PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 25/02/2001
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 120
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ ba từ dưới lên:
Ngũ lực trang nghiêm nên mọi oán diệt hết, không gì hoại được.
Phía trước đã nói qua “ngũ căn”, ngũ căn tăng trưởng bèn sanh ra sức mạnh, cho nên gọi là ngũ lực. Tên gọi của năm điều này tương đồng với ngũ căn là: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Chúng ta đều phải có trình độ nhận biết tương đối về mỗi một điều, lại phải hết lòng nỗ lực mà học tập, như vậy mới có thể đạt được thọ dụng. Điều thứ nhất là “tín căn”. Tài liệu giảng dạy mà hiện tại tôi ở đây giới thiệu với các vị là lấy từ Giáo thừa pháp số. Gần đây hình như Giáo thừa pháp số đã được in ra rồi, sách in ra rất lý tưởng, các đồng tu mỗi một người đều có thể lấy một bộ. Chỉ có điều thứ tự trình bày ở phần đầu kém một chút, đây là vì ban đầu tôi không chú ý đến, đều là do xưởng in làm. Một quyển sách vừa mở ra, thiên thứ nhất phải là lời tựa, đó là lời tựa của Ung Chính, nên dùng màu đỏ để in, thiên này phải để ở phía trước, sau lời tựa mới là phần mục lục. Hiện nay tôi xem thấy quyển này là mục lục xếp ở trước, lời tựa xếp ở phía sau, thứ tự này bị đảo lộn rồi. Những điều như vậy thuộc về thường thức, chúng ta phải nên biết, người đọc sách làm gì không có thường thức này? Vậy thì nói không thông. Hiện tại số lượng in ra không nhiều, chỉ có một ngàn quyển để chúng ta dùng, không lưu thông bên ngoài. Mọi người cần phải biết, về sau khi muốn in sách thì phải lưu ý, đừng để người khác nhìn thấy cười.
Điều thứ nhất của ngũ căn là “tín căn”, thứ hai là “tấn căn”, tiếp theo là “niệm, định, tuệ”. Tín căn tăng trưởng thì trở thành lực. Giải thích của tín lực là “tín căn tăng trưởng thì có thể phá nghi chướng”, tín thì không hoài nghi. Ngày nay tín của chúng ta có lực hay không? Không có lực. Chẳng những không có lực, có lẽ ngay đến căn đều không có. Chúng ta đối với tất cả pháp thế xuất thế gian đều hoài nghi thì sao có thể thành tựu được? Người xưa nói rất hay, thế nhưng chúng ta không tin tưởng. Bạn xem, ngày nay thế giới này động loạn, lòng người hư hoại, chưa từng có trong lịch sử, tương lai trong lịch sử thì đây là thời kỳ đại loạn. Căn nguyên của động loạn là do đâu? Nếu không tìm ra nhân tố, không tiêu trừ được căn nguyên của động loạn thì xã hội này làm sao an định, thế giới làm sao có hòa bình?
Căn nguyên này, một câu nói của người xưa đã nói ra, chúng ta chẳng những không tin tưởng, mà mỗi ngày đọc lời nói này cũng không ngờ đến. Trung Quốc thời cổ đại, trẻ nhỏ học Tam Tự Kinh, câu thứ nhất của Tam Tự Kinh chính là căn bản để trị loạn của thế gian. Ai tin tưởng? Đó đều là lời giáo huấn tinh yếu của bậc thánh hiền được trích lục ra, đó là tinh hoa. “Người ban đầu, tánh vốn thiện. Tánh gần nhau, tập xa nhau”, đây chẳng phải đã đem căn nguyên của trị loạn nói ra hết rồi sao? Thiện của tánh vốn thiện không phải là thiện của thiện ác, thiện này rời xa hai bên, trung đạo chẳng lập, đây gọi là chí thiện, là chân thiện, là tánh đức viên mãn. Cho nên nói “tánh gần nhau”, tánh đó là giống nhau, bổn tánh của tất cả chúng sanh đều như nhau, trong bổn tánh có đầy đủ trí tuệ viên mãn, đầy đủ đức năng viên mãn, cho nên “sanh Phật không hai”, chúng sanh và Phật không hề khác biệt chút nào. Tại vì sao có khác biệt? Câu tiếp theo là “tập xa nhau”, tập là tập quán, đó là tập tánh, không phải bổn tánh, tập tánh thì không giống nhau. Gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đây là tập tánh.
Bởi vậy, con người không thể không tiếp nhận giáo dục. Mục đích của giáo dục là gì? Mục đích của giáo dục là dạy chúng ta thân cận thánh hiền. Tập tánh của chúng ta nếu như thân cận thánh hiền thì không hay không biết con người cũng trở thành thánh hiền, đây là sự hun đúc của giáo dục. Chúng ta mỗi ngày ở chung với Phật, không hay không biết bèn thành Phật. Mỗi ngày ở chung với Bồ-tát, không hay không biết bèn thành Bồ-tát. Mỗi ngày ở chung với ác đạo thì cũng không hay không biết biến thành ác đạo. Cõi quỷ là tâm tham, địa ngục là sân giận, súc sanh là ngu si, ngày ngày ở chung với họ thì sẽ nhiễm tham sân si, sẽ biến thành ác đạo. Giáo dục rất quan trọng! Chúng ta nhìn thấy giáo dục trong xã hội ngày nay. Ở nhà thì cha mẹ dạy những gì? Ở trường học, thầy cô giáo dạy những gì? Trong xã hội, bạn hằng ngày xem báo chí, tạp chí, truyền hình, phim ảnh, đây là giáo dục xã hội, những thứ này dạy bạn cái gì? Lại xem qua tôn giáo, tôn giáo là giáo dục thánh hiền, hiện tại trong tôn giáo dạy những gì? Chúng ta liền biết được, liền tìm ra được căn nguyên động loạn của thế gian này. Đối trị thì phải từ nơi gốc rễ mà bắt tay vào, hóa ra đây là vấn đề của giáo dục! Chúng tôi trong lúc giảng kinh thường nói, đây không phải vấn đề chính trị, chính trị không giải quyết được; đây cũng không phải là vấn đề quân sự, vũ lực không giải quyết được; đây cũng không phải là vấn đề kinh tế, cũng không phải là vấn đề khoa học kỹ thuật, đều không thể giải quyết được. Là vấn đề gì vậy? Vấn đề giáo dục.