PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 29/03/2001
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 139
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất. “Chỉ trang nghiêm nên có thể dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang nghiêm nên có thể hay biết như thật tự tánh của các pháp.” Trước tiên, chúng ta dựa vào nghĩa kinh văn để nói một cách đơn giản. “Kiết sử” là danh từ thay thế cho phiền não. “Tất cả kiết sử”, trong Phật pháp thường gọi là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, toàn bộ đều bao gồm trong một câu này. Làm sao đoạn trừ phiền não? Dùng phương pháp chỉ quán có thể đoạn trừ. Cho nên chỉ là định, an trụ tâm vào một chỗ, đây chính là chỉ. An trụ vào chỗ nào vậy? Điều này không nhất định. Trong Phật pháp, mỗi một pháp môn không giống nhau, nhưng “an trụ một chỗ” là nguyên lý nguyên tắc xuyên suốt, bất biến, Phật nói trong kinh là: “Đặt tâm ở một chỗ thì không chuyện gì không làm được”, cũng là ý nghĩa này.
Phàm phu vọng niệm rất nhiều, gọi là “tâm vượn, ý ngựa”, tâm của họ không thể dừng lại được. Tịnh độ tông dạy chúng ta an trụ vào trong Phật hiệu, pháp môn mà chúng ta tu là an trụ vào câu Phật hiệu. Thực ra phương pháp để giữ tâm của Tịnh độ tông cũng rất nhiều, đây chính là nói về phương pháp niệm Phật, đại thể chia thành bốn loại niệm Phật là: thật tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, trì danh niệm Phật, có bốn loại này, trong mỗi một loại lại chia thành rất nhiều loại, cho nên phương pháp niệm Phật cũng rất nhiều. Quý vị đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong đó nói với chúng ta mười sáu loại phương pháp, mười sáu pháp quán. Trong mười sáu pháp quán này, tu bất kỳ pháp quán nào cũng có thể đặt tâm ở một chỗ, đều có thể định tâm lại được; hay nói cách khác, đều có thể đoạn phiền não. Trong bao nhiêu phương pháp, trong mười sáu pháp quán này, ta tu một loại, hoặc hợp chung hai ba loại lại tu đều được, vì đều thuộc về cùng một pháp môn.
Trì danh niệm Phật là pháp quán thứ mười sáu, loại phương pháp cuối cùng. Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết đạo có một nguyên tắc, nguyên tắc này tương ưng với pháp thế gian, có thể thấy được Phật pháp mà Phật đã nói không lìa pháp thế gian, khiến người thế gian chúng ta tiếp xúc với Phật pháp, cảm thấy Thích-ca Mâu-ni Phật rất có tình người, đó chính là đem phương pháp tốt nhất để ở sau cùng. Giống như hát kịch vậy, màn kịch hay nhất nhất định là tiết mục cuối cùng, đặt ở sau cùng. Cho nên, bạn thấy hai mươi lăm viên thông trong hội Lăng-nghiêm, “Nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Thế Âm” được đặt ở sau cùng. Nếu theo thứ tự sắp xếp thì hai mươi lăm viên thông là lục căn, lục trần, lục thức, dựa theo cách sắp xếp này thì Nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Thế Âm phải xếp thứ hai, nhưng ngài lại đem viên thông đặc biệt này để sau cùng, tức là nói cho bạn biết đây là pháp môn đặc biệt. Trì danh niệm Phật được xếp sau cùng trong mười sáu pháp quán là nói cho bạn biết, đây cũng là pháp môn đặc biệt. Từ chỗ này chúng ta mới thể hội được ý của Thế Tôn.
Chúng ta “đặt tâm ở một chỗ”, đem tâm dừng lại ở đâu? Dừng lại trong danh hiệu, danh hiệu chỉ có bốn chữ “A-di-đà Phật”. Trước đây đại sư Liên Trì đã dùng phương pháp này. Chúng ta thấy trong “Trúc song tùy bút” có người thỉnh giáo đại sư rằng:
- Lão nhân gia ngài dạy người khác niệm Phật như thế nào?
Đại sư Liên Trì nói:
- Tôi dạy người khác niệm Phật là dạy họ niệm sáu chữ “Nam-mô A-di-đà Phật”.
Người đó lại hỏi đại sư:
- Cách niệm của riêng ngài là như thế nào?
Ngài nói:
- Bản thân tôi chỉ niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”.
Thế là người ta hỏi ngài:
- Tại sao lại vậy?
Ngài bèn nói:
- Tôi đời này đã hạ quyết tâm nhất định phải sanh Tịnh độ, cho nên tôi chấp trì danh hiệu, đây là trong kinh Di-đà nói, danh hiệu chỉ có bốn chữ.