/ 149
74

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 28/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 134

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay chúng ta xem tiếp điều thứ năm của bát chánh đạo là “chánh tinh tấn”, tấn là tiến bộ, chánh chính là không tà. Người thông thường trong xã hội hiện nay, chúng ta không thể nói là họ không nỗ lực, họ cũng rất nỗ lực, vô cùng tinh tấn, nhưng phương hướng mục tiêu của họ sai rồi, họ tinh tấn về phía danh văn lợi dưỡng, điều này trong Phật pháp không gọi là chánh tinh tấn. Từ đâu mà phân biệt chánh và tà? Một nguyên tắc đơn giản nhất, đó chính là thứ có thể mang theo và không thể mang theo. Thứ có thể mang theo là chánh, còn thứ không thể mang theo là tà. Vì sao nói thứ không thể mang theo là tà? Nếu đối với những phương diện không thể mang theo mà chúng ta lại chấp trước kiên cố, tham luyến, chiếm hữu thì sẽ tạo thành khổ nạn cho đời sau, đây gọi là tà. Từ đó cho thấy, bát chánh đạo, định nghĩa của chữ “chánh” này chính là ở chánh kiến, chánh tư duy, chúng ta gọi là chánh tri chánh kiến, chỉ cần hai điều này chánh thì những điều còn lại thảy đều chánh; nếu hai điều này không chánh thì những điều còn lại muốn chánh cũng không thể chánh được, chúng ta nhất định phải biết đạo lý này.

Trong Phật pháp Đại thừa, nếu nói đến chánh tinh tấn tuyệt đối, chúng tôi nói một câu chân thật, không gì bằng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đây là thuần chánh. Dùng thời gian một đời thì nhất định cầu được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Có thể cầu được hay không? Đáp án là chắc chắn. Bất kỳ người nào, chỉ cần y theo đạo lý, phương pháp mà kinh điển đã nói để tu học thì chắc chắn có thể chứng được, đây là đại viên mãn chân thật cứu cánh. Lời này không phải chúng tôi tùy tiện nói, mà là chư Phật Thế Tôn đã nói trong kinh giáo. Chúng ta nhìn thấy thế gian có một loại người, phần lớn là chưa từng đi học, chưa từng nhận qua giáo dục, không biết chữ, là những ông bà cụ ở thôn quê, họ không biết gì cả, từ sáng đến tối chỉ niệm một câu A-di-đà Phật, bạn lại tỉ mỉ quan sát sự hành trì của họ, tâm của họ thanh tịnh, họ không có vọng tưởng, buông xuống vạn duyên, đối đãi với bất kỳ người nào cũng đều chân thành, từ bi. Chúng ta quan sát thật kỹ, họ chưa từng học qua thập thiện nghiệp đạo, họ cũng chưa từng đọc qua kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, thế nhưng hành trì của họ hoàn toàn tương ưng với những điều mà thập thiện nghiệp đạo nói. Tâm thiện, tư tưởng thiện, hành vi thiện, giao thiệp với người đều hết mực chân thành, khẩn thiết; người khác dối họ, gạt họ, họ cũng không hề để ở trong tâm, vẫn hoan hỷ niệm Phật, loại người này thành công, loại người này chính là người thượng thượng căn mà trong kinh Phật đã nói, người thông thường như chúng ta không thể sánh bằng họ, họ quả thật đúng là buông xuống vạn duyên, đây là chánh tinh tấn, chân tinh tấn. Chúng ta học Phật, nếu không quan sát từ chỗ này, không hạ công phu ở chỗ này thì quả thật là sai rồi!

Chúng ta ngày nay học giáo, hoằng dương Tịnh độ, khuyến hóa người đời, vậy có trở ngại, có mâu thuẫn với chánh tinh tấn hay không? Xin thưa với quý vị là không có. Pháp môn niệm Phật hoàn toàn không trở ngại bất kỳ ngành nghề, công việc nào, đây là chỗ thù thắng của pháp môn này; cho nên được tất cả chư Phật Bồ-tát tán thán, đạo lý là ở chỗ này, hoàn toàn không có trở ngại. Những ông bà cụ đó, công việc mỗi ngày của họ là làm việc nhà, chăm sóc gia đình của họ, chăm sóc con cháu của họ, giao thiệp với bạn bè thân thích, đều không trở ngại cho họ. Từ đó cho thấy, chúng ta hoằng pháp lợi sanh cũng không bị cản trở. Điều gì có thể cản trở bản thân chúng ta vậy? Vọng tưởng, nghĩ ngợi lung tung, đây là mối hại lớn, dính tướng, việc này gây trở ngại cho chúng ta. Cho nên, thứ thật sự gây trở ngại chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ cần lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì một mảy may trở ngại cũng không có. Cho nên, trong kinh Hoa Nghiêm nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.

/ 149