/ 149
55

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 18/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 127

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay, chúng ta tiếp tục xem điều thứ năm của thất giác chi là “khinh an giác chi”, “đoạn trừ nghiệp thô trọng của thân và miệng, cũng là diệt trừ các kiến hoặc phiền não, cũng gọi là rất nhu thuận mà không cường bạo vậy”. “Khinh an” ở đây được nêu ra với ba ví dụ. Phật pháp chúng ta thông thường nói pháp hỷ sung mãn, khinh an chính là pháp hỷ sung mãn. Trong Luận Ngữ nói “bất diệc duyệt hồ” (chẳng phải vui lắm sao), chẳng phải vui lắm sao chính là cảnh giới của khinh an. Trong kinh điển cũng thường có câu “thường sanh tâm hoan hỷ”, đây đều thuộc về khinh an, đều thuộc về hiện tượng công phu đắc lực. Bạn tu hành công phu đắc lực rồi thì bạn nhất định sẽ đạt được khinh an, chúng ta nói là “rất an vui”, niềm an vui này không phải đến từ bên ngoài. Người Trung Quốc xưa chúng ta dùng từ ngữ thì có phân biệt, niềm an vui đến từ bên ngoài thì gọi là “lạc”; không phải đến từ bên ngoài, mà từ công phu trong nội tâm hiển lộ ra thì gọi là “duyệt”. Cho nên duyệt và lạc xem ra dường như giống nhau, nhưng trên thực tế thì gốc của nó không như nhau; duyệt là từ trong nội tâm phát ra, lạc là từ bên ngoài đến, bạn bè tốt cùng tụ hội, lạc là đến từ cảnh giới bên ngoài, cái này có khác biệt. Cho nên nói: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” (Có bạn từ phương xa đến, chẳng phải vui lắm sao?) Đây là bạn bè chí đồng đạo hợp, nhất là từ rất lâu không gặp mặt, đến thăm hỏi là một việc vô cùng vui vẻ, đây là chuyện vui của đời người, đến từ cảnh giới bên ngoài. Khinh an không phải như vậy, mà từ trong nội tâm sanh ra, chân thật là thường sanh tâm hoan hỷ.

Làm thế nào mới có thể đạt được khinh an? Ba thí dụ này đều hay. Thứ nhất là thân và khẩu, phiền não thô trọng của thân nghiệp và khẩu nghiệp trong ba nghiệp đã lìa khỏi rồi; hay nói cách khác, đã lìa khỏi bốn lỗi lầm của miệng rồi, tuy chưa đoạn sạch gốc nhưng ít nhất nó không khởi hiện hành, bạn liền có thể được khinh an, liền có thể được hỷ duyệt. Chân thật làm được không vọng ngữ, không lừa gạt người khác, đương nhiên cũng sẽ không lừa gạt chính mình. Người thế gian tạo nghiệp nặng nhất cũng không ngoài việc lừa mình dối người, như vậy đã phạm điều đầu tiên của khẩu nghiệp. Sự an vui thật sự của đời người, Tư Mã Quang nói rất hay, cả đời ông đã làm được, “không có việc gì chẳng thể nói với người”. Tâm địa của ông chánh đại quang minh như vậy, những việc ông đã làm cả đời, không có việc nào mà không thể nói cho người khác biết, bạn nghĩ xem ông an vui biết bao! Nếu bạn làm những việc mà không thể công khai với người khác, không dám nói với người khác, trong tâm của bạn khổ biết bao! Bạn làm sao có được hỷ duyệt? Nho và Phật đều nói đại đạo lý này cho chúng ta.

Thế nên chúng ta tu hành, điều đầu tiên là không được lừa mình, không được dối gạt người khác, từ đây mà bắt tay làm. Kinh Vô Lượng Thọ nói “khéo giữ ba nghiệp”, câu thứ nhất chính là “khéo giữ khẩu nghiệp”. Không nói theo thứ tự thân khẩu ý, mà nói đảo ngược thứ tự, đầu tiên là nói khẩu nghiệp, ý nghĩa này rất sâu xa! Bởi vì thân khẩu ý tạo nghiệp, thì khẩu nghiệp dễ tạo nhất, tạo nghiệp nhiều nhất, nghiêm trọng nhất, cho nên Phật đem nó để ở điều thứ nhất. Chúng ta phải hiểu được ý của Phật, phải biết được từ đâu mà khởi tu, đầu tiên là “không lừa mình, không dối người”.

Thứ hai là “không nói ly gián”, quyết không khiêu khích thị phi. Ở trước mặt A thì nói B sai, ở trước mặt B thì nói A sai, nhất định không được như vậy, gây tổn hại nhất cho đức tánh, rất nhiều tội nghiệp cực nặng đều từ chỗ này mà sanh ra. Cho nên, chúng ta nhất định phải phòng ngừa việc nói chuyện tầm phào, chuyện riêng tư của người khác không những không được nghe ngóng, mà tốt nhất là ngay đến nghe cũng đừng nghe. Tôi không muốn nghe, nhưng người khác cứ đến nói với tôi, vậy phải làm sao? Bạn cũng không thể bảo họ đừng nói, điểm này mọi người phải học bản lĩnh của bà Hứa Triết. Việc mà bà Hứa Triết làm chính là chư Phật Bồ-tát đã làm, bản lĩnh này là gì? “Nghe mà như không nghe”, công phu cao lắm đó, bạn nói tôi đều nghe, tôi cũng gật đầu, nhưng một chữ cũng không lọt vào tai, đây là công phu chân thật. Thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe.

/ 149