáu loại này đều viên mãn đầy đủ, không có chút khiếm khuyết nào, đây là quả đức của tự tánh. Thế nhưng, chữ “dục” đầu tiên, trên quả địa Như Lai vẫn còn dục hay sao? “Dục” này và “ái dục” của phàm phu thông thường, danh từ tuy giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trên quả địa Như Lai là lìa niệm, không có niệm, phía trước đã nói qua, trong tâm của Phật không có niệm. Do đây có thể biết, điều mà trong này nói đều là quả đức cứu cánh viên mãn. Vậy dục này là gì? Thực tế mà nói, đây là mong muốn tất cả chúng sanh viên thành Phật đạo. Nếu như nói Như Lai có nguyện vọng gì thì Như Lai chỉ có một nguyện vọng là mong tất cả chúng sanh mau thành chánh giác. Ngài ứng hóa ở mười pháp giới, hiện vô số thân, nói vô số pháp chỉ vì một mục tiêu đơn thuần như vậy, việc này chúng ta nhất định phải biết. Cho nên từ ngay chỗ này mà xem, điều này phàm phu, Nhị thừa và Bồ-tát thảy đều không có; không có chính là đều không viên mãn, chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Chỉ trên quả địa Như Lai mới là cứu cánh viên mãn.

Phía sau có ba điều là “ba nghiệp thân, khẩu, ý”. Nghiệp là tạo tác. Phía trước nói “thân, khẩu, ý không lỗi”, chắc chắn không có lỗi lầm; ba nghiệp thân, khẩu, ý được nói ở đây là nói về ứng hóa của Phật. Phật ứng hóa ở mười pháp giới, ngài cũng hiện thân, cũng thuyết pháp, ngài cũng có đủ loại tạo tác, thế nhưng ứng hóa thân là làm việc theo trí tuệ, chứ không như phàm phu chúng ta; phàm phu chúng ta thì thân khẩu ý là tùy thuận phiền não tập khí, tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà tạo đủ thứ nghiệp, Phật thì không như vậy. Thí dụ về 53 lần tham vấn trong kinh Hoa Nghiêm, 53 vị thiện tri thức trong kinh Hoa Nghiêm đều là từ trên Phật quả cứu cánh viên mãn thị hiện ra, họ thị hiện thân phận nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, nhưng thân ngữ ý của họ không có lỗi lầm, đều làm việc theo trí tuệ, không chỉ không có bốn tướng, mà bốn kiến cũng không có. Do đây có thể biết, đủ loại thị hiện đều không ngoài việc lợi ích tất cả chúng sanh.

Nhưng có một số đồng học sau khi nghe cách nói này thì có nghi hoặc, vì sao vậy? Trong đủ loại thị hiện của Như Lai có lúc dẫn dắt sai chúng sanh. Đích thực là có khi làm lợi ích chúng sanh, có khi dẫn dắt sai. Phật có ý này hay không? Phật không có ý này. Những chúng sanh nào được lợi ích? Chúng sanh có thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ thì được lợi ích. Những chúng sanh nào lại bị dẫn dắt sai? Chúng sanh có phiền não tập khí sâu dày, nhìn thấy sự thị hiện của Phật, họ đều suy nghĩ theo hướng ác, nên trở thành bị dẫn dắt sai; nếu từ đủ loại thị hiện, họ đều có thể suy nghĩ theo hướng thiện thì họ liền có được lợi ích. Phật vô tâm mà thị hiện, mỗi chúng sanh cảm thọ không như nhau, đạo lý là ở chỗ này, chúng ta nhất định phải hiểu được, phải thông đạt.

Vì sao trong bộ kinh này, Phật dạy chúng ta một tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp? Cho dù là hành vi bất thiện, nhưng nếu chúng ta dùng tâm này mà quán sát thì là thiện. Cho nên, trong kinh Đại thừa mới nói, pháp thế xuất thế gian có thiện ác hay không? Không có. Có tà chánh hay không? Không có. Có chân vọng hay không? Không có. Hết thảy những sự đối lập đều không có, những sự đối lập này đều là từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng của bạn thiện thì thế xuất thế gian không có pháp nào là bất thiện; tâm địa của bạn bất thiện thì pháp thế xuất thế gian không có pháp nào là thiện cả. Đều là từ tâm tưởng sanh, bởi vậy các tổ sư đại đức mới dạy chúng ta “tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? Tâm tưởng là căn bản, đạo lý là ở chỗ này.

Chúng ta nên học Phật Bồ-tát. Thấy ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh tạo tác đủ thứ bất thiện, nhưng nếu trong tâm bạn đều là nghiệp thanh tịnh thì bạn thành Phật rồi; họ không thành tựu, nhưng bạn thành tựu. Vì sao bạn nhìn thấy những điều đó đều là nghiệp thanh tịnh? Bởi vì “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, cho nên thật sự thanh tịnh rồi. “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng”, pháp do nhân duyên sanh thì thể của nó là không, trọn chẳng thể được, nên họ làm sao mà không thanh tịnh? Đích thực là thanh tịnh, nhưng đáng tiếc chúng ta không nhìn ra, chúng ta cho rằng họ là ô nhiễm, kỳ thật họ là thanh tịnh. Sau đó bạn mới hiểu được thế nào gọi là “tánh vốn thiện”, bạn mới dần thể hội được một chút ý nghĩa của ba chữ này; đích thực là vốn thiện, thuần thiện không ác. Trên quả địa Như Lai thì thuần thiện không ác, tất cả chúng sanh cũng là thuần thiện không ác, cho nên Phật nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, câu nói này là tuyệt đối chính xác, một chút cũng không sai. Sai lầm là ở chỗ nào? Sai lầm không ở cảnh duyên bên ngoài, sai lầm không ở người khác. Cho nên, người tu hành chúng ta nhất định phải ghi nhớ lời giáo huấn chân thành của Phật, cảnh duyên bên ngoài không có lỗi, người khác không có lỗi lầm, chư Phật Bồ-tát, ngạ quỷ, súc sanh, la-sát, tu-la đều không có lỗi lầm, đều là thanh tịnh vô vi. Lỗi ở chỗ nào? Lỗi ở ý niệm của chúng ta đã sai rồi, cách nhìn của chúng ta sai rồi, cách nghĩ của chúng ta sai rồi. Đạo lý này sâu! Chúng ta là người mới học Phật nên rất không dễ gì thể hội được. Bởi vì bạn không thể thể hội được cho nên bạn không chịu làm. Làm này trong Phật pháp gọi là tu, bạn không chịu tu, bạn thể hội được vài phần thì bạn học và làm theo, vậy thì thọ dụng vô cùng! Thật sự như câu nói thông thường là “tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh”. Thân tâm thanh tịnh thì cảnh giới bên ngoài thanh tịnh, chúng ta mới hiểu được, hóa ra Phật trụ ở thế giới Cực Lạc, Bồ-tát trụ ở thế giới Hoa Tạng.

/ 149