/ 149
47

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 28/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 137

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Điều sau cùng của bát chánh đạo là “chánh mạng”, mạng là nói sinh mạng của chúng ta. Con người sống ở thế gian này nhất định phải biết làm thế nào để nuôi dưỡng sinh mạng của mình. Thánh nhân nói rất nhiều về đạo dưỡng sinh, còn phương pháp dưỡng sinh thì nói quá nhiều, ngày nay chúng ta gọi là rất nhiều ngành nghề trong xã hội. Trong chú giải có một câu nói rất quan trọng: “Thường biết đủ nên sống trong chánh mạng thanh tịnh.” Cho nên, nếu con người muốn thân thể mình khỏe mạnh sống lâu, rời xa bệnh tật thì phải biết đạo dưỡng sinh. Điều này ở trong Phật pháp nói thấu triệt nhất, nói viên mãn nhất.

Chân đế của sinh mạng, hoặc chúng ta gọi là “nguyên lý của sinh mạng”, đó là gì? Trong kinh Phật nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Nguyên lý của sinh mạng là gì? Là ý niệm. Thật sự là nghĩ cái gì thì nó sẽ biến ra cái nấy. Tu hành trong nhà Phật, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, tổng cương lĩnh của nó đều là ở quán tưởng. Chúng ta mỗi ngày nghĩ Phật thì không hay không biết sẽ biến thành Phật; nghĩ Bồ-tát sẽ biến thành Bồ-tát. Mười pháp giới từ đâu mà có? Từ tâm tưởng sanh. Chúng ta hằng ngày đọc kinh Phật, hằng ngày nghĩ kinh điển, đây là tưởng Phật. “Nhớ Phật, niệm Phật”, nhớ và niệm đều là tưởng, mỗi ngày tưởng Phật, không hay không biết chính mình trở thành Phật.

Mỗi ngày nếu nghĩ đến hưởng thụ ngũ dục lục trần của thế gian, nghĩ đến tài, sắc, danh, thực, thùy, nghĩ những thứ này, tham đắm những thứ này thì người này sẽ biến thành ngạ quỷ. Quỷ là do nguyên nhân gì? Quỷ là do tư tưởng tham lam keo kiệt biến hiện ra; người có tâm tham lam, keo kiệt rất nặng, tham danh, tham tài, tham sắc thì họ sẽ biến thành ngạ quỷ. Người thế gian thường nói: “Người chết rồi đều thành quỷ.” Lời nói này là sai lầm, ít nhất là có sáu cõi, người chết rồi đến cõi nào đó, chứ chưa chắc đều đọa cõi quỷ. Thế nhưng thử nghĩ thật kỹ, lời nói này cũng không phải không có đạo lý, nguyên nhân là gì? Đa số con người đều có tâm tham nặng, tâm tham biến thành ngạ quỷ, sân giận đọa địa ngục, ngu si biến thành súc sanh. Thường xuyên nghĩ ngũ giới thập thiện thì là cõi người, được thân người, nghĩ thượng phẩm thập thiện nghiệp thì sanh cõi trời, cho nên tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.

Nếu chúng ta muốn thân thể khỏe mạnh thì phải nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, phải hành thiện, đừng tạo ác, vậy thân thể sẽ khỏe thôi. Thân là cảnh giới vật chất hàng đầu gần gũi nhất với chúng ta, cho nên quý vị nhất định phải biết là tâm làm chủ, không phải thân làm chủ. Cái thân này là vật chất, mà vật chất là thứ yếu, vật chất từ đâu mà có? Vật chất từ tâm tưởng sanh. Trong kinh giáo Đại thừa, Pháp Tướng Duy Thức nói thấu triệt nhất, vật chất từ đâu mà có? Là từ tướng phần của a-lại-da. Tướng phần của a-lại-da là từ kiến phần biến hiện ra, kiến phần là ý niệm, trong ý niệm có một loại chấp trước kiên cố, chấp trước thì biến thành vật chất; thứ này vốn dĩ không có, là huyễn hóa. Kiến phần là thuộc về tinh thần, tướng phần là thuộc về vật chất, kiến và tướng đều cùng một nguồn. Nguồn là gì? Nguồn là tự chứng phần. Kiến và tướng đều cùng một nguồn, hay nói cách khác, vật chất và tinh thần là một nguồn, không thể phân ra. Cách nói này không giống như trong triết học, cho nên Âu Dương Cánh Vô nói: “Phật giáo không phải là tôn giáo, cũng không phải là triết học”, nó là giáo dục, Phật giáo nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Vũ trụ từ đâu mà có? Sinh mạng từ đâu mà có? Bản thân ta từ đâu mà có? Phật pháp chẳng qua là đem chân tướng này nói rõ với chúng ta mà thôi, cho nên Phật giáo không mê tín.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.” Đây là nói đơn giản, nói vắn tắt. Tâm hiện tướng, nhưng tướng thì thiên biến vạn hóa; y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới là do tướng biến hiện ra. Năng lực gì khiến nó sinh ra sự biến hóa phức tạp như vậy? Do thức, thức chính là tâm tưởng, “từ tâm tưởng sanh”. Mỗi người chúng ta sống ở thế gian này dần dần trưởng thành, rồi thành gia lập nghiệp, rồi có con cái, con cái trưởng thành rồi, lại nhìn thấy con cháu của bạn nữa, bản thân mỗi ngày đang nghĩ: ta già rồi, chúng đều gọi mình là ông, là bà rồi. Tại sao bạn bị già vậy? Chính là do bạn nghĩ già thì sẽ già. Bạn nhìn thấy từng thế hệ sau trưởng thành. “Ồ, ta già rồi”, quả nhiên sẽ già thôi. Già rồi thì thế nào? Già rồi thì nhất định sẽ sinh bệnh, cho nên bạn sẽ chú trọng thuốc men, bảo hiểm, người trẻ tuổi lơ là việc này, họ không biết được tầm quan trọng của việc này, người già mới nghĩ đến việc này; mỗi ngày nghĩ đến bệnh, vốn dĩ không có bệnh, nhưng vì mỗi ngày nghĩ đến nên bệnh gì cũng có cả. Đến khi bệnh nhiều rồi thì nghĩ đến: “Không biết khi nào ta chết?” Vậy thì sẽ chết rất nhanh thôi, cho nên thảy đều là từ tâm tưởng sanh. Nếu bạn đem những vọng tưởng này thảy đều trừ bỏ thật sạch sẽ thì bạn sẽ không già, bạn cũng sẽ không bị bệnh, nói lời chân thật, bạn cũng sẽ không chết. Đây đều là vấn đề của ý niệm. Cho nên, niệm này là vọng niệm, là ý niệm sai lầm. Vì sao bạn không nghĩ Phật? Vì sao không nghĩ Bồ-tát? Phật Bồ-tát không già. Trung Quốc có câu ngạn ngữ thường nói: “Bồ-tát, Bồ-tát, năm nào cũng mười tám.” Bồ-tát không già, bạn nghĩ Bồ-tát thì tốt biết bao! Bạn sẽ không già nữa. Cho nên đây là vấn đề của quan niệm, đạo dưỡng sinh là trước tiên phải thay đổi quan niệm của mình cho chính xác, không nên có ý niệm lệch lạc, sai lầm, vậy thì sẽ thiệt thòi lớn.

/ 149