/ 149
149

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 30/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 142

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, chúng ta đọc từ hàng thứ nhất: “Chỉ trang nghiêm nên thảy đều dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang nghiêm, nên có thể hay biết như thật tự tánh của các pháp.” Phía trước tôi đã giảng sơ lược cho các vị về “chỉ quán” rồi, ở đây tôi làm một tổng kết. “Tri chỉ” (biết dừng) rất là quan trọng, không những là sự chứng quả, khai ngộ của xuất thế gian, mà ngay đến phước báo trời người của thế gian cũng đều lấy điều này làm nền tảng. Người nếu không tri chỉ thì pháp thế xuất thế gian đều không thể thành tựu. Cho dù bạn trong đời quá khứ tích lũy phước báo rất lớn, bạn ở trong đời này, người thế gian gọi là “đắc chí”, vinh hoa phú quý bạn đều đạt được, nhưng trong thời gian cực ngắn, bạn trong một đời này đã đem phước báo tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp thảy đều tiêu hao hết, không những chính mình sau khi chết phải đọa vào ác đạo, mà con cháu của bạn cũng như những gì người thế gian nói là “nhà tan người mất”, thậm chí con cháu đều đoạn tuyệt. Đây là do nguyên nhân gì? Không tri chỉ. Cho nên, tri chỉ quan trọng hơn bất kỳ điều gì, chúng ta phải đặc biệt chú ý, phải tri chỉ. Bạn xem chỗ này tổng kết, “chỉ trang nghiêm”, trang nghiêm chính là tu rất tốt, tu rất như pháp; dừng tất cả ác, đây là tiêu cực, tích cực là tu tất cả thiện, dừng ác tu thiện thì mới có thể đoạn hết tất cả phiền não. “Kiết sử” là một tên khác của phiền não. Cho nên, con người nếu không thể dừng ác hướng thiện thì tiền đồ của người này là một mảng tối tăm.

Tiêu chuẩn của thiện ác đều lấy kinh này làm chuẩn tắc. Dừng ác là nhất định phải dừng mười ác, tu mười thiện. Điều mà phần sau cùng bộ kinh này dẫn dụng đã khái quát hết toàn bộ Phật pháp. Toàn bộ Phật pháp đều là lấy thập thiện làm nền tảng, hay nói cách khác, đều là lấy đoạn ác tu thiện làm nền tảng; phước báo nhân thiên của thế gian cũng là lấy điều này làm nền tảng, sau đó mới biết tầm quan trọng của sự việc này. “Chỉ” chính là nói buông xuống. Ở địa vị phàm phu chúng ta, tôi thường nói “buông xuống tự tư tự lợi”, đây là tổng thuyết, phải giác ngộ! Hiện tại phiền não nghiêm trọng nhất của phàm phu chúng ta chính là tài và sắc, nếu không buông xuống hai thứ này thì không những đạo nghiệp không thành tựu, mà bạn cũng không cách gì tích lũy được phước báo của thế gian, bạn không làm được tích công lũy đức. Cho nên, bạn muốn hỏi chúng ta bắt đầu làm từ chỗ nào? Điều phía sau là “phương tiện trang nghiêm”, phương là phương pháp, tiện là tiện nghi, cũng chính là chỗ để bắt tay vào, nhất định phải từ tài và sắc, đây là chỗ nghiêm trọng nhất, phải từ chỗ này mà hạ thủ. Người xuất gia, có lúc họ đối với tài sắc tương đối lạnh nhạt một chút, nhưng lại háo danh, đó cũng là chướng ngại to lớn, họ cần danh, muốn chức vụ, làm thế nào để người ta tôn trọng họ, đây đều là phiền não tập khí nghiêm trọng.

Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, những tổ sư đại đức thời xưa, như đại sư Ấn Quang, lão hòa thượng Hư Vân đích thực là mô phạm tốt cho chúng ta. Đại sư Ấn Quang cả đời không làm trụ trì, không làm đương gia. Trước khi chưa nổi tiếng, ngài chỉ ở trong lầu chứa kinh của núi Phổ Đà; phục vụ trong lầu chứa kinh 30 năm, coi giữ lầu chứa kinh. Công việc này rất tốt, giống như người phụ trách thư viện vậy, cho nên ngài có thời gian đọc qua kinh giáo. Lão pháp sư có nền tảng quốc học rất tốt, có thời gian dài như vậy, cũng giống như là bế quan, tâm định tại “thâm nhập kinh tạng”, cái quả đó chính là “trí tuệ như biển”. Sau khi rời khỏi Phổ Đà, có rất nhiều nơi mời ngài làm trụ trì nhưng ngài không làm, ngài nhường cho người khác, đề cử người khác, chính mình ở trong chùa vẫn làm một thanh chúng; thế nhưng mọi người đều rất tôn trọng ngài, nghe giáo huấn của ngài. Ngài cả đời làm thanh chúng, cả đời không quản việc. Toàn bộ cúng dường của thập phương ngài đều mang đi bố thí pháp. Dùng những cúng dường này để làm quỹ, ngài thành lập Hoằng Hóa Xã, đây chính là nơi lưu thông kinh Phật hiện nay, ngài cả đời toàn tâm toàn lực làm một sự việc là bố thí pháp, cả đời chính là làm sự việc này. Còn việc từ thiện cứu tế thì thỉnh thoảng làm. Tiền từ đâu mà có? Ngài trích ra từ trong khoản in kinh, chúng ta biết được việc này từ trong quyển sách nhỏ “Thượng Hải hộ quốc tức tai pháp hội pháp ngữ”. Những cách làm này đều là giáo huấn hàng hậu học, bất luận làm bất kỳ việc gì thì cần phải chuyên, chuyên nhất mới có thành tựu.

/ 149