/ 149
193

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 28/11/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 108


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ ba: “Thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm khinh an, vui vẻ.” Hôm qua đã giảng cho quý vị điều thứ nhất của tứ thần túc, đó là dục; điều thứ hai là niệm, thứ ba là tấn, thứ tư là tuệ. Những danh từ này được dùng rất rộng rãi phổ biến trong kinh luận, chỗ ứng dụng của nó không như nhau, nên ý nghĩa cũng khác nhau. Thần túc được nói ở đây, thần túc còn được gọi là tư duy, cũng gọi là như ý. Để tương đối dễ lý giải thì lấy ý nghĩa “như ý” là dễ hiểu, chúng ta gọi là vừa lòng như ý. Dục vọng có thể được vừa lòng như ý, ý nghĩa đã nói ở phần trước rồi. 

Hôm nay giới thiệu với quý vị điều thứ hai là “niệm”, trong chú giải của kinh luận gọi là “nhất tâm chánh trụ”, đây là “niệm như ý túc”. Từ cách nói này thì người niệm Phật chúng ta lập tức thể hội được điều mà trong kinh A-di-đà nói là “nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm bất loạn thì niệm đã như ý, niệm đã tự tại rồi. Nhất tâm là chân tâm, quả thật đây mới có thể gọi là chánh trụ. Trong bộ kinh Kim Cang, Tu-bồ-đề hướng về Thế Tôn thỉnh giáo, tâm phải an trụ vào đâu? Vấn đề trọng tâm là ở chỗ này, tâm của chúng ta phải an trụ vào chỗ nào? Nếu an trụ không đúng chỗ thì bạn sẽ không như ý, sẽ không tự tại, đó gọi là tà trụ, không gọi là chánh trụ. Chánh trụ là nhất tâm, trong kinh A-di-đà gọi là “nhất tâm bất loạn”, “tâm không điên đảo”, đây là chánh trụ. 

Chúng ta phải làm thế nào khế nhập cảnh giới này? Pháp môn Tịnh tông tuyệt diệu, thật thà niệm một câu “A-di-đà Phật” thì bạn có thể khế nhập cảnh giới này. Quý vị phải nhớ kỹ là thật thà niệm, mấu chốt là ở thật thà. Chúng ta niệm Phật đã rất lâu rồi, đều không đạt được nhất tâm chánh trụ, đây là nguyên nhân gì? Chúng ta không thật thà. Thế nào gọi là không thật thà? Trong niệm Phật có nghi hoặc, đây chính là không thật thà; trong niệm Phật có xen tạp thì càng không thật thà, lại còn gián đoạn nữa, cho nên đã tu lâu như vậy mà công phu không đắc lực. Bồ-tát Đại Thế Chí trong chương Viên Thông dạy chúng ta niệm Phật, cương lĩnh là tám chữ “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nhiếp trọn sáu căn là nhất tâm, tịnh niệm tiếp nối là chánh trụ, trụ đó là Phật trụ, Bồ-tát cũng là trụ vào Phật trụ. Thông thường chúng ta nói Bồ-tát trụ vào lục độ, Thanh văn trụ vào tứ đế, Duyên giác trụ vào mười hai nhân duyên, trụ này là nói giữ tâm, là giữ cái tâm nào đó. Thiên nhân trụ vào thập thiện, tứ vô lượng tâm, từ bi hỷ xả. Chỉ có chúng sanh trong ba đường ác, tâm của họ trụ ở trong tham sân si; khởi tâm động niệm đều là tham sân si, đây là chúng sanh trong ba đường ác. 

Nếu chúng ta khởi tâm động niệm cũng rơi vào tự tư tự lợi, rơi vào tham sân si mạn, hằng ngày tạo thị phi nhân ngã, bản thân chúng ta nhất định phải hiểu rõ tiền đồ của mình là gì? Tiền đồ là ba đường ác, con đường bạn đi là đường địa ngục, đường súc sanh, đường ngạ quỷ. Thế gian này rất ngắn ngủi tạm bợ, thời gian 100 năm trong khoảng khảy ngón tay là trôi qua rồi. Bạn đi về đâu vậy? Đi về đường ác. Ai bảo bạn đi về đường ác? Là bạn tự làm tự chịu, không có bất kỳ người nào can thiệp vào, cũng không có bất kỳ người nào có thể chi phối bạn. Bạn làm Phật hay bạn xuống địa ngục, hoàn toàn là việc của bản thân bạn, không người nào có thể giúp được, không người nào có thể chướng ngại được, Phật Bồ-tát đối với bạn cũng bất lực, điều này bạn nhất định phải biết.

Sự từ bi, sự gia trì của Phật Bồ-tát đối với chúng sanh là dạy học, chỉ dạy chúng ta. Chúng ta có thể tiếp nhận sự dạy học, có thể lĩnh ngộ, có thể sửa lỗi làm mới, “quay đầu là bờ”; quay đầu từ đâu? Từ lục đạo mà quay đầu, từ thập pháp giới mà quay đầu, chúng ta hướng về nhất chân pháp giới, đây gọi là quay đầu là bờ. Lục đạo, thập pháp giới là gì? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Quay đầu chính là chúng ta phải đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xả sạch, phải xả bỏ lục đạo! Nghiệp nhân quan trọng nhất của lục đạo chính là kiến tư phiền não, kiến tư phiền não tạo ra lục đạo luân hồi. “Kiến hoặc” được quy nạp thành năm loại lớn là: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến và tà kiến, đây là năm cách nghĩ sai lầm; “tư hoặc” là: tham, sân, si, mạn, nghi, năm loại lớn. Bạn hãy đem kiến tư phiền não, tổng cộng mười loại lớn này thảy đều buông xuống, thảy đều xả sạch, hãy quay đầu từ chỗ này, vừa quay đầu thì chính là thập thiện nghiệp đạo. 

/ 149