/ 149
230

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 28/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 135

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem điều thứ sáu của bát chánh đạo, điều thứ sáu là “chánh định”, định là nói tâm an trụ vào một chỗ, nhất định không thay đổi, nhất định không dao động. Ở đây Phật dạy chúng ta, tâm của chúng ta nên an trụ vào thập thiện nghiệp đạo, nên an trụ vào danh hiệu A-di-đà Phật. Các bậc tổ sư đại đức thường nói “chánh trợ song tu”, chúng ta nhất định phải biết, nhất tâm xưng niệm A-di-đà Phật là chánh tu của chúng ta, nhất tâm an trụ thập thiện nghiệp đạo là trợ tu của chúng ta, như vậy mới có thể được sanh Tịnh độ. Đại đức xưa nói: “Ái không nặng, không sanh Ta-bà”, vì sao lại vào trong lục đạo vậy? Nhân tố thứ nhất chính là “ái dục”, ái không đoạn thì không có cách gì ra khỏi thế giới Ta-bà; “niệm không nhất, không sanh Tịnh độ”, cho nên niệm Phật phải chuyên tâm, phải chuyên nhất.

Mà trong kinh điển, Thế Tôn nói rõ vói chúng ta về sự thù thắng của thế giới Tây Phương, mười phương ba đời tất cả chư Phật đều tán thán A-di-đà Phật. Rốt cuộc ngài thù thắng ở chỗ nào? Sự thù thắng của ngài chính là ở thế giới Cực Lạc không có nghịch cảnh, không có ác duyên, thù thắng ở chỗ này. Cho nên, sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù trong a-lại-da thức của chúng ta vẫn còn tập khí ác chưa đoạn hết, nhưng cũng không bị thoái chuyển. Đây là đạo lý gì? Ở trong tâm thức tuy có hạt giống của tập khí phiền não, nhưng vì không có duyên nên nó không khởi hiện hành; nhân phải cộng với duyên thì mới khởi hiện hành, mới kết quả được, nhân mà không có duyên thì sẽ không kết quả. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác duyên, cho nên quả báo ác ở nơi đó thảy đều không có; ở thế gian này của chúng ta có rất nhiều tai nạn, còn thế giới Tây Phương Cực Lạc không có, bởi vậy ở bên đó chỉ có tiến bộ chứ không có thoái chuyển. Sự tiến bộ nhanh hay chậm của mỗi người không như nhau, nhưng chắc chắn sẽ không thoái chuyển. Huống chi người thế giới Tây Phương Cực Lạc ai ai cũng đều là vô lượng thọ, thọ mạng dài lâu, tiến bộ chậm một chút cũng không sao, cũng là một đời thành tựu.

Nói tiến bộ chậm một chút cũng không phải là cảnh giới của phàm phu chúng ta. Tại sao vậy? Bởi vì thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”, chữ “thượng thiện” này cũng có rất nhiều cách nói khác nhau. Chúng ta biết thế giới Tây Phương có bốn cõi, chín phẩm, tiêu chuẩn của mỗi một cõi không giống nhau. Chúng ta nói thấp nhất thì thượng thiện của cõi Phàm thánh đồng cư chính là thập thiện nghiệp đạo; thượng thiện của cõi Thật báo trang nghiêm là Bồ-tát Đẳng giác. Chúng ta có thể thấy tiêu chuẩn của thượng thiện không như nhau. Nhưng thế giới Tây Phương Cực Lạc rất đặc biệt, không giống với các thế giới phương khác, Tây Phương Cực Lạc tuy có bốn cõi nhưng đại chúng của bốn cõi thường xuyên ở cùng nhau, cùng tụ hội một chỗ, đây quả thật là quá thù thắng, là điều mà thế giới mười phương đều không có, chỉ thế giới Tây Phương mới có. Sự thù thắng ở đâu vậy? Thù thắng ở chỗ, chúng ta tuy là người vãng sanh hạ hạ phẩm ở cõi Phàm thánh đồng cư nhưng mỗi ngày có thể cùng các Bồ-tát Đẳng giác, các đại Bồ-tát của cõi Tịch quang và cõi Thật báo, như Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Văn-thù, Phổ Hiền, Di-lặc mà chúng ta quen thuộc, hằng ngày ở cùng một chỗ; ở chung với các ngài, tiếp nhận sự huân tập của các ngài, cho nên chúng ta có thể tưởng tượng mà biết được, sự tiến bộ dù chậm nhất cũng nhanh hơn nhiều so với mười phương thế giới, mười phương thế giới đâu có duyên phận tốt như vậy! Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc mỗi ngày có thể ở cùng với những vị đại Bồ-tát này, được sự giúp đỡ của các ngài, không hay không biết tự nhiên bèn dũng mãnh tinh tấn. Cho nên, thế giới Tây Phương không thoái chuyển, thế giới Tây Phương thành tựu nhanh.

