PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 02/06/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 10
Mời xem kinh, trang thứ ba: “Như thị ngã văn: Nhất thời, Phật tại Sa-kiệt-la long cung, dữ bát thiên đại tỳ-kheo chúng, tam vạn nhị thiên Bồ-tát ma-ha-tát câu.” (Tôi nghe như vậy: Một thuở nọ, đức Phật ở long cung Sa-kiệt-la, cùng với tám ngàn chúng đại tỳ-kheo, ba mươi hai ngàn Bồ-tát ma-ha-tát.)
“Nhất thời” là thời gian, là thời gian Phật thuyết kinh. Thời gian ở đây không dùng ngày, tháng, năm, mà dùng nhất thời, ý nghĩa trong đây rất sâu. Phàm phu chúng ta, đặc biệt là người Trung Quốc, đối với lịch sử vô cùng xem trọng, thời gian và địa điểm đều nhất định phải khảo chứng vô cùng chính xác, không được có sai lầm. Thế nhưng trong kinh Phật nói với chúng ta, thời gian và không gian đều là khái niệm trừu tượng, không phải sự thật. Vì vậy, ý nghĩa của “nhất thời” không những rất sâu mà còn rất rõ ràng chính xác, so với việc chúng ta ghi chép năm, tháng, ngày, giờ có thể nói là còn chính xác hơn.
“Nhất”, cổ đức có rất nhiều cách nói, cách nói thông thường nhất, nếu nói theo lời hiện nay thì chính là cơ duyên đã chín muồi. Lúc cơ duyên chín muồi thì gọi là nhất thời. Nếu duyên chưa chín muồi, nói ra cũng chẳng lợi ích gì, cho nên nói “thầy trò đạo hợp”, đây là nhất thời. Nếu nói từ trên lý, thiền tông có một câu nói: “biết được một thì muôn sự xong”, lại nói rằng “vạn pháp quy nhất”, nhất này chính là tương ưng với tự tánh, ý này rất sâu. Trong Tịnh độ tông chính là “nhất tâm bất loạn”, cảnh giới mà nhất tâm bất loạn hiện ra là nhất chân pháp giới; tâm vừa loạn thì nhất chân pháp giới biến thành thập pháp giới, biến thành vô lượng vô biên pháp giới. Nếu như tâm chúng ta thật sự quy nhất, một niệm không sanh, nhất tâm bất loạn thì hết thảy kinh mà tất cả chư Phật Như Lai đã nói đều viên mãn hiện tiền, đây mới gọi là nhất thời đích thực. Đây là nói từ trên lý, pháp thân đại sĩ mới có thể chứng được. Đối với cảnh giới của chúng ta hiện nay, nói “thầy trò đạo hợp” rất hay, duyên phần nghe kinh, duyên phần giảng kinh vào lúc này đã chín muồi, vì vậy đây gọi là nhất thời, không ghi chép năm tháng ngày giờ.
Trong sử truyện của Trung Quốc có ghi chép, đại sư Trí Giả, lão nhân gia ngài tụng kinh Pháp Hoa, khi tụng đến đoạn kinh văn của phẩm Dược Vương, ngài bỗng nhiên nhập định. Ở trong định, ngài nhìn thấy núi Linh Thứu, Thích-ca Mâu-ni Phật đang giảng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu, ngài cũng đã tham gia hội này và đã nghe được đoạn kinh này. Sau khi xuất định, ngài nói cho mọi người biết: “Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh Pháp Hoa, hội này vẫn chưa tan.” Đây có thật hay không? Đây là thật, trong kinh Pháp Hoa nói: “Pháp ấy trụ chân như, tướng thế gian thường trụ.” Hiện nay nhà khoa học cũng nói, nếu như chúng ta có năng lực vượt qua tốc độ của ánh sáng thì có thể trở về quá khứ. Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh vào 3.000 năm trước là quá khứ, chúng ta quay về quá khứ thì có thể tham gia pháp hội khi đó, điều này chứng tỏ thời gian và không gian không phải thật. Nếu như cơ duyên của bạn chín muồi, giống như đại sư Trí Giả có công phu định lực như vậy, ngài có thể quay về quá khứ, cũng có thể khế nhập vị lai.
Thế gian này, có rất nhiều nhà tiên tri nói sự việc của tương lai. Vì sao họ biết vậy? Họ đã nhìn thấy được, họ có thể siêu vượt không gian và thời gian nên họ nhìn thấy được. Cổ nhân lại nói, lời tiên tri đại khái có hai loại lớn, một loại là suy đoán từ trên khoa học toán học, chưa chắc là chính xác, xác suất chính xác không phải là 100%, vì có khi tính toán sai, đây là điều khó tránh khỏi. Nếu như suy đoán rất giỏi, vậy thì rất chính xác. Một loại khác là định công, cảnh giới trong định là cảnh giới hiện lượng do đích thân họ nhìn thấy, suy luận của khoa học toán học là cảnh giới tỉ lượng. Cảnh giới hiện lượng là đáng tin cậy nhất, đây là chính mắt nhìn thấy, cảnh giới hiện lượng này được gọi là nhất thời. Từ đây có thể biết, nếu như ghi rõ năm nào, tháng nào, ngày nào đó thì chúng ta vĩnh viễn không có cơ hội tham dự rồi. Ý nghĩa của nhất thời quá hay! Chỉ cần chúng ta được nhất tâm bất loạn, chúng ta sẽ có năng lực tham dự pháp hội này. Tâm của Phật là nhất tâm, tâm của chúng ta cũng là nhất tâm, nhất tâm và nhất tâm giao cảm thì cảnh giới hiện tiền. Cho nên hai chữ “nhất thời” là sống động, không phải chết cứng, nói cho chúng ta biết, chúng ta đều có duyên phận tham gia pháp hội của tất cả chư Phật Như Lai, chỉ cần làm đến nhất tâm bất loạn là được.