/ 149
66

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 30/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 144

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ tư:

Long vương nên biết, mười nghiệp thiện này, thậm chí còn có thể khiến cho thập lực, tứ vô úy, mười tám pháp bất cộng, tất cả Phật pháp đều được viên mãn.

Chúng ta đọc đến đoạn này. Ở đây Phật gọi long vương, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này, phàm là gọi tên của họ tức là nhắc nhở họ, phía sau nhất định sẽ có phần khai thị rất quan trọng. Thập thiện nghiệp thậm chí còn có thể khiến đạt được mười loại năng lực đặc thù, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng trên quả địa Như Lai, ba điều “thập lực, vô úy, mười tám pháp bất cộng” là loại đức năng thù thắng cứu cánh viên mãn đặc biệt có ở quả địa Như Lai, mà Bồ-tát cũng không có. Từ đoạn khai thị này chúng ta bèn hiểu rõ, thập thiện là căn bản tu trì của Phật pháp, lơ là thập thiện thì không có Phật pháp. Nếu như người ta hỏi thế nào là Phật pháp, chúng ta muốn phân biệt rõ thì có thể trả lời họ như vậy: “Hết lòng tu trì thập thiện thì đây là Phật pháp, đây là đệ tử Phật chân thật.” Cho dù họ xuất gia, thọ đại giới rồi, cũng có thể giảng kinh thuyết pháp, hoặc cũng có thể tham thiền, niệm Phật, nhưng họ không tu hành thập thiện, vậy thì không phải là đệ tử Phật; loại đệ tử Phật này, trong Phật pháp gọi là “danh tự vị”. Danh tự vị là hữu danh vô thực, cho dù tu như thế nào cũng không liên quan gì đến pháp xuất thế, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Họ có thể đạt được phước báo thế gian, bởi vì họ tu phước báo hữu lậu; đạt được phước báo thì họ nhất định tạo tội nghiệp, vì sao vậy? Họ không có thiện căn, nếu hưởng hết phước báo thì nhất định đọa lạc. Trường hợp này thì quá nhiều quá nhiều.

Ở đây đã cho chúng ta một tổng kết: “Trí tuệ, đức tướng cứu cánh viên mãn trên quả địa Như Lai đều từ thập thiện mà sanh ra.” Đoạn kinh văn trên có ba danh từ, tôi cũng phải giới thiệu sơ lược qua một chút. Thứ nhất là “thập lực”, trong Đại Trí Độ Luận nói: “Mười lực của quả vị Phật”; mười loại năng lực đặc thù này Bồ-tát cũng có, nhưng không viên mãn, quả địa Như Lai là cứu cánh viên mãn.

Điều thứ nhất: “Thị xứ, phi xứ trí lực”, lực trí tuệ thị xứ, phi xứ; “lực” chính là khởi tác dụng. Nội dung của điều này là gì? “Biết nhân duyên quả báo của tất cả chúng sanh.” Cho nên Phật độ chúng sanh dễ dàng. Tất cả chúng sanh trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay, Phật đều biết hết nghiệp nhân tạo tác và quả báo nhận lấy của bạn. Chúng ta chính mình không biết, nhưng Phật biết được. Chính mình rất dễ quên, đều quên hết cả, nhưng Phật thì rõ ràng. Vì sao Phật biết rõ? Bạn chính mình quên rồi, không sai, nhưng hồ sơ lưu trữ của bạn vẫn còn, không hề sót mất chút nào. Hồ sơ lưu trữ là gì? Là a-lại-da thức, hạt giống nghiệp tập mà bạn đã tạo tác từ vô lượng kiếp đến nay đều được lưu vào trong đó. Phật có thể thấy được hạt giống nghiệp tập được chứa trong a-lại-da thức của bạn, cho nên ngài đều biết được. Hồ sơ lưu trữ của chính mình nằm ở đâu, chúng ta không hề hay biết, chính mình quên rồi, cũng tìm không ra, Phật có thể truy suất hồ sơ lưu trữ của bạn để xem một cách rõ ràng tường tận. Truy suất đó còn nhanh hơn máy vi tính hiện nay, máy vi tính còn phải ấn nút, còn ngài không cần ấn nút mà toàn bộ đều hiện ra. Vì vậy, khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác của chúng ta làm sao có thể che giấu được Phật Bồ-tát? Bạn muốn giấu, đó thảy đều là gạt mình gạt người, không hề có việc này, chính mình lừa gạt chính mình, chính mình an ủi chính mình mà thôi. Người xưa nói rất hay: “Nếu muốn người không biết, trừ khi mình đừng làm.” Khởi tâm động niệm của chúng ta, thiên địa quỷ thần đều biết rõ, cho nên chính mình phải nghĩ xem ý niệm của ta, lời nói, tạo tác này của ta có đắc tội với thiên địa quỷ thần hay không? Cũng chính là nói, thiên địa quỷ thần nhìn thấy, họ có hoan hỷ hay không?

Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất rõ ràng. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi tiếp nhận giáo huấn của thiền sư Vân Cốc, ông liền rất nghiêm túc đoạn ác tu thiện. Thế nhưng rốt cuộc ông vẫn là phàm phu, phiền não tập khí rất nặng, lần đầu ông phát nguyện làm 3.000 việc thiện, ông đã làm hơn mười năm mới viên mãn; như vậy bạn liền biết được, ông phấn đấu đoạn ác tu thiện tốn biết bao nhiêu thời gian, tốn biết bao nhiêu tinh thần. Lần thứ hai ông phát nguyện tu 3.000 việc thiện, hai năm thì thành công. Lần thứ ba phát nguyện làm 10.000 việc thiện, nhưng chỉ một niệm thì thành công. Tâm địa của ông dần dần đạt được thuần thiện, không tự gạt mình, cho nên mới có thể cảm động thiên thần. Con người sở dĩ không thể thành tựu, không có gì khác, tiên sinh Liễu Phàm nói rất hay, người xưa gọi là “chần chừ do dự”. Chần chừ do dự chính là qua loa, tùy tiện, không làm hết lòng, chính mình luôn tha thứ cho chính mình, sai ở chỗ này, cho nên không thể thành tựu. Nhất định phải khắc phục cửa ải khó khăn này. Tiên sinh Liễu Phàm khắc phục được cửa ải khó khăn này, chúng ta thấy được từ trong “Tứ Huấn” của ông, ít nhất ông đã dùng công phu 20 năm mới đột phá được ải đầu tiên, cho nên về sau tiến triển nhanh chóng. Nếu chúng ta không phát tâm dũng mãnh thì rất khó đột phá được cửa ải này. Thế nên nhân quả quan trọng biết bao! Điều đầu tiên trong thập lực của Như Lai nói về nhân quả, cũng chính là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, đây gọi là thị xứ. Thế nào gọi là phi xứ? Trồng nhân thiện được ác báo, không có đạo lý này, đây gọi là phi xứ, không có việc như vậy; tạo nhân ác được thiện báo, cũng không có việc như vậy. Trồng nhân thiện nhất định được quả thiện, tạo nhân ác nhất định bị ác báo, đây gọi là “thị xứ, phi xứ trí lực”, là trí tuệ chân thật.

/ 149