/ 149
150

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 31/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 149

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem nửa đoạn sau của phần kinh văn, hàng thứ hai từ dưới lên: “Tất cả trời người đều nương vào đây mà kiến lập; tất cả Thanh văn, Độc giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-tát, tất cả Phật pháp đều cùng nương vào đại địa thập thiện này mà được thành tựu.” Chúng ta nghe Phật nói đoạn này thì biết được tầm quan trọng của thập thiện nghiệp đạo. Đây là đại căn đại bổn của toàn bộ Phật pháp, không chỉ Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hóa chúng sanh nương theo căn bản này, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai thảy đều nương vào đại địa thập thiện này mà kiến lập tất cả Phật pháp; hay nói cách khác, lìa khỏi thập thiện thì không có Phật pháp. Mọi người nghĩ xem có đúng hay không? Nếu chúng ta học Phật mà lìa khỏi thập thiện thì chúng ta không phải học Phật pháp. Do đây có thể biết, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, mỗi niệm đều tương ưng với thập thiện thì bạn đang học Phật, bạn đang tu học Phật pháp. Bất luận bạn tu học pháp môn nào, tông phái nào thì thập thiện giống như đại địa vậy, pháp môn tông phái của bạn giống như tòa nhà cao tầng, bạn đều phải xây dựng ở trên mặt đất. Nếu không có đất thì bạn xây dựng lên từ chỗ nào? Phật thí dụ thập thiện cho đại địa, tất cả Phật pháp đều xây dựng trên nền tảng này, tất cả Phật pháp cũng nương vào nền tảng này mà được cứu cánh viên mãn.

Cho nên, không phút giây nào rời khỏi thập thiện nghiệp đạo, từ sơ phát tâm cho đến quả địa Như Lai, pháp môn tu học nhiều đến đâu, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng vô biên pháp môn, tổng cương lĩnh của tất cả các pháp môn chính là thập thiện nghiệp. Chúng ta đọc bộ kinh này, nhất định phải nhận biết như vậy. Ngày trước chúng ta xem thường, lơ là, đó là sai lầm của chính mình, là sự ngu muội của chính mình. Trong Phật pháp nhiều năm như vậy, có một số đồng tu đã học Phật mấy mươi năm mà công phu không đắc lực, hiện nay hiểu ra rồi, đó là do chúng ta không có nền tảng! Giống như xây nhà vậy, hằng ngày đang xây, nhưng ngôi nhà này ngày nào cũng bị sụp đổ, vĩnh viễn không thể xây lên được, nguyên nhân này do đâu? Không xây nền móng. Chúng ta tu hành đến ngày nay không có thành tựu là do lơ là việc này, quá xem nhẹ sự việc này.

Cho nên, người học Phật xem trọng giới luật, muốn đi thọ tỳ-kheo giới, tỳ-kheo-ni giới, muốn đi thọ Bồ-tát giới, thọ tam quy ngũ giới, đây là việc bình thường, thọ bát quan trai giới; hiện tại chúng ta biết, thảy đều là giả, hữu danh vô thực. Vì sao vậy? Tất cả giới hạnh này thảy đều được xây dựng trên nền tảng của thập thiện, nếu bạn không có thập thiện thì ngay cả tam quy cũng đều trống không. Đạo lý này ngày trước chúng tôi đã giảng nhiều lần, thế nhưng lần này là từ trên bộ kinh này, chúng tôi giảng càng rõ ràng, càng thấu triệt hơn. Năm xưa tôi giảng là căn cứ trên tịnh nghiệp tam phước mà giảng. Tịnh nghiệp tam phước thì giống ba tầng lầu, bạn không có tầng thứ nhất thì làm sao bạn có thể xây được tầng thứ hai? Tầng thứ nhất là nền tảng của tầng thứ hai. Tầng thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, vẫn chưa đến tam quy ngũ giới. Tam quy ngũ giới là tầng thứ hai, điều thứ hai mới là “thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”. Ngay đến thập thiện mà bạn cũng không có thì làm gì có tam quy, làm gì có ngũ giới? Là giả, thảy đều là giả! Cho nên, thế gian mới gặp kiếp nạn lớn đến như vậy, bản thân chúng ta học Phật mới bị chướng ngại nhiều như vậy. Hóa ra xây tới xây lui mà ngay cả đất đai cũng không có; muốn xây nhà mà đất đai không có thì xây lên từ chỗ nào? Các vị phải biết, thập thiện nghiệp là đất đai, có đất đai rồi thì bạn mới có thể làm những việc khác. Ngay cả đất đai mà bạn còn không có!

Cho nên trong Phật pháp nói, bất luận bạn học Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, Đại thừa, Tiểu thừa, bất luận là pháp gì, trước tiên bạn phải có thập thiện thì bạn mới có thể kiến lập, nếu bạn không có thập thiện thì toàn bộ đều trống không. Từ đây có thể thấy tầm quan trọng của thập thiện. Ở chỗ này Phật nêu ra, chính là “ngũ thừa Phật pháp” mà một số người hiện nay chúng ta thường nói đến. “Tất cả trời, người” là nhân thiên thừa, “đều nương vào đây mà kiến lập”. “Tất cả Thanh văn”, ở trước thêm từ “tất cả”, tức là cõi này và phương khác đều bao gồm ở trong đó, không chỉ riêng thế giới Ta-bà, mà vô lượng vô biên cõi nước chư Phật thảy đều bao gồm ở trong đó. Thanh văn; “Độc giác Bồ-đề” chính là Duyên giác. “Các hạnh Bồ-tát”, gọi là các Bồ-tát, tức là bao gồm Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác. “Tất cả Phật pháp”, theo tông Thiên Thai nói thì có “Tạng, Thông, Biệt, Viên”, đây là bốn loại Phật; đại sư Hiền Thủ gọi là “Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên”, năm loại Phật. Đây là nói tất cả Phật pháp đều nương vào đại địa thập thiện mà được thành tựu. Sau đó bạn mới thấy bộ kinh điển này quan trọng đến nhường nào, đây là pháp căn bản tu hành của nhà Phật, đại pháp căn bản!

/ 149