PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 29/03/2001
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 138
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất:
Chỉ trang nghiêm nên có thể dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang nghiêm nên có thể hay biết như thật tự tánh các pháp.
Hai điều này là nói “chỉ quán”, chúng ta đem chỉ và quán hợp chung lại nói, tiếng Phạn của Ấn Độ gọi là xa-ma-tha, tỳ-bà-xá-na, thiền-na, đây là chúng ta đọc thấy trong kinh Lăng-nghiêm. Xa-ma-tha dịch là chỉ, tỳ-bà-xá-na dịch là quán, thiền-na là chỉ quán viên dung. Hàm nghĩa danh từ của chúng có thể dùng thay cho nhau, xa-ma-tha có thể dịch là chỉ, cũng có thể dịch là quán, nhưng nghiêng nặng về chỉ; tỳ-ba-xá-na tuy dịch là quán, nhưng trong đó cũng có nghĩa của chỉ; trên thực tế, chỉ và quán nhất định là viên dung, trong chỉ có quán, trong quán có chỉ. Nếu chỉ có chỉ mà không có quán thì đó chính là “vô tưởng định”, tu vô tưởng định thì không liên quan gì đến Phật pháp; thiền định được nói trong Phật pháp là có quán, cũng chính là nói trong định có cảnh giới.
“Chỉ quán” là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành của nhà Phật, bất luận tu học pháp môn nào đều không thể rời khỏi chỉ quán. Pháp môn niệm Phật của chúng ta cũng là tu chỉ quán, trong niệm Phật đường thường nhắc nhở mọi người “buông xuống vạn duyên”, đó là chỉ, “đề khởi Phật hiệu”, đây chính là quán. Từ đó cho thấy, chỉ quán chính là thiền định, niệm Phật đâu có phải là không tu thiền? Thế Tôn nói với chúng ta trong kinh Đại Tập, pháp môn niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên không có thiền định thì chắc chắn không thể khai trí tuệ. Chúng ta biết pháp môn niệm Phật thật sự là vô thượng thâm diệu thiền, bạn còn khởi tâm động niệm muốn đi học thiền, muốn đi ngồi thiền, vậy thì sai rồi, bạn đang tu vô thượng thâm diệu thiền nhưng bạn không biết, không biết sự thù thắng của pháp môn mình đã tu.
Danh xưng tiếng Phạn được dịch thành “chỉ quán”, cũng được dịch thành “định tuệ”, định chính là chỉ, tuệ chính là quán; lại dịch là “tịch chiếu”, ý nghĩa này vừa nói ra thì quý vị liền sáng tỏ, tịch là chỉ, chiếu là quán; lại dịch là “minh tĩnh”, minh là quán, tĩnh là chỉ. “Chỉ” có nghĩa là chấm dứt, có nghĩa là dừng. Trong thập thiện nghiệp đạo, dừng thập ác, đề khởi thập thiện, đây là quán. Khởi tâm động niệm đều là thập thiện, cổ đức gọi là “động niệm thì vạn thiện cùng theo, chỉ tĩnh thì một niệm không sanh”, đây là đã đạt công phu chỉ quán rồi. “Vạn thiện cùng theo”, gốc của vạn thiện chính là thập thiện nghiệp đạo, gốc của vạn ác chính là thập ác nghiệp. Thế Tôn nói bộ kinh này, từ sơ học cho đến quả địa Như Lai, vô lượng vô biên pháp môn, như phần trước chúng ta đã học qua lục độ, tứ nhiếp, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bây giờ chúng ta nói đến chỉ quán, làm thế nào để thực hiện? Đều ở thập thiện nghiệp đạo. Xa lìa thập thiện nghiệp đạo thì tất cả mọi Phật pháp đều là rỗng tuếch.
Từ chỗ cơ bản nhất mà nói, điều đầu tiên trong “tịnh nghiệp tam phước”, nếu như không có thập thiện nghiệp thì “hiếu thân tôn sư, từ tâm không giết” thảy đều là rỗng tuếch, đây là nói đến căn bản của căn bản, là tịnh nghiệp tam phước. Nếu như đối với thập thiện, thập ác mà chúng ta không hiểu, vậy thì chúng ta tu từ đâu? Mỗi ngày tạo nghiệp, giống như trong kinh Địa Tạng đã nói: “Chúng sanh cõi Diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì chẳng phải tội.” Vì sao vậy? Đều tương ưng với thập ác, nhất là ở trong xã hội hiện đại. Trong xã hội hiện nay luân thường không còn nữa, chúng ta thường xuyên nghe thấy con cái giết hại cha mẹ, cha mẹ giết hại con cái, anh em tàn sát lẫn nhau, thường xuyên nghe thấy, loại sự việc này những năm gần đây ngày càng nhiều, ngày càng gia tăng, đây không phải là xã hội của con người, con người phải biết đạo lý.