/ 149
57

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 29/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 141

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Ý nghĩa của “chỉ quán” sâu rộng vô biên, trong kinh điển nói: “Pháp tánh tịch nhiên là chỉ, pháp tánh thường chiếu là quán.” Trong kinh Đại thừa chúng ta thường thấy từ “tịch chiếu”, “tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch”, từ đây cho thấy, chỉ và quán là một sự việc. “Chiếu mà thường tịch”, quán tức là chỉ; “tịch mà thường chiếu”, chỉ chính là quán. Do đây có thể biết, trong công phu tu hành thì chỉ và quán là hai mặt của một thể. Trước đây đại sư Tăng Triệu từng nói: “Buộc tâm vào duyên thì gọi là chỉ, phân biệt tường tận gọi là quán.” Nói theo thập thiện nghiệp đạo thì duyên chính là thập thiện nghiệp, chúng ta niệm niệm không lìa thập thiện nghiệp, đây là chỉ, nhà Nho gọi là “chỉ ư chí thiện”.

Đạo lớn của Khổng Mạnh, nói thật ra chính là ba câu nói ở trong sách Đại Học: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”, đây là tổng cương lĩnh đại đạo của Khổng Mạnh, các ngài cả đời tự hành hóa tha đều không lìa khỏi nguyên tắc này. “Minh minh đức” là quán; “thân dân”, “chỉ ư chí thiện”, đây là chỉ. Cho nên ngài nói “tri chỉ nhi hậu hữu định”, định chính là tâm thanh tịnh hiện tiền, cảnh giới thiền định hiện tiền. Tâm của chúng ta vì sao loạn như vậy? Vì sao không thể định được? Vì chúng ta không tri chỉ, không biết phải dừng tâm ở chỗ nào. Học giả của nhà Nho có công phu định lực, tuy họ chưa từng tiếp xúc, cũng chưa từng học thiền định, nhưng công phu định lực từ đâu mà có vậy? Họ tri chỉ, họ biết chỉ ư chí thiện. “Chí thiện” đó chính là “minh minh đức”, “minh minh đức” với “minh tâm kiến tánh” mà trong Phật pháp nói là vô cùng giống nhau.

Chúng ta tu học, chúng ta cần phải dừng tâm vào chỗ nào? Thông thường các đồng tu đều nói, chúng ta phải nên dừng tâm vào thánh hiệu Di-đà. Cách nói này có sai hay không? Không sai. Có viên mãn hay không? Không viên mãn. Tại sao nói không viên mãn? Bởi vì bạn đối với thánh hiệu Di-đà liễu giải không rõ ràng, cho nên không viên mãn. Nếu bạn đối với thánh hiệu Di-đà liễu giải thấu triệt rồi, thì dừng tâm vào danh hiệu Di-đà là đại viên mãn. Lời này nên nói như thế nào? Khi chúng tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ đã từng nói, danh hiệu Di-đà là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện; nguyện thứ 18 đã bao hàm rất viên mãn 47 nguyện khác, thiếu một nguyện thì nguyện thứ 18 sẽ không viên mãn. Ngày nay, từ Nhật Bản truyền đến “bổn nguyện niệm Phật”, chỉ chấp trước nguyện thứ 18, còn 47 nguyện khác đều không cần nữa, vậy thì nguyện thứ 18 tan vỡ rồi. Giống như xây nhà vậy, cái nhà quan trọng nhất là mái nhà, không có mái nhà thì đâu thành nhà được? Mái nhà phải cần bao nhiêu trụ, bao nhiêu xà mới chống nó lên được? Nay trụ và xà đều không cần nữa, chỉ có cần mái nhà thì có được không? Sai rồi, họ không hiểu đạo lý này. Thêm nữa, nền tảng của 48 nguyện là gì? Là toàn bộ kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ; hay nói cách khác, xa rời kinh Vô Lượng Thọ thì 48 nguyện cũng tan vỡ mất. Kết cấu của toàn bộ kinh Vô Lượng Thọ ở đâu vậy? Ở kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Sau đó bạn mới biết, một câu danh hiệu này, công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn, một câu danh hiệu này đều bao gồm tất cả mọi thiện pháp của thế xuất thế gian ở trong đó. Cho nên, tôi nói bạn chấp trì danh hiệu không viên mãn, đạo lý là ở chỗ này.

Chấp trì danh hiệu ở mức thấp nhất là bạn phải ứng dụng thập thiện nghiệp đạo, đoạn thập ác nghiệp, tu thập thiện nghiệp thì niệm Phật mới sanh ra tác dụng; nếu không thể đoạn ác tu thiện thì câu Phật hiệu này là niệm suông, đại đức xưa gọi là “hét bể cổ họng cũng uổng công”, lời này là thật, không phải giả. Tại sao có người niệm Phật có hiệu quả, nhưng có người niệm Phật cả đời vẫn là lưu chuyển theo nghiệp? Mấu chốt là ở biết và không biết. Biết, nói thật ra rất đơn giản, cũng không khó; đối nhân xử thế tiếp vật hoàn toàn dùng thập thiện, nghiêm túc tu thập thiện, nhất định phải đoạn thập ác, vậy thì chúng ta niệm một câu danh hiệu này chắc chắn vãng sanh, chúng ta sẽ thành công.

Quý vị nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ, A-di-đà Phật là bậc đại thiện số một của thế xuất thế gian; lời nói này cũng không phải tôi nói, mà là Thích-ca Mâu-ni Phật nói ở trong kinh Vô Lượng Thọ; ngài tán thán A-di-đà Phật là “ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật”, đây chính là bậc đại thiện số một của thế xuất thế gian. Thích-ca Mâu-ni Phật tán thán như vậy, trên thực tế chính là đại diện cho sự tán thán chung của mười phương ba đời tất cả chư Phật. Tâm hạnh của chúng ta bất thiện thì làm sao có thể tương ưng với A-di-đà Phật được? Niệm một câu “A-di-đà Phật” này không tương ưng, cho nên bạn niệm không có hiệu quả. Những người niệm có hiệu quả, bạn hãy quan sát tỉ mỉ, họ đều là người có tâm địa và hành vi lương thiện, vậy mới có thể vãng sanh.

/ 149