/ 149
49

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 27/11/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 107

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ ba:

Thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm khinh an, vui vẻ.

Câu này là nói chúng ta thực hành thập thiện nghiệp vào “tứ như ý túc”, tứ như ý túc cũng gọi là “tứ thần túc”. Chúng ta quan sát tỉ mỉ hai danh xưng “thần” và “như ý”, nó còn có tên khác, đó chính là “buông xuống”. Trung Quốc vào thời xưa, người quan cao quyền quý, thứ họ cầm trên tay là gậy như ý, so với điều Phật nói ở đây thì ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Làm thế nào mới có thể như ý? Đầu của gậy như ý quay ngược lại, “quay đầu là như ý”, nhà Phật chúng ta nói “quay đầu là bờ”, quay đầu thì như ý rồi. Bất luận bạn ở trong xã hội có địa vị cao đến đâu, có quyền thế lớn đến đâu, có của cải nhiều đến đâu, bạn phải biết quay đầu, quay đầu là như ý.

Trong Phật pháp gọi là “nhìn thấu, buông xuống”, tứ niệm xứ là nhìn thấu, tứ thần túc là buông xuống; “túc” là đầy đủ, thật sự đạt đến cứu cánh viên mãn. Trong đây có bốn điều Phật dạy chúng ta học tập. Thứ nhất là “dục”, dục là dục vọng. Con người chúng ta có đủ thứ mong cầu, đủ thứ ngưỡng mộ, đây là cái mà tất cả chúng sanh đều có, nếu bạn không thể buông xuống những thứ này thì bạn sẽ không có cách nào thoát khỏi lục đạo luân hồi; sau khi buông xuống bạn liền được đại tự tại. Đạo lý này rất sâu, rất rộng. Buông xuống dục vọng của chúng ta. Ngày nay, quan niệm của người thông thường trên thế giới hiện nay cho rằng, thế giới này không ngừng tiến bộ là do sức mạnh gì thúc đẩy? Sức mạnh của dục vọng; dục vọng đang thúc đẩy thế giới này, khiến thế giới này mỗi ngày tiến bộ. Tiến bộ đến cuối cùng thì như thế nào? Thế giới bị hủy diệt, cùng đi vào chỗ chết. Cho nên bạn thử nghĩ, Phật dạy chúng ta buông xuống, dạy chúng ta quay đầu là có đạo lý hay không? Con người cả đời dốc sức theo đuổi dục vọng, con người này thật đáng thương, cả đời không được nghỉ ngơi. Họ có thể đạt được những hưởng thụ đó, nếu thật sự lắng lòng mà tư duy về sự hưởng thụ đó thì cái được không bù nổi cái mất. Bạn đã trả cái giá quá đắt! Thân tâm của bạn bị áp lực quá lớn! Đây là điều sai lầm. 

Chúng ta nêu một ví dụ đơn giản nhất, so sánh người Mỹ với người Trung Quốc. Đời sống vật chất của người Mỹ quả thật tốt hơn rất nhiều so với người Trung Quốc, họ có hoàn cảnh sống rất thoải mái của chính mình, ra khỏi cửa đều có xe hơi để đi, mỗi một gia đình đều có sân vườn, đều có hoa viên, sinh hoạt trong gia đình toàn bộ đều là thiết bị điện khí hóa. Người Trung Quốc chúng ta nhìn thấy rất ngưỡng mộ: “Đời sống của người ta tốt, chúng ta không bằng họ.” Hình như vào năm tám mươi mấy, lần đầu tiên tôi cùng quán trưởng Hàn trở về tổ quốc, đến Đại Liên. Bà con phụ lão ở đó hỏi về đời sống ở Mỹ, khi đó chúng tôi sống ở Mỹ, ai nấy đều biểu lộ ánh mắt ngưỡng mộ. Thế nhưng tôi đã dội cho họ một gáo nước lạnh, tôi nói với họ: “Đời sống của người Mỹ không bằng bà con đâu!” Họ vô cùng kinh ngạc, họ hỏi: “Tại sao vậy? Chúng tôi đi ra ngoài bằng xe đạp, ở nhà cửa thì dột nát, bất kể phương diện nào cũng không thể sánh bằng người Mỹ được.” Tôi nói: “Xin hỏi các vị”, khi đó khoảng chừng hai ba chục người có mặt, “trong các vị có người nào sống trong cảnh nợ nần hay không?” Mọi người hai bên nhìn nhau một lát, một người cũng không có. “Ồ, tuyệt vời! Đời sống của người Mỹ thảy đều là nợ trước, trả sau. Các bạn không có mắc nợ, họ mắc nợ. Từ lúc sanh ra đã mắc nợ, đến chết cũng trả không hết.” Người học Phật chúng ta biết rằng đời sau họ vẫn phải trả nợ. Bạn xem xem áp lực tinh thần của họ lớn cỡ nào, mỗi ngày đều dốc sức làm việc, tại sao làm việc? Vì để trả nợ. Mua nhà, mua xe, dụng cụ gia đình đều là đi vay ngân hàng; ngân hàng cho bạn mượn tiền, công ty bảo hiểm cho mượn, toàn là tiền đi vay mà có, do đó mỗi tháng phải trả. 

/ 149