/ 149
270

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 01/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 9

 

Mời mở kinh, trang thứ ba, chúng tôi đã giới thiệu đề kinh, tiếp theo giới thiệu nhân đề. Kinh Phật là do Thích-ca Mâu-ni Phật nói, sau khi Phật diệt độ, đệ tử Phật đem nó kết tập, viết thành văn tự và trở thành kinh điển. Văn tự viết thời đó là văn tự xưa của Ấn Độ, gọi là Phạn văn, hiện nay người Ấn Độ cũng không dùng nữa. Khi lưu truyền đến Trung Quốc thì cần phải thông qua phiên dịch, vì vậy kinh Phật nhất định phải có tên của người phiên dịch. Người phiên dịch là người chủ trì việc dịch kinh, trên thực tế người tham gia phiên dịch rất nhiều. Dịch trường nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, như hồi đó có dịch trường của đại sư Cưu-ma-la-thập, chúng ta biết có hơn 400 người, còn có dịch trường của đại sư Huyền Trang có đến hơn 600 người, đây là những viện dịch kinh có quy mô rất lớn. Người phiên dịch là viện trưởng của viện dịch kinh thời bấy giờ, là người phụ trách. Chúng ta phải biết nhân viên dịch kinh rất nhiều, cho nên vô cùng thận trọng, không phải một người tự mình dịch, mà có rất nhiều người tham gia. Nhân đề: 

Đường, Vu Điền, Tam Tạng pháp sư, Thật-xoa-nan-đà dịch.

“Đường” ở đây là đại biểu cho niên đại, bộ kinh này được dịch vào thời nào? Vào thời Đường. “Vu Điền” là quê quán của pháp sư, pháp sư là người vùng nào? Chỗ này nói rõ cho chúng ta thấy, ngài là người nước Vu Điền. Vu Điền hiện nay nằm ở vùng phía nam Tân Cương, hiện nay nơi này gọi là Hòa Điền, lúc bấy giờ là một nước nhỏ ở Tây Vực, là nơi thông thương chủ yếu từ Trung Quốc đến châu Âu, đây chính là trung tâm văn hóa thương nghiệp, pháp sư là người vùng này. “Tam Tạng pháp sư”, nói theo lời hiện nay tức là học lực của ngài thông đạt Tam Tạng thì mới có thể gọi là Tam Tạng pháp sư, người chủ trì phiên dịch kinh điển nhất định phải thông đạt Tam Tạng, vì vậy đại đức dịch kinh đều là Tam Tạng pháp sư. “Thật-xoa-nan-đà” là tên của ngài, đây là dùng Phạn văn để đặt tên, ý nghĩa là “hỷ học”, tên gọi rất hay, nghĩa là thích học tập. Điều này vô cùng quan trọng trong quá trình học Phật của chúng ta, bất luận tại gia hay xuất gia. Người Trung Quốc gọi là “hiếu học”, người có thể hiếu học thì chắc chắn có thể thành tựu, bất luận là thế pháp hay Phật pháp, nếu người không hiếu học, lười biếng thì học nghiệp, đạo nghiệp đương nhiên không thể thành tựu. Vì vậy, chúng ta đọc hàm nghĩa danh hiệu của vị pháp sư này, chúng ta cũng cần cố gắng học tập theo ngài.

Pháp sư đến Trung Quốc vào thời đại Võ Tắc Thiên triều Đường. Trong những bản dịch của ngài, bộ kinh nổi tiếng nhất và được người Trung Quốc vô cùng ưa thích đọc tụng, nói chung thịnh hành nhất là kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, là do pháp sư dịch. Ngoài ra còn một bộ điển tịch khác vô cùng quan trọng, đó là Bát Thập Hoa Nghiêm, bản mà hiện nay chúng ta chọn dùng để học Hoa Nghiêm, chính là do đại sư Thật-xoa-nan-đà phiên dịch, là bản gồm 80 quyển. Từ đây có thể biết, sự cống hiến của pháp sư đối với Phật giáo Trung Quốc rất lớn, sức ảnh hưởng đối với Phật giáo Trung Quốc cũng không thua kém gì ngài La-thập và Huyền Trang. Trong lịch sử dịch kinh, ngài là một nhân vật rất quan trọng.

Chữ cuối cùng là “dịch”, dịch là phiên dịch, đem Phạn văn phiên dịch thành Hoa văn, ý nghĩa này không cần nói nhiều nữa, trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Địa Tạng chúng tôi đều đã báo cáo cặn kẽ rồi, tôi chỉ giới thiệu đơn giản đến đây thôi. Tiếp theo, chúng ta xem phần kinh văn.

Như thị ngã văn: Nhất thời, Phật tại Sa-kiệt-la long cung, dữ bát thiên đại tỳ-kheo chúng, tam vạn nhị thiên Bồ-tát ma-ha-tát câu.

(Tôi nghe như vậy: Một thuở nọ, đức Phật ở long cung Sa-kiệt-la, cùng với tám ngàn chúng đại tỳ-kheo, ba mươi hai ngàn Bồ-tát ma-ha-tát.)

Đoạn kinh văn này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, nhất định không được lơ là. Vì sao vậy? Vì nó không giống như những kinh văn khác. Chúng ta đọc kinh Di-đà, kinh Di-đà là Phật giảng tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, là giảng tại nhân gian. Bộ kinh này là giảng tại long cung, hay nói cách khác, không phải giảng tại nhân gian, thế là người hiện nay liền nảy sinh nghi ngờ là bộ kinh này có phải do người đời sau ngụy tạo không? Làm gì có long cung! Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển, tàu ngầm đã đi xuống tận đáy biển rồi, hầu như không có chỗ nào mà chưa đi đến, trước giờ chưa từng phát hiện thấy long cung. Vấn đề này chúng ta cần phải có sự giải thích hợp tình hợp lý để giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín.

/ 149