/ 149
160

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 25/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 128

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay chúng ta tiếp tục xem điều thứ sáu của thất giác chi là “định giác chi”, “lúc phát các tam-muội liền khéo có thể hiểu rõ các sự hư giả trong thiền định, không sanh kiến ái”. Sự giải thích này nói được rất hay. “Định” là tổng cương lĩnh tu hành, mấu chốt tu hành của Phật giáo chúng ta, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều là tu thiền định, các vị cần phải biết việc này. Pháp môn khác nhau chính là phương pháp tu thiền định khác nhau, tuy phương thức tu thiền định khác nhau nhưng mục đích là hoàn toàn như nhau. Hiện tại chúng ta dùng “trì danh niệm Phật”, đây là phương pháp, đây là phương thức, mục đích là tu thiền định; trong Tịnh độ không gọi là thiền định, mà gọi là “nhất tâm bất loạn”. Các bạn thử nghĩ xem, “nhất tâm bất loạn” chẳng phải là thiền định hay sao? Tên gọi không như nhau nhưng sự thật thì hoàn toàn giống nhau. Công phu của định có sâu cạn khác biệt, sự khác biệt này rất lớn.

Lấy Tịnh độ mà nói, bắt đầu từ “công phu thành phiến”, công phu thành phiến là thiền định thấp nhất. Như thế nào thì gọi là công phu thành phiến? Không bị cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu, cổ đức gọi là “chính mình làm chủ được”, đây là vừa mới bắt đầu làm chủ được; sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần không bị cảnh giới sáu trần nhiễu loạn, đây gọi là làm chủ được. Hay nói cách khác, sáu căn của chúng ta, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, khi tiếp xúc cảnh giới thì không bị cảnh giới xoay chuyển, ở trong cảnh giới sẽ không khởi tham sân si mạn, sẽ không khởi thất tình ngũ dục, đây gọi là làm chủ được. Quý vị phải biết, đây là thiền định thấp nhất, chính là công phu của chúng ta đắc lực, trong Tịnh độ tông gọi là công phu thành phiến, đạt được công phu này thì khẳng định vãng sanh. Cho nên chúng ta phải ghi nhớ, nếu như căn và trần của chúng ta tiếp xúc với nhau mà còn bị ảnh hưởng bởi cảnh giới bên ngoài, người khác tán thán ta, ta rất vui mừng; mắng ta mấy câu, ta liền tức giận, như vậy không được rồi, như vậy không làm chủ được. Gió cảnh giới vừa thổi thì bạn lập tức liền dao động, người như vậy niệm Phật không thể vãng sanh, cho dù một ngày niệm một trăm ngàn tiếng, hai trăm ngàn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Vì công phu không thành phiến, chính là công phu không đắc lực, điều này rất quan trọng!

Nếu như nói thiền định cao cấp, thực tế mà nói thì một đời này của chúng ta rất không dễ gì đạt được, đừng nói cái khác, sơ thiền chúng ta cũng không có năng lực đạt được. Cho nên, tu hành Tịnh độ tông dễ hơn so với bất kỳ tông nào, đây là tương đối dễ dàng; nếu Phật hiệu của chúng ta không thể phục được phiền não thì không thể vãng sanh. Phương thức tu hành của Tịnh độ chính là khi căn và trần tiếp xúc nhau, tâm vừa động, cho dù là niệm thiện hay niệm ác, lập tức liền đề khởi Phật hiệu, đánh bạt ý niệm này đi, đây là phương pháp hạ công phu của Tịnh độ tông. Khi ý niệm vừa khởi, người xưa nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Đến khi bạn không khởi ý niệm nữa thì bạn thành công, bạn không còn là phàm phu nữa, bạn đã là Phật Bồ-tát rồi; phàm phu thì chắc chắn khởi ý niệm, ý niệm vừa khởi thì liền đề khởi câu Phật hiệu, đây chính là giác, Phật hiệu chính là giác, đem vọng niệm này đổi đi. Trong thuận cảnh khởi tâm hoan hỷ, đem tâm hoan hỷ này đổi đi; trong nghịch cảnh khởi tâm sân giận, đem ý niệm sân giận này đổi đi, thảy đều đổi thành câu Phật hiệu, đây gọi là thật niệm Phật, biết niệm Phật! Cho nên dùng công phu ở chỗ nào? Dùng ở chỗ khởi tâm động niệm. Dùng đến lúc mà tất cả vọng niệm đều không khởi, đây chính là “lúc phát các tam-muội”. Tam-muội là tiếng Ấn Độ, dịch thành nghĩa Trung Quốc là chánh thọ, tức là hưởng thụ bình thường, cũng dịch là thiền định, cho nên thiền định là hưởng thụ bình thường.

Hai chữ “thiền định” này, đại sư Huệ Năng nói rất rõ ràng, cách nói của ngài hoàn toàn căn cứ theo những gì kinh Kim Cang nói: “Không chấp vào tướng, như như bất động.” Không chấp vào tướng là thiền, nói theo hiện nay thì không chấp vào tướng là quyết không bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn, đây gọi là thiền; bên trong quyết không khởi tâm động niệm, đây gọi là định. Vĩnh viễn gìn giữ được bên ngoài lìa tướng, bên trong không động tâm, cảnh giới này hiện tiền thì gọi là “lúc phát các tam-muội”. Vào lúc này phải “khéo có thể biết rõ các sự hư giả trong thiền định”. Thế Tôn nói với chúng ta, thế gian có tám loại thiền định, đây là tám tầng thứ sâu cạn khác nhau. Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, lại hướng lên trên gọi là tứ không định, hợp lại gọi là “tứ thiền, bát định”. Trong bát định bao gồm tứ thiền, không phải bên ngoài tứ thiền còn có bát định, không phải vậy. Đây là phần lớn, còn phần chi tiết thì rất nhiều. Trong sơ thiền, tầng thứ công phu mỗi mỗi không giống nhau, người chân thật dụng công, cảnh giới mỗi năm không như nhau, cảnh giới mỗi tháng không như nhau, cảnh giới mỗi ngày không như nhau, bạn liền hiểu được tầng thứ của thiền định phức tạp đến như vậy; phương pháp, phương thức để dùng thì vô lượng vô biên, cho nên gọi là vô lượng pháp môn, chúng ta phải biết những sự thật này. Thiền định là phương thức, không phải mục đích, cho nên nó cũng là pháp phương tiện, chứ không phải là pháp rốt ráo, quý vị nhất định phải hiểu. Bạn phải “biết rõ các sự hư giả trong thiền định”.

/ 149