/ 149
146

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 29/11/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 109

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ ba: “Thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm khinh an, vui vẻ.” Câu này là câu nói gọn, nếu đọc một cách hoàn chỉnh thì sẽ là lời văn ở trang thứ mười bốn, hàng thứ ba từ dưới lên: “Này long vương! Nêu ra điều trọng yếu để nói”, tiếp theo là đoạn kinh văn này thì hoàn chỉnh: “Hành đạo thập thiện vào trong thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm khinh an, vui vẻ.” Tôi đã giới thiệu với quý vị hai điều trước của “tứ thần túc” rồi, hôm nay chúng ta xem điều thứ ba, bắt đầu giảng từ điều thứ ba. Thứ ba là “tấn”, tấn chính là tinh tấn; điều thứ tư là “tuệ”, là trí tuệ. Ý nghĩa của thần túc chính là như ý. Khi Tết đến chúng ta thường chúc phúc mọi người là “mọi sự như ý”, ý nghĩa của tứ thần túc chính là mọi sự như ý. Phải làm thế nào mới có thể được như ý thật sự? Phần trước tôi đã nói cương lĩnh quan trọng cho quý vị rồi, buông xuống thì sẽ như ý. Chúng ta phải nhớ kỹ, buông xuống không phải là buông xuống ở trên sự tướng. Thật ra mà nói, trên sự tướng không có chướng ngại. Phật nói với chúng ta trong kinh Hoa Nghiêm: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, đây là chân tướng sự thật. Vậy chướng ngại phát sinh từ đâu? Chướng ngại đều phát sinh từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thế nên chỉ cần buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không gì không tự tại.

Đại đức xưa thường dạy chúng ta: “Không tranh với người, không cầu nơi đời.” Hai câu nói này vô cùng quan trọng. Có lẽ có người hỏi, nếu như tôi không tranh với người, chẳng cầu gì ở thế gian này cả thì sống có ý nghĩa gì? Dường như người sống ở thế gian là phải tranh, là phải cầu. Đây là cách nghĩ của người phương Tây; cách nghĩ này, thật ra mà nói đã làm lầm lạc chúng sanh, tạo nên vô lượng tai nạn cho thế gian này, thiên tai nhân họa chính là do người tranh và cầu mà chiêu cảm đến khổ báo. Thánh nhân dạy chúng ta vô cùng có đạo lý, vì sao vậy? Nếu tranh và cầu mà thật sự có thể có được thì đó là sự việc tốt, vậy hãy nên đi tranh, nên đi cầu. Nhưng tranh thế nào, cầu thế nào cũng không có được, vậy thì bạn việc gì phải tranh, việc gì phải cầu? 

Tại sao không có được vậy? Vì ở trong số mệnh của bạn không có. Quý vị phải biết, chúng ta ở trong đời này, đi tranh thế nào, đi cầu thế nào đều là duyên. Có duyên mà không có nhân, các bạn thử xem trên thế gian này có người nào không tranh, có người nào không cầu, thế nhưng mấy người cầu được, mấy người tranh được? Tuyệt đối chẳng phải nói một trăm người tranh thì một trăm người đều có được, một trăm người cầu thì một trăm người cũng đều có được, vậy việc tranh và cầu này có ý nghĩa, đáng được đề xướng. Một trăm người tranh mà khả năng chỉ có một hai người có được, một trăm người cầu mà khả năng cũng chỉ có một hai người có thể cầu được, vậy chúng ta nói đây là xác suất, chứ không phải là chân thật. 

Phật dạy chúng ta, “nhân” là thứ đã gieo trong đời quá khứ. Bạn cầu giàu có, trong số mệnh của bạn có tiền của, trong số mệnh của bạn có bao nhiêu tiền cũng là nhất định, bạn muốn nhiều hơn một chút cũng không được, bạn muốn ít hơn một chút cũng không thể được, có được bao nhiêu thì đến lúc tự nhiên sẽ hiện tiền. Hơn nữa, có được còn tùy thuộc vào thời tiết nhân duyên, có người khi còn trẻ đã phát đạt, có người trung niên phát đạt, có người về già phát đạt, thời tiết nhân duyên của mỗi người không như nhau. Cho nên, cổ đức đã nói hai câu: “Quân tử vui vẻ làm quân tử, tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân.” Đều là nói chân tướng sự thật. 

Mà trong nhà Phật thường nói: “Trong cửa nhà Phật có cầu tất ứng.” Quý vị thử xem trong Liễu Phàm Tứ Huấn, khai thị của thiền sư Vân Cốc cho tiên sinh Viên Liễu Phàm là đạo của thánh nhân. Vì sao nói có cầu tất ứng? Bởi vì Phật biết đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, bạn muốn cầu, hãy cầu như lý như pháp thì nhất định có thể đạt được. Bạn muốn có được một quả dưa mà bạn không đi trồng dưa, hằng ngày cứ ở đó cầu nguyện, trên trời sẽ thả dưa xuống cho bạn ăn hay sao? Đâu có đạo lý này? Đây là việc không thể! Phật dạy bạn cầu như thế nào? Bạn muốn được dưa, Phật dạy bạn trồng dưa, bạn mới có được dưa. Bạn muốn cầu giàu có, Phật nói nhân của giàu có là gì? Nhân của giàu có là bố thí tài, vậy thì bạn mới được giàu có. 

/ 149