/ 149
69

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 30/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 143

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ ba:

Phương tiện trang nghiêm nên nhanh chóng thành tựu viên mãn niềm vui hữu vi và vô vi.

Nhà Phật thường nói “phương tiện khéo léo”, phương là phương pháp, tiện là tiện nghi, nếu dùng lời hiện nay để nói nghĩa là phương pháp tốt nhất, phương pháp thích hợp nhất đối với người, với việc, với vật. Do đây có thể biết, phương pháp thích hợp nhất, tốt nhất, ổn thỏa nhất không có tiêu chuẩn nhất định, do người, do thời, do đất khác nhau, việc này phải có trí tuệ. Người Trung Quốc xưa thường nói “thông quyền đạt biến”, biết vào lúc nào, gặp phải việc gì, đối với người nào thì nên nói lời gì, nên làm như thế nào, vận dụng vô cùng linh hoạt, vận dụng rất tốt. Cho nên “nhanh chóng thành tựu viên mãn”, nhanh chóng là mau lẹ, thành tựu viên mãn pháp hữu vi, pháp vô vi; pháp hữu vi là pháp thế gian, pháp vô vi là pháp xuất thế gian, “hữu vi và vô vi” chính là pháp thế xuất thế gian, bạn đều có thể đạt được thành tựu viên mãn. Hay nói cách khác, nếu bạn không biết phương tiện thì đối nhân xử thế tiếp vật luôn gặp chướng ngại.

Do đây có thể biết, giáo huấn cơ bản trong Phật pháp là thường dạy bảo chúng ta, trước đây thầy của chúng tôi lúc nào cũng căn dặn phải “rộng kết thiện duyên”. Rộng kết thiện duyên là gì? Chính là chuẩn bị làm nhiều phương tiện. Bạn bình thường không kết thiện duyên với người khác thì phương tiện khéo léo của bạn sẽ không cách gì sử dụng được; người khác không tin tưởng, không tiếp nhận, ý tốt của bạn người ta xem thành ý ác. Do đây có thể biết, nền tảng của phương tiện khéo léo chính là “nhân duyên tốt” mà chúng ta thường hay gọi, phương tiện khéo léo của bạn liền có nền móng. Nhân duyên của bạn không tốt, cho dù bạn có phương tiện khéo léo thì bạn vẫn không thể tránh khỏi chướng ngại. Do đây có thể biết, học Phật, nói một cách đơn giản, học Phật là học điều gì? Chẳng qua là học làm người mà thôi! Cùng tất cả người, tất cả vật đều có thể chung sống hòa thuận với nhau, đây chính là Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát có thể chung sống hòa thuận với thiên thần, cũng có thể chung sống hòa thuận với chúng sanh địa ngục, chung sống tốt với người thiện, cũng chung sống tốt với người ác, người như vậy gọi là Phật, gọi là Bồ-tát.

Vì sao các ngài có thể làm được, chúng ta không làm được? Then chốt ở đâu? Then chốt là ở lợi và hại. Chúng ta chung sống với người, sẽ suy nghĩ đến xung đột lợi hại; có lợi thì chúng ta dễ ở chung, có hại thì chúng ta liền biến thành đối địch. Chư Phật Bồ-tát và tất cả chúng sanh không có quan hệ lợi hại, cho nên thảy đều dễ ở chung với nhau. Đến lúc nào chúng ta có thể giác ngộ, với tất cả chúng sanh không có quan hệ lợi hại thì chúng ta mới có thể khế nhập cảnh giới của Phật, tự nhiên chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật một cách phương tiện khéo léo. Phương tiện khéo léo cần gì phải học tập? Không cần phải học tập, chỉ cần xuất phát từ sự chân thành thì tự nhiên đó chính là phương tiện khéo léo. Có một chút tính toán lợi hại ở trong đó thì phương tiện khéo léo sẽ bị trừ bớt, thậm chí hoàn toàn bị mất đi. Ngạn ngữ Trung Quốc thường nói: “Người trong cuộc thì mê, người ngoài cuộc thì rõ.” Người trong cuộc có lợi hại, người ngoài cuộc không có lợi hại. Có lợi hại thì sẽ không nhìn ra được chân tướng sự thật, họ có một lớp bóng mờ ở trước mặt; không có lợi hại thì họ sẽ thấy được rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Chư Phật Bồ-tát trong thế xuất thế gian vĩnh viễn làm người quan sát ngoài cuộc, chúng ta phải đem lợi hại bỏ đi thì chúng ta mới được đại lợi ích chân thật.

Lợi và hại từ chỗ nào mà sinh ra? Vẫn là từ “ta” mà sinh ra. Tóm lại mà nói, cái gốc đó là “ta”, chấp trước có ta, không biết rằng “ta” là một quan niệm sai lầm. Trong kinh Phật thường nói “không có ta”, không có ta chính là phá chấp ta; lại nói với bạn “không có người”, “không có chúng sanh”, “không có thọ giả”, là phá chấp pháp. Hai loại chấp ta và chấp pháp này đều phá rồi thì bạn mới hoàn toàn hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Chỉ cần có hai loại chấp trước này thì bạn không thấy được chân tướng, thứ bạn thấy được đó là huyễn tướng, thiên biến vạn hóa, mộng huyễn bọt bóng, là giả tướng, hư vọng không thật, bạn thấy được là những thứ này, không thấy được chân tướng, đương nhiên bạn cũng không có phương tiện khéo léo. Chỉ có người nhìn thấy được chân tướng thì ngôn ngữ của họ, tạo tác của họ tự nhiên chính là phương tiện khéo léo. Cho nên, vì sao đem “phương tiện” liệt kê ở đây, không liệt kê ở phía trước? Liệt kê ở đây thì đúng rồi, họ hoàn toàn ứng dụng thập thiện nghiệp đạo vào trong thế pháp lẫn Phật pháp, nên họ tự nhiên rất khéo léo. Sự khéo léo này không phải miễn cưỡng mà có thể học được, phải biết đạo lý này; là từ trong trí tuệ chân thật tự nhiên lưu lộ ra, đối nhân xử thế tiếp vật là một mảng chân thành. Hay nói cách khác, không có một vọng niệm, không có chút tâm riêng tư, niệm niệm đều nghĩ cho chúng sanh, niệm niệm đều nghĩ cho người khác, vậy người, việc, vật có lý nào lại không viên mãn?

/ 149