/ 149
191

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 30/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 145

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Chúng ta tiếp tục xem thập lực của quả vị Phật. Điều thứ bảy: “Chí xứ trí lực, biết được tướng trạng nơi đến của tất cả đạo.” “Tất cả đạo” bao gồm đủ loại pháp môn của thế gian và xuất thế gian; cũng chính là nói về tu đạo, bất luận bạn tu đạo gì trong hết thảy các pháp môn của thế xuất thế gian. “Nơi đến” là gì? Là kết quả tu hành của bạn, kết quả của bạn là gì thì Phật đều biết. Trong Phật pháp phần lớn có trời, người, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, bạn tu pháp môn như thế nào thì tương lai bạn sẽ được quả báo như thế đó, nghĩa là bạn tu hành pháp môn nào thì tương lai sẽ đi đến nơi đó. Ví dụ, nếu bạn nghiêm túc tu ngũ giới thập thiện thì tương lai bạn sẽ được phước báo trời người. Nếu bạn tu thượng phẩm của ngũ giới thập thiện thì quả báo tương lai của bạn sẽ sanh trời Dục giới. Nếu trong thượng phẩm thập thiện, bạn còn tu thiền định, còn tu từ bi hỷ xả thì quả báo của bạn là ở trời Tứ thiền. Phật đều rõ ràng tường tận, người tu hành ở thế gian này rất nhiều, phương pháp tu hành rất nhiều, không có thứ nào mà Phật không biết.

Đại đạo cứu cánh viên mãn là sự chứng đắc trên quả địa Như Lai, trong Phật pháp gọi là “pháp nhất thừa” hay “nhất Phật thừa”, “nơi đến” này chính là quả địa cứu cánh của Như Lai. Pháp nào là pháp nhất thừa? Đại đức xưa nói với chúng ta, Hoa Nghiêm là pháp nhất thừa, Pháp Hoa là pháp nhất thừa, còn thù thắng hơn so với Đại thừa. Ngoài ra còn có một pháp nhất thừa là kinh Phạm Võng được tổ sư xưa nay công nhận. Đại đức xưa công nhận ba bộ kinh này là pháp nhất thừa. Ba bộ kinh này chúng ta đều đã từng học qua, hiện tại mọi người chúng ta đang cùng nhau học tập kinh Hoa Nghiêm. Nếu chúng ta muốn ngay trong một đời khế nhập cảnh giới quả địa Như Lai, thực tế là quá khó; đừng nói là quả địa Như Lai, mà quả Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa, Bồ-tát Sơ tín vị của Đại thừa đều không dễ dàng, đích thực rõ ràng rằng đây không phải là điều mà chúng ta trong đời này dựa vào năng lực của chính mình có thể làm được. Cho nên, chúng ta không thể không tiếp nhận pháp môn phương tiện của Như Lai, đó chính là Tịnh độ, “mang nghiệp vãng sanh”, chúng ta chỉ có con đường này để đi. Đích thực là mang nghiệp vãng sanh, bởi vì ngoài pháp môn này ra, tất cả các pháp môn khác đều không mang nghiệp, đều là tiêu nghiệp, không có mang nghiệp, chỉ có Tịnh độ là mang nghiệp.

Bốn chữ “mang nghiệp vãng sanh” này không có trong kinh Phật, lúc trước ở Hoa Kỳ có một số người phản đối mang nghiệp vãng sanh, cũng nổi lên làn sóng rất lớn trong một thời gian, làm cho người niệm Phật gần như mất đi lòng tin, bao gồm lão cư sĩ Châu Tuyên Đức cũng hoài nghi. Có một năm, tôi đến Los Angeles, lão cư sĩ Châu Tuyên Đức ra sân bay đón tôi, từ sân bay đến khu vực thành phố, lái xe đại khái khoảng một tiếng đồng hồ, lúc ở trên xe, ông hỏi tôi: “Hiện tại có người nói mang nghiệp không thể vãng sanh. Câu mang nghiệp vãng sanh này có rất nhiều người tra trong Đại tạng kinh mà không thấy. Chúng ta tu Tịnh độ đã nhiều năm như vậy, chẳng phải là uổng phí rồi sao? Vậy phải làm sao đây?” Ngữ khí, thái độ của ông đều vô cùng ảo não bi ai.

Lúc đó lão cư sĩ đã hơn 80 tuổi, ông và lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là bạn bè rất tốt, lúc đó thầy Lý mới vãng sanh không bao lâu, ông nêu ra vấn đề này với tôi. Tôi mỉm cười, nói với ông: “Thế thì thôi, không cần đến thế giới Cực Lạc nữa.” Ông nghe không hiểu lời tôi nói. Tôi nói lời nói này xong, ông liền ngẩn người ra, nhìn vào tôi rất lâu. Tôi nói tiếp với ông: “Nếu như không mang nghiệp vãng sanh thì thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ có A-đi-đà Phật cô độc một mình, vậy chúng ta đến đó làm gì? Không cần thiết!” Ông vẫn nghe không hiểu, sau đó tôi lại nói với ông: “Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát là Bồ-tát Đẳng giác, ông có biết hay không?” Ông biết, ông liền gật đầu. “Bồ-tát Đẳng giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, các ngài có được xem là mang nghiệp hay không?” Bấy giờ ông mới hiểu rõ, Bồ-tát Đẳng giác còn một phẩm sanh tướng vô minh, vậy là mang nghiệp, không mang nghiệp thì chỉ có một mình Phật; chỉ có Phật là không mang nghiệp, Bồ-tát Đẳng giác đều là mang nghiệp. Sau đó, tôi hỏi ông: “Trong kinh tuy không có nói mang nghiệp vãng sanh, thế nhưng trong kinh có nói bốn cõi, ba bậc, chín phẩm hay không?” Ông nói: “Điều này có!” “Nếu không mang nghiệp thì làm gì có ba bậc, chín phẩm, làm gì có bốn cõi? Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm là mang nghiệp nhiều hay ít, nếu mang nghiệp ít thì phẩm vị cao, mang nghiệp nhiều thì phẩm vị thấp. Đây không phải đã rõ ràng sáng tỏ rồi sao? Lẽ nào Phật nhất định phải nói ra bốn chữ “mang nghiệp vãng sanh” thì chúng ta mới hiểu được?” Vậy ông mới cười nổi. Tôi nói: “Thật thà niệm Phật, nhất định không sai!” Cõi Thật báo trang nghiêm vẫn là mang nghiệp vãng sanh, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

/ 149