PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 03/06/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 11
Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, bắt đầu xem kinh văn từ hàng thứ hai, câu thứ hai:
Bấy giờ, Thế Tôn bảo long vương rằng: “Hết thảy chúng sanh do tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp cũng khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong các đường.”
Đây là một đoạn nhỏ. Ở đây, Thế Tôn đã nói rõ cho chúng ta, lục đạo luân hồi là do đâu mà có, một câu này đã nói rõ chân tướng sự thật cho chúng ta rồi. Đúng như điều mà chúng ta thường đọc được trong kinh Đại thừa, Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta: “Do tâm hiện, do thức biến.” “Thức” chính là “tâm tưởng” mà chỗ này nói, bởi do tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp sẽ không như nhau. Nghiệp tuy có ba loại lớn là thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp, nhưng ba loại lớn này luôn lấy ý nghiệp làm chủ tể, cũng chính là ý niệm. Những tạo tác của thân và miệng đều do ý niệm quyết định. Niệm thiện thì nghiệp người này tạo là thiện nghiệp, niệm ác thì nghiệp người này tạo là ác nghiệp. Pháp thế gian và xuất thế gian, mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều từ tâm tưởng sanh, đây là chân tướng sự thật, người thế gian gọi là chân lý. Nếu như rõ ràng đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì chúng ta đối với an định của xã hội, hưng vượng của quốc gia, thế giới có hòa bình hay không sẽ rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Chúng ta xem từ đâu? Xem tâm tưởng của tất cả chúng sanh, họ đang nghĩ gì.
Ở trong kinh điển, Thế Tôn nói với chúng ta, chúng sanh trong thập pháp giới, cao nhất là pháp giới Phật, thấp nhất là pháp giới địa ngục, tâm tưởng dĩ nhiên là vô cùng phức tạp. Thế nhưng trong vô lượng