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chúng ta thấy người vãng sanh hạ hạ phẩm của cõi Phàm thánh đồng cư chỉ cần mười hai kiếp là hoa khai kiến Phật. Hoa khai kiến Phật là cảnh giới gì? Là cõi Thật báo. Cõi Phàm thánh đồng cư là phàm phu mang theo nghiệp, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, chỉ cần thời gian mười hai kiếp thì họ có thể chứng đắc địa vị Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo, trong Biệt giáo thì họ đã Đăng địa rồi. Đối với chúng ta thì mười hai kiếp là rất dài, nhưng người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thấy rất ngắn, vì sao vậy? Thọ mạng của họ dài, thọ mạng là vô lượng kiếp thì mười hai kiếp có đáng gì? Cũng như thế gian này của chúng ta, thọ mạng con người là 100 tuổi, thì người của Tây Phương Cực Lạc cảm thấy mười hai kiếp giống như mười hai ngày vậy, bạn mới biết sự thù thắng này. Cho nên, nếu tâm của chúng ta có thể định ở Tây Phương Tịnh Độ, có thể định ở trong câu Phật hiệu này, vậy thì chúc mừng bạn, bạn là chánh định thuần chánh, chánh định thù thắng vô song; lại cộng thêm tâm của bạn định ở thập thiện nghiệp đạo, chúng ta đời này làm người, sinh hoạt, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật, tâm niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều không trái với thập thiện nghiệp thì nhất định được sanh. Đây là “chánh định” của bát chánh đạo được nói trong kinh thập thiện nghiệp đạo. Lời nói ra thì dễ, nhưng thật sự không bị dao động bởi cảnh giới bên ngoài thì mới gọi là định.

Từ đó cho thấy, người chân tu hành hiếm có, thật sự không nhiều. Nguyên nhân gì vậy? Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần tâm liền dao động, định này liền không còn nữa, đây là điều rất đáng tiếc; điều này ở trong Phật pháp gọi là “ma chướng”, ma chướng chính là ngoại duyên không tốt, ngoại duyên đã phá hoại chánh định, chánh tinh tấn của bạn rồi. Mấy ngày gần đây có đồng tu từ Trung Quốc đến nói với tôi, trước đây có không ít người thọ trì bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, nhất tâm niệm Phật, gần đây do bị ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài, có rất nhiều người nói bản hội tập này không đáng tin, không thể học bản này, tín tâm của họ bèn dao động, thoái chuyển rồi, đây là do không có chánh định. Họ không học bản hội tập, mà hiện nay họ đề xướng bản của Khang Tăng Khải, không sai. Nói thật ra, kinh Vô Lượng Thọ hiện nay có chín loại phiên bản, bất luận thọ trì phiên bản nào cũng đều có thể vãng sanh, tuyệt đối không phải nói bản nào đó có thể vãng sanh, bản nào đó không thể vãng sanh, điều này nhất định là sai lầm.

Chúng ta đối với chín loại bản này rốt cuộc lựa chọn như thế nào? Nói thật ra, lão cư sĩ Hạ Liên Cư khi hội tập bản này, lão cư sĩ Mai Quang Hy đã nói rất rõ ràng ở trong lời tựa, tuyệt đối không phải yêu cầu mọi người thảy đều học bản hội tập của ông, không phải vậy, ông không có ý này, ông chẳng qua là dùng bản này để phát động mọi người hết lòng học kinh Vô Lượng Thọ. Tại sao dùng bản này để phát động vậy? Kinh Vô Lượng Thọ có năm bản dịch gốc, văn tự phiên dịch của mỗi một bản đều có một phần rất khó đọc, chúng ta đọc không trôi chảy, ý nghĩa thật sự phải cần có người giảng giải thì mới hiểu được, không có người giảng giải thì chúng ta sẽ đọc không rõ ràng. Ngài hội tập bản này, cái hay là văn tự lưu loát, chúng ta đọc rất trôi chảy, nghĩa lý rõ ràng, không cần người giảng, chúng ta đọc xong đều có thể hiểu ý nghĩa của nó, cái hay là ở chỗ này; bản này thật sự phù hợp với nguyên tắc làm văn chương trước đây của người Trung Quốc, đó là: giản, yếu, tường, minh, bản hội tập của ngài làm được bốn chữ này, đơn giản, chính yếu, tường tận, rõ ràng. Dùng bốn chữ này làm tiêu chuẩn để đánh giá chín loại bản dịch, vậy thì bản này của ngài là số một. Chúng tôi dựa vào đâu để chọn lấy bản của ngài? Dựa vào bốn chữ “giản, yếu, tường, minh” mà chọn lấy bản hội tập này.

Ngày nay ở hải ngoại, hầu như mọi người đều thọ trì bản này, người được lợi ích từ bản này quá nhiều, quá nhiều. Chướng duyên ở hải ngoại ít, chướng duyên ở trong nước thì nhiều và nghiêm trọng. Thế nhưng bất luận chướng ngại như thế nào, chân lý cuối cùng vẫn là chân lý, chánh pháp cuối cùng vẫn là chánh pháp, bạn có thể chướng ngại 30 năm, 50 năm, thậm chí là 100 năm, nhưng tôi tin tưởng chắc chắn người đời sau vẫn đọc bản hội tập này. Tại sao vậy? Vì bản này dễ đọc, cho nên họ không có cách gì chướng ngại một vạn năm, họ không có khả năng này. Người chướng ngại có dụng tâm thế nào? Nếu như tâm của họ không thuần chánh thì nhất định đọa lạc; vì đây là phá hoại chánh niệm của người khác, chắc chắn đọa lạc. Tôi cũng đã từng nghĩ đến, đồng tu đại lục thích bản của Khang Tăng Khải, phản đối bản hội tập này, vậy chúng tôi tìm một thời gian, đem bản của Khang Tăng Khải giảng kỹ một lần, để lưu hành đến Trung Quốc đại lục; đây là việc tốt, bạn thích cái gì thì chúng tôi sẽ giảng cho bạn cái đó. Người thích bản hội tập thì học bản hội tập, thích bản của Khang Tăng Khải thì học bản của Khang Tăng Khải, đều tốt cả. Điều quan trọng nhất, mấu chốt của việc có thể thành tựu hay không là tâm bạn có định hay không, đây mới là mấu chốt thật sự.

Kinh giáo tuyệt đối không phải đọc qua là có thể thành tựu, không có đạo lý này, “nói được mà không làm được thì không phải là trí tuệ chân thật”. Nói được mà không làm được thì chẳng liên quan gì đến việc dứt sinh tử, ra khỏi tam giới, chẳng qua chỉ là khẩu thiện mà thôi, không thể vãng sanh. Thật sự muốn vãng sanh, trước đây tôi đã nói rất nhiều lần trong lúc giảng kinh, tôi nói ba bậc chín phẩm là do nhân gì tạo thành? Cách giảng của tôi không giống với cách nói của tổ sư đại đức xưa nay. Cách nói của tôi là, chúng ta đem giáo nghĩa của kinh Vô Lượng Thọ hoàn toàn đều làm được, điều mà Phật ở trong kinh giáo bảo chúng ta làm, chúng ta thảy đều làm được; điều mà Phật dạy chúng ta không được làm, chúng ta nhất định không được vi phạm một điều nào, vậy người này là vãng sanh thượng thượng phẩm. Nếu họ chỉ có thể làm được 90%, còn có 10% chưa thể làm được, vậy người này là vãng sanh thượng trung phẩm; giả như họ chỉ có thể làm được 80%, còn 20% chưa thể làm được, đây là thượng phẩm hạ sanh. Từ đây bạn hạ dần xuống, hạ xuống đến vãng sanh hạ hạ phẩm thì cũng phải làm được 20%; nếu 20% mà cũng không thể làm được thì không thể vãng sanh. Tôi dùng phương pháp này giảng, các bạn nghe rồi cảm thấy có đạo lý hay không? Phật dạy chúng ta tu hành, tức là phải “hành”! Nếu không thể ứng dụng kinh giáo vào hành vi đời sống của chính mình, vậy thì có lợi ích gì? Chỉ nói suông thôi. Khẩu thì thiện nhưng tâm bất thiện, hạnh bất thiện thì chắc chắn không thể vãng sanh. Cho nên, tâm phải định ở trong pháp môn mình tu, tâm phải định ở trong thập thiện nghiệp đạo. Nếu chúng ta đem tâm định vào thập thiện nghiệp đạo mà không cầu sanh Tịnh độ thì tương lai bạn nhất định sanh thiên hưởng phước trời, thập thiện thượng phẩm thì sanh thiên, đây là điều chắc chắn. Tốt rồi, chúng ta giảng đến đây.


/ 149