/ 149
48

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 27/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 133

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Bây giờ chúng tôi giảng điều thứ tư của bát chánh đạo là “chánh nghiệp”. Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ “nghiệp” có nghĩa là gì, giải thích như thế nào? Chữ này thông thường đi kèm với chữ “sự”, liên kết lại là “sự nghiệp”, nói sự nghiệp thì mọi người đều sẽ có một khái niệm, tuy có khái niệm nhưng rất ít người có thể phân biệt được rõ ràng. Sự và nghiệp là quan hệ nhân quả, khi đang tạo tác thì gọi là sự, cho nên thông thường chúng ta hỏi người khác là hiện tại anh đang làm việc gì? Kết quả của tạo tác thì gọi là nghiệp, phạm vi của nghiệp rất lớn. Khởi tâm động niệm gọi là ý nghiệp, trong tâm bạn đang tạo nghiệp, ngôn ngữ là khẩu nghiệp, động tác của thân thể thì gọi là thân nghiệp. Chánh nghiệp được nói ở đây đều bao gồm thân, khẩu, ý ở trong đó. Phía trước nói với chúng ta về “chánh ngữ”, đó là ngữ nghiệp, nói “chánh kiến” và “chánh tư duy” là thuộc về ý nghiệp, đặc biệt nêu riêng ra để nói. Còn chỗ này là tổng thuyết, trong tổng thuyết nghiêng nặng về tạo tác của thân thể. Phía trước đã nói hai điều thuộc về ý nghiệp, nói một điều thuộc về ngữ nghiệp, chánh nghiệp ở đây thì bao gồm ba nghiệp thân ngữ ý. Bởi vì ở trước đã nói tỉ mỉ, cho nên trọng điểm ở đây là chỉ cho tạo tác của thân thể. Quý vị nhất định phải biết, thân ngữ ý có quan hệ liên đới, quyết không phải đơn độc, cho dù nói chuyện, nói chuyện vẫn có thái độ, có biểu cảm, cho nên ba nghiệp này là “một chính là ba, ba chính là một”, chắc chắn không tách rời nhau. Do đây có thể biết, tất cả mọi tạo tác đều phải lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, đây chính là chánh. Nếu như tất cả tạo tác của chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình, lợi ích gia đình mình, lợi ích đoàn thể nhỏ này của ta, thì nghiệp này là tà nghiệp, không phải chánh nghiệp.

Đặc biệt là xã hội ngày nay, xã hội ngày nay là xã hội như thế nào? Chúng ta nhất định phải biết, xã hội ngày nay là xã hội mở cửa, là xã hội của khoa học kỹ thuật phát triển đến một trình độ tương đối, giao thông thuận tiện, tin tức phát triển, bất cứ nơi nào trên địa cầu này xảy ra sự việc gì thì lập tức từ trên đường truyền vô tuyến chúng ta đều biết được, thậm chí còn có thể thấy được hình ảnh. Giao thông thuận tiện, đi vòng quanh trái đất một vòng chỉ mất hơn 20 tiếng đồng hồ. Vào mấy năm trước, nghe nói Hoa Kỳ và Nga hợp tác phát triển máy bay thần tốc, gần đây có lẽ đã sản xuất ra rồi. Tốc độ của máy bay này phải nhanh gấp đôi so với máy bay hiện tại của chúng ta; tôi nghe nói từ San Francisco - Mỹ bay đến Thượng Hải - Trung Quốc, bay ngang qua Thái Bình Dương chỉ cần hơn 4 tiếng đồng hồ. Hiện tại phải bay 10 tiếng. Địa cầu này càng ngày càng nhỏ, do đó cách nghĩ, cách nói, cách làm của chúng ta phải lấy toàn bộ địa cầu này mà cân nhắc, vậy thì thế giới mới có an định, mới có hòa bình. Quốc gia này của ta tốt, chỉ nghĩ riêng cho quốc gia của ta, không nghĩ đến quốc gia của người khác, ngày nay có rất nhiều quan niệm sai lầm: “Việc này có lợi cho đất nước của tôi hay không?” Đây là quan niệm sai lầm. Nếu có lợi cho đất nước mình mà không có lợi cho các quốc gia lân cận thì việc có lợi và không có lợi này liền sanh ra xung đột, việc này tạo ra tranh chấp xã hội; một khi không thận trọng, không cẩn thận thì biến thành chiến tranh quốc tế.

Cho nên, chúng ta nhất định phải khẳng định, ngày nay có rất nhiều người gọi địa cầu ngày nay là “thôn địa cầu”, không sai chút nào! Chúng ta cùng chung sống trong một thôn trang, những người xung quanh có quan hệ mật thiết với chúng ta, nếu chúng ta chăm sóc bản thân thì cũng phải chăm sóc hoàn cảnh xung quanh giống như vậy, cho nên khi suy tính thì nhất định phải chăm sóc đến tất cả chúng sanh trên địa cầu này. Nếu chúng ta nghĩ được như vậy thì đó là chánh tư duy, còn chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình thì đây là tà kiến, tà tư duy. Bởi vậy, tất cả mọi tạo tác của chúng ta đều phải nghĩ đến liệu nó có lợi hay bất lợi cho tất cả chúng sanh trên thế giới hay không? Những việc không có lợi còn không được làm, vậy thì những việc có hại lại càng không được làm. Cho nên, bản thân chúng ta nhất định phải tu học tâm thuần thiện, chính là tư tưởng thiện mà Phật nói ở đây, tâm địa thiện thì lời nói, việc làm không gì không thiện. Gọi là “thiện” chính là đối với tất cả chúng sanh trên toàn thế giới đều có lợi ích; không những đối với tất cả người có lợi ích, mà còn phải nghĩ đến đối với tất cả động vật đều có lợi ích, với tất cả thực vật cũng có lợi ích, thậm chí đối với hết thảy đất, nước đều có lợi ích, đây mới gọi là chân thiện, mới gọi thuần thiện, bạn thảy đều xét nghĩ đến.

/ 149