/ 149
72

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 15/02/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 117

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ tư, chúng ta đọc kinh văn một lượt: “Ngũ căn trang nghiêm, nên tin sâu kiên cố, tinh cần không biếng nhác, thường không mê mất, vắng lặng điều thuận, đoạn dứt các phiền não.” Hai câu phía trước đã giới thiệu qua với quý vị, hiện tại chúng ta xem từ câu “thường không mê mất”, đây là thành tựu của “niệm căn”. Do đây có thể biết, chúng ta hiện tại thường hay mê hoặc, thường hay quên mất, đây là do nguyên nhân gì? Do niệm này không có gốc, nên nó có hiện tượng này. Chữ “niệm” (念) trong văn tự của Trung Quốc là thuộc về chữ hội ý, trên là chữ “kim” (今), dưới là chữ “tâm” (心), đây chính là “một niệm ngay tức thời” mà trong Phật pháp nói, đây là nghĩa gốc của chữ “niệm”, trong mỗi niệm đều không mất đi. 

Phật nói một niệm thật sự thường không mê mất của phàm phu sáu cõi là gì? Là “ta”, phàm phu sáu cõi mỗi niệm đều không quên cái ta. Cho nên mạt-na thức, thức thứ bảy chính là “chấp ta”, chấp trước kiên cố cái ta, bất luận lúc nào, bất luận nơi đâu, trước giờ chưa từng đoạn dứt ý niệm này. Nếu đoạn ý niệm này rồi thì liền ra khỏi sáu cõi luân hồi, đáng tiếc là chúng ta không thể đoạn ý niệm này. Phật dạy chúng ta chuyển đổi ý niệm này lại. Mà trong tất cả các pháp thì pháp môn niệm Phật là thù thắng nhất, chúng ta đem “ta” đó đổi thành “Phật”, vậy thì đời này nhất định thành tựu. Đừng niệm ta, hãy niệm Phật, cho nên gọi là “pháp môn niệm Phật”. Pháp môn này nói theo nghĩa rộng thì vô lượng pháp môn mà chư Phật Bồ-tát đã nói, không có pháp môn nào không phải là pháp môn niệm Phật, ý nghĩa này là ở trong 53 tham của kinh Hoa Nghiêm. Trong Bát Thập Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham vấn vị tri thức đầu tiên là tỳ-kheo Đức Vân; trong Tứ Thập Hoa Nghiêm thì gọi là tỳ-kheo Kiết Tường Vân, “kiết tường” với “đức” là cùng một ý nghĩa, người phiên dịch dùng danh từ không giống nhau, nhưng đều chỉ cho một người, kiết tường chính là đức, Đức Vân chính là Kiết Tường Vân. Trong kinh, ngài đã nói với chúng ta 21 loại pháp môn niệm Phật. Số 21 này là biểu pháp của Mật tông, ý nghĩa là viên mãn. Cho nên nói, không có pháp môn nào không phải là pháp môn niệm Phật.

Hơn nữa, niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ chỉ là một pháp môn niệm Phật đặc biệt trong tất cả các pháp môn niệm Phật, đây là Thế Tôn lựa chọn cho chúng ta, giúp chúng ta trong một đời được thành tựu viên mãn. Đạo lý này rất sâu, thế nhưng tuyệt nhiên không khó hiểu. Chúng ta đọc rất nhiều kinh điển, ấn tượng cũng tương đối sâu sắc, Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Vậy tại sao chúng ta không tưởng Phật? Tại sao không niệm Phật? Tại sao chúng ta vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước khác? Chúng ta sai chính là sai ở chỗ này. Phật dạy chúng ta phải nhìn thấu. Cái gọi là “nhìn thấu” chính là thông đạt tường tận về chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đây gọi là nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu thì bạn mới có thể buông xuống. Buông xuống cái gì? Buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tâm của chúng ta bèn khôi phục được chân tâm, Tông môn nói đây là cảnh giới “minh tâm kiến tánh” đã hiện tiền, kiến tánh chính là Phật. Do đây có thể biết, phiền phức lớn nhất, chướng ngại lớn nhất, kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là bên ngoài, mà là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình. Những thứ bên ngoài không đáng sợ, những thứ này mới chân thật đáng sợ, chánh niệm của chúng ta không thể hiện tiền, đều là do những thứ này nhiễu loạn, chướng ngại.

Loại người nào trong đời này chắc chắn thành tựu, có thành tựu không thể nghĩ bàn vậy? Từ trong kinh nghiệm của người xưa, chúng ta thể hội được rằng, người mà trong 24 tiếng đồng hồ ngoài một câu “A-di-đà Phật” ra, nhất định không có một tạp niệm nào, vậy thì người này thành công. Đối với cảnh giới hiện tiền của chúng ta mà nói, ngoài một niệm “A-di-đà Phật” ra, các thứ khác toàn là vọng niệm! Cho nên, niệm Phật đường của tổ sư chỉ có một câu Phật hiệu, trong niệm Phật đường không có giảng kinh, quyết không có xen tạp, chân thật là “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, vậy thì thành công. Đạo tràng này là đạo tràng đệ nhất thế gian, tức là chỉ một câu Phật hiệu. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều niệm Phật đường, có một số lão hòa thượng rất là từ bi, họ cũng biết xây niệm Phật đường để thành tựu mọi người, nhưng vì sao không làm được nhất tâm xưng niệm? Trong niệm Phật đường, không những là thanh chúng, mà ngay cả chấp sự trong đó, thậm chí đến đường chủ, đều vẫn xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, niệm Phật đường này không thể thành công, nguyên nhân là ở chỗ này. Cho nên, niệm Phật đường không phải người thông thường có thể bước vào, người thông thường bước vào là kết duyên, phương tiện kết duyên, không phải chân thật dụng công. Chân thật dụng công thì trong Tông môn gọi là “trường tuyển Phật”, niệm Phật đường của Tịnh Tông là “thành Phật đường”, bạn đến nơi đó để thành Phật. Bạn hãy quan sát kỹ, những người bước vào đó có giống Phật hay không? Từ những chỗ này chúng ta mới thể hội được sự thù thắng của loại đạo tràng này, sự trang nghiêm của đạo tràng, bản chất của đạo tràng. 

/ 149