/ 149
166

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 17/02/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 119

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, chúng tôi đã giảng xong phần thực hành thập thiện vào trong ngũ căn. Trong đoạn này, đặc biệt vào thời đại hiện nay, chúng ta học tập có cảm xúc rất sâu. Pháp thế xuất thế gian nếu như không có căn thì chắc chắn không thể nào thành tựu. Thực vật không có rễ thì không thể sinh trưởng, người tu đạo chúng ta nếu không có căn thì làm sao có thể thành tựu đạo nghiệp? Chúng ta tỉ mỉ quan sát thế giới hiện nay, cũng chính là nói địa cầu này, bất luận là phương Đông, phương Tây, trong nước, ngoài nước, chúng ta bình lặng mà quan sát tư duy, hiện tại lòng người không có gốc, cho nên xã hội động loạn, tai họa liên miên, lòng người không có chỗ quay về, không có nơi nương tựa! Có thể nói là lòng người hoang mang. Bất luận làm nghề nghiệp gì, trải qua đời sống như thế nào, ở địa vị ra sao, đều không có cảm giác an toàn, pháp thế xuất thế gian đều như vậy, điều này rất đáng lo lắng. 

Chúng ta sinh vào thời đại này, động loạn bất an, làm thế nào cầu chính mình được tâm an? Đây là điều quan trọng nhất. Làm sao tâm có thể an? Ngạn ngữ nói rất hay: “Lý đắc, tâm an.” Có được đạo lý rồi thì tâm của bạn liền an. Bất luận xã hội động loạn thế nào, tâm của bạn không động, mọi người bất an nhưng bạn vẫn an ổn. Vì sao vậy? Vì bạn đã rõ lý, thuật ngữ trong Phật pháp gọi là “bạn đắc đạo rồi”. Đạo chính là lý, lý chính là đạo, bạn đắc đạo rồi thì tâm bạn mới an. Đạo lý này là gì vậy? Đơn giản mà nói, đó chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, trong kinh Bát-nhã của Phật pháp thường gọi là thật tướng các pháp. Chỉ cần bạn thấy được rõ ràng, thấy được tường tận thật tướng các pháp thì tâm của bạn liền an, bất luận ở nơi nào thì bạn vẫn luôn an định. Tâm an định thì sanh trí tuệ, chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết vấn đề. Cho nên trong cửa Phật có hộ pháp thiên vương, ý nghĩa biểu pháp của Tây Phương thiên vương (Tây Phương là Quảng Mục thiên vương), quấn trên tay trái là con rồng, hoặc là rắn, rồng và rắn đại biểu cho sự biến hóa; tay phải cầm hạt châu, châu chính là lý, là đạo, họ đã nắm giữ được rồi, ở trong sự xao động họ giữ được như như bất động, bản thân họ có thể làm chủ tể. 

Thiên vương dạy chúng ta học tập, làm thế nào chúng ta có thể thấy được lý, thấy được chân tướng sự thật? Thực tế mà nói, chúng ta vốn dĩ thấu tỏ chân tướng sự thật. Phật pháp gọi là “minh tâm”, là vốn dĩ thấu tỏ. Vốn dĩ thấu tỏ nhưng hiện tại vì sao không thấu tỏ? Không thấu tỏ thì gọi là “vô minh”. Vốn dĩ là đã thấu tỏ, hiện nay vì sao không thấu tỏ? Phật nói như vậy, nhà Nho cũng có cách nói như vậy. Bạn thấy nhà Nho nói “minh minh đức” (làm sáng tỏ minh đức). Chúng ta vốn dĩ là “minh đức”, hiện nay phía trước “minh đức” còn thêm vào một chữ “minh”, chính là nói minh đức mà bạn vốn có hiện nay không minh nữa rồi, cần phải khôi phục lại minh đức của bạn, nên gọi là “minh minh đức”. Do đây có thể biết, đạo của Nho và Phật là một, không phải là hai. Trong các tôn giáo khác cũng có nói đến, nhưng không nói rõ ràng, không nói tường tận đến như vậy, ý nghĩa đều có, nhưng chúng ta phải có thể nhìn ra được. Ngày nay chúng ta dụng công phu, chân thật mà nói phải đạt đến lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ thì chúng ta mới xem là có thành tựu. Nếu không đạt được cảnh giới này thì không xem là thành tựu. Nếu không đạt được cảnh giới này mà muốn dứt sanh tử, ra khỏi tam giới thì chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Ngoài pháp môn này ra thì không có con đường thứ hai có thể đi. 

Thế nhưng, người niệm Phật một đời thành tựu, quyết không phải ngẫu nhiên, trong kinh đã nói rất rõ ràng: “Không thể ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về nước kia.” Do đây có thể biết, những người mà trong đời này, cái gì họ cũng không hiểu, mơ mơ hồ hồ, nhưng họ niệm Phật có thể vãng sanh, đây là do nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ họ đã tích lũy nhiều thiện căn phước đức nhân duyên, tích lũy không ít nên họ mới có thể thành tựu. Người có thiện căn phước đức nhân duyên ít, dẫu gặp được pháp môn này, họ cũng không tin tưởng, họ hoài nghi, không thể tiếp nhận, vẫn luống uổng như cũ. Cho nên chúng ta biết được, người tiếp nhận pháp môn này, hoan hỷ với pháp môn này thì chúng ta biết đây là người rất cừ khôi, không phải người thông thường. Lời nói này không phải chúng tôi nói, là lời Phật nói ở trong kinh. Cho nên đời này họ gặp được Tịnh độ, niệm Phật vãng sanh cũng không phải là ngẫu nhiên. Do vậy, người mà cho dù gặp được, thấy được, nghe được pháp môn này nhưng không tin tưởng, thậm chí hủy báng, bài xích, vậy thì trong tâm của chúng ta rất rõ ràng, do nguyên nhân gì vậy? Do thiện căn, phước đức, nhân duyên của họ không đủ, họ vẫn phải tu rất nhiều kiếp nữa.

/ 149