/ 149
191

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 29/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 140

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Chúng ta tiếp tục xem “chỉ quán”. Cổ đức có nói, trong các môn tu phương tiện thì “chỉ” thuộc về không môn, thuộc về chân như môn, bởi vì nó lìa tất cả tướng; còn “quán” thì thuộc về hữu môn, thuộc về sinh diệt môn, nó đối với tất cả pháp hữu vi phát khởi lý giải thù thắng. Cũng chính là nói “quán” là trí tuệ, trí tuệ có thể thông đạt tất cả pháp thế xuất thế gian. Phật dạy chúng ta trong Đại kinh: “Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp”, lìa tất cả tướng là chỉ, tức tất cả pháp là quán. Nếu theo tầng thứ tu hành mà nói thì chỉ phải ở phía trước, chỉ là định, vì sao vậy? Bởi “chỉ” có thể phục được phiền não, trước tiên phải phục được phiền não, thế nhưng nó không đoạn được phiền não. Muốn đoạn phiền não thì phải quán, trước tu chỉ, sau tu quán, quán có thể đoạn phiền não, vì sao vậy? Vì quán có thể thấy được rõ ràng chân tướng của phiền não, vậy mới có thể chuyển phiền não thành Bồ-đề. Rốt cuộc phiền não là gì? Bạn không làm cho rõ ràng, cho nên nó mới chướng ngại bạn. Nhưng khi công phu được thuần thục rồi thì khác biệt so với mới học. Mới học có thứ lớp, có trước sau, có thứ tự; đến khi thuần thục rồi thì không như vậy, trong chỉ có quán, trong quán có chỉ, cho nên chỉ và quán không hai.

Vừa rồi có đồng học đến hỏi tôi: “Nhất môn thâm nhập, phải thâm nhập đến trình độ nào?” Trong Phật pháp Đại thừa, bất luận tu học pháp môn nào, nếu bạn tu học muốn thành tựu thì bạn nhất định phải hiểu được phương pháp và bí quyết này. Quý vị phải biết, nhất môn thâm nhập là chỉ, chỉ là gì? Pháp thế xuất thế gian thảy đều buông xuống thì bạn làm được chỉ rồi. Công phu của bạn dùng vào một môn, trong một môn này bèn có quán, buông xuống vạn duyên là chỉ, cho nên nhất môn thâm nhập là chỉ và quán song vận. Bạn nhất môn thâm nhập, làm thế nào mới có thể khế nhập cảnh giới? Tức là nói, bạn phải dùng tâm thái như thế nào để tu học? Chí thành cảm thông; chí thành là nhân, cảm thông là quả. Hay nói cách khác, cần phải dùng tâm chân thành để nhất môn thâm nhập thì bạn mới có thể khai ngộ, mới có thể chứng quả, cảm thông chính là chỉ cho khai ngộ chứng quả.

Tình trạng của cảm thông như thế nào? Đến khi nào chúng ta mới biết đây là cảm thông? Thông là thông đạt, pháp thế xuất thế gian tuy không học nhưng lại thông đạt, đó chính là tình trạng của cảm thông. Ở đây cũng có tầng thứ, có tiểu ngộ, có đại ngộ, có triệt ngộ. Đại sư Ấn Quang nói “một phần thành kính được một phần lợi ích” là cảm thông nhỏ; “mười phần thành kính được mười phần lợi ích” là cảm thông lớn. Từ đó cho thấy, năng lực cảm thông lớn hay nhỏ, nhất định là tỉ lệ thuận với tâm thành kính của bạn. Nhìn từ đâu mà biết được thành kính? Nhìn từ thập thiện nghiệp đạo; thật sự đoạn thập ác, hành thập thiện thì bạn mới là chí thành. Nếu như bạn nói: “tôi tu hành đã dùng tâm chí thành rồi”, nhưng trong tâm bạn chưa dứt ý niệm giết, trộm, dâm, đối nhân xử thế tiếp vật vẫn còn nói dối, vẫn còn nói thêu dệt, vậy thì một mảy may thành ý bạn cũng không có. Cho nên chí thành nhìn từ đâu vậy? Nhìn từ thập thiện nghiệp; bạn thật sự tu thập thiện, thật sự đoạn thập ác thì tâm chí thành của bạn đã thể hiện ra. Công phu sâu hay cạn thì phải xem thành tích đoạn ác tu thiện của bạn. Thật sự trong đối xử với tất cả người, việc và vật đều lấy thập thiện làm tiêu chuẩn, nhất định không sanh một niệm thập ác. Lúc tĩnh lặng, chúng ta dùng chỉ và quán, khi chỉ thì một niệm không sanh, khi quán thì vạn thiện cùng theo, khởi tâm động niệm đều thuần thiện với người, với việc, với vật, đến lúc này khoảng cách cảm thông không còn xa nữa. Hiện tượng rõ rệt nhất là khi bày tam tạng mười hai bộ kinh ra trước mặt bạn, bạn không có chướng ngại, bạn đều thông đạt, mỗi chữ mỗi câu đều là vô lượng nghĩa, chỉ một câu nói trong kinh Phật mà bạn giảng suốt đời giảng cũng không hết, đây là thật, không phải giả.

Bồ-tát Long Thọ ở long cung nhìn thấy quyển thượng của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, phân lượng bao lớn vậy? Bồ-tát nói với chúng ta là mười đại thiên thế giới vi trần kệ. Chúng ta biết, Phật pháp tính phân lượng nhiều hay ít là dùng kệ làm đơn vị, không giống như người Trung Quốc là dùng chữ. Ví dụ, Đạo Đức Kinh có 5.000 chữ, phân lượng là bao nhiêu? 5.000 chữ, là dùng chữ để làm đơn vị. Người Ấn Độ dùng kệ, bốn câu là một kệ, dùng bốn câu làm một đơn vị, bốn câu này dài ngắn không nhất định; bốn câu trong kệ tụng là một bài kệ, bốn câu trường hàng cũng là một bài kệ, tính theo cách như vậy. Bao nhiêu bài kệ vậy? Mười tam thiên đại thiên thế giới vi trần kệ. Cho nên tôi nói, một câu kinh văn nếu bạn giảng kỹ, bạn giảng cả đời, bạn giảng 100 năm cũng không xong. Tôi nói lời này là có căn cứ, không phải tùy tiện nói.

/ 149