/ 149
172

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/02/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 118

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay, chúng tôi tiếp tục giảng đến câu thứ tư trong ngũ căn: “Vắng lặng điều thuận.” Đây là tác dụng khởi lên từ việc thực hành thập thiện nghiệp vào trong “định căn”, đó chính là vắng lặng điều thuận. Pháp thế xuất thế gian nếu không có “định căn” thì nói theo hiện nay chính là không có chí nguyện kiên định, thế là tâm của họ dao động, đứng núi này trông núi nọ, rất dễ dàng bị sự dụ hoặc của cảnh giới bên ngoài mà dao động tâm chí, như vậy pháp thế xuất thế gian đều không thể thành tựu. Do đó, nói một cách đơn giản thì “định” chính là “trong lòng đã có định liệu”, trong nội tâm của chính mình có chủ tể. Cái chủ tể này không phải là thành kiến, có một số người thành kiến rất sâu, họ cũng sẽ không bị ngoại cảnh bên ngoài dao động, nhưng so với điều chúng ta nói ở đây hoàn toàn không như nhau. Vì sao vậy? Định này của chúng ta là từ tín, tấn, niệm mà sanh ra. Phía trước có tín, tấn, niệm, cho nên định này là chánh định, chắc chắn không phải là tà định; còn loại người thành kiến rất sâu dường như là có sức định, nhưng cái định đó là tà định, không phải chánh định. Chỉ có chánh định mới có thể dựng đại công, lập đại nghiệp, có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, điều này chúng ta cần phải tu học.

Trong Giáo thừa pháp số có cách giải thích thông thường là: “Nhiếp tâm vào chánh trợ, tương ưng không tán loạn”, đây là cách giải thích thông thường. Kinh văn chỗ này nói với chúng ta là “vắng lặng điều thuận”. Vắng lặng là tâm địa thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tự nhiên sanh ra tác dụng điều thuận. Điều là tự thọ dụng, thuận là tha thọ dụng, Bồ-tát Phổ Hiền “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, ngày nay vì sao chúng ta không thể hằng thuận chúng sanh? Vì chúng ta không có công phu “vắng lặng điều hòa”. Nói theo hiện nay thì điều là điều hòa, điều chỉnh. Điều chỉnh cái gì? Nói tóm lại là điều chỉnh tất cả phân biệt, chấp trước. Chúng ta không thể tùy thuận chúng sanh, đó là bởi vì chính mình có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu có thể đem những thứ này thảy đều buông xuống hết, điều chỉnh thân tâm của chúng ta rồi thì tương ưng viên mãn với tánh đức. Tánh đức giống như nước vậy, nó có thể tùy theo địa hình, nó không hề có chấp trước, địa hình cong thì nó chảy cong, địa hình thẳng thì nó chảy thẳng, nó nhất định không cố chấp là “ta nhất định phải có cách đi như vậy”, nước không như thế. Nếu có thể điều chỉnh thân tâm của chính mình như vậy thì chúng ta sẽ được đại tự tại. Chung sống với tất cả chúng sanh, thuận cảnh rất tốt, nghịch cảnh cũng rất tốt, thế nào cũng tốt, như vậy mới có thể chân thật làm được hằng thuận chúng sanh; đối với chính mình đều không có chút chướng ngại nào, tâm của chính mình vĩnh viễn là vắng lặng, bất động. 

Chúng ta qua lại với tất cả chúng sanh, tâm của chúng ta dao động, đây là sai lầm lớn! Làm thế nào có thể làm được tâm tịch tĩnh, không động? Trong tâm phải giống như trong Đàn Kinh đã nói: “Xưa nay không một vật.” Không một vật thì đương nhiên là không động. Hiện tại trong tâm của chúng ta có vật, không chỉ là một vật, mà là vô lượng vô biên các thứ linh tinh, cho nên tâm bèn động, không phải tịch tĩnh. Động là vọng tâm, tịch là chân tâm. Tại sao Tông môn nhấn mạnh việc tu định? Không chỉ là Tông môn, mà Phật pháp Đại, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, vô lượng pháp môn (pháp là phương pháp, môn là con đường) cũng chính là nói tuy phương pháp, cách thức không giống nhau, nhưng mục tiêu của nó đều là thiền định. Tịnh độ tông chúng ta là dùng phương pháp chấp trì danh hiệu để tu thiền định, “nhất tâm bất loạn” chính là thiền định. Nếu pháp môn này không tương ưng với giới định tuệ thì khẳng định đó không phải là Phật pháp. Cho nên, chúng ta muốn phân biệt nó có phải là Phật pháp hay không, một phương pháp rất đơn giản là xem nó có tương ưng với giới định tuệ hay không? Tương ưng là Phật pháp, là chánh pháp; không tương ưng thì không phải là Phật pháp, mà là tà pháp. Bất luận một tông phái nào, bất luận một pháp môn nào, đều không hề ngoại lệ. Cho nên tâm phải tịch tĩnh, trong tâm không được có một vật. 

/ 149