PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 26/03/2001
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 129
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem điều sau cùng của thất giác chi là “xả giác chi”, “lúc xả cảnh giới sở duyên, khéo có thể biết rõ lấy và xả những thứ hư ngụy, không sanh khởi lưu luyến, nhớ tưởng”. “Xả” là buông xuống, cũng chính là buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đối với tất cả pháp thế xuất thế gian. Ý nghĩa của câu nói này chúng ta nhất định phải nghe cho rõ ràng, đây không phải là buông xuống trên sự tướng, mà là buông xuống ở trong tâm. Phật pháp dạy người mới học, thường cũng là dạy họ buông xuống từ trên sự tướng, vì sao vậy? Vì đây là phàm phu, tập nhiễm quá nặng, tâm chuyển theo cảnh, đây là phàm phu, cho nên sự tướng là cảnh, cũng cần phải buông xuống. Phật chế định cho chúng ta giới cấm, cấm chỉ không cho phép làm, như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thêm vào chữ “không”, đó chính là đều buông xuống từ trên sự. Vì sao vậy? Vì tâm của bạn không làm chủ được ở trong cảnh giới, bạn sẽ bị cảnh giới xoay chuyển, vậy thì phải buông xuống.
Nếu chính mình có công phu tương đối, chúng ta thông thường gọi là thiền định, bạn có công phu định lực tương đối thì bạn sẽ không bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, thì sẽ không có những giới luật này; không phải không có giới luật, mà là giới luật viên mãn rồi. Cảnh giới viên mãn là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Vì sao vậy? Họ không bị cảnh chuyển; cảnh không trở ngại tâm, tâm cũng không trở ngại cảnh. Đây là trình độ gì? Trên kinh Đại thừa nói đây là cảnh giới của pháp thân Bồ-tát, cảnh giới không chướng ngại. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, sau đó bạn mới biết được phải nên học Phật như thế nào, phải nên trì giới như thế nào, trong tâm của chính mình sẽ hiểu rõ. Chúng ta thấy sắc, nghe tiếng vẫn động tâm, vẫn khởi niệm, vậy thì cần phải nghiêm trì giới cấm của Phật, nhất định sẽ có lợi ích đối với chính mình. Đến cảnh giới của pháp thân đại sĩ, thật sự đến được cảnh giới không chướng ngại thì tuyệt đối sẽ không khởi một ý niệm tổn hại chúng sanh, cho nên giới không sát sanh của họ viên mãn rồi; chắc chắn sẽ không có ý niệm chiếm tiện nghi của người khác, nhất định không có, giới không trộm cắp của họ viên mãn rồi; nhất định sẽ không có ý niệm xâm phạm người khác, giới không dâm dục của họ viên mãn rồi. Họ ở trong cảnh giới này đích thực là không khởi tâm, không động niệm, hiển hiện ra là đại từ đại bi, tâm đại từ bi này tràn đầy hư không pháp giới, đây là pháp thân Bồ-tát. Chúng ta ngày nay chưa đến được cảnh giới này, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài vẫn khởi tâm động niệm, vậy thì biết được công phu của chính mình chưa được. Vẫn là bị tập khí trói buộc, không được tự tại, vì vậy bạn nhất định phải nghiêm trì giới cấm, dần dần nâng cao công phu của chính mình, đây là chính xác.
Điều sau cùng của thất giác chi là “xả”. “Lúc xả cảnh giới sở duyên”, năng duyên là căn thân của chúng ta, sở duyên là cảnh giới sáu trần, người sơ học nhất định phải từ đây mà hạ công phu; khi xả tất cả cảnh giới, chúng ta gọi là “buông xuống”. Bắt đầu buông xuống từ chỗ nào? Trước tiên buông xuống tự tư tự lợi, đây chính là buông xuống tướng ta; trong tướng ta thì nghiêm trọng nhất chính là tự tư tự lợi, cho nên nhất định phải buông xuống thứ này. “Việc ta làm đây là lợi ích tất cả chúng sanh!” Lợi ích tất cả chúng sanh cũng phải buông xuống, hoằng pháp lợi sanh là lợi ích chúng sanh, bạn phải buông xuống hay không? Nếu bạn không buông xuống thì tâm của bạn là tâm luân hồi, thứ tạo ra là nghiệp luân hồi; nếu nghiệp luân hồi này là nghiệp thiện thì quả báo ở ba đường thiện, không ra khỏi sáu cõi. Buông xuống thì mới có thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, đây là phá chấp ta, chúng ta nhất định phải hiểu được đạo lý này. Tâm của bạn rất từ bi, là tâm tốt, “ta muốn giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này, muốn cố gắng đem Phật pháp hoằng dương rộng khắp”. Tốt, đây là việc tốt, thế nhưng không tương ưng với tâm tánh. Cho nên bạn nhất định phải hiểu rõ: Ta thảy đều buông xuống thì sự việc hoằng pháp lợi sanh có người làm hay không? Có! Chư Phật Bồ-tát sẽ tái lai. Ta phải nhanh chóng đi làm Phật, đi làm Bồ-tát, việc này là quan trọng, nhất định phải hiểu đạo lý này. Chư Phật Bồ-tát đại từ đại bi, làm gì thấy những chúng sanh khổ nạn này mà không cứu độ cho được? Hà tất nhất định nói là việc này không có ta thì không được, ta không làm thì không có người làm, làm gì có đạo lý này! Đây là mê quá sâu, cho nên có rất nhiều nguyên nhân không thể buông xuống là ở chỗ này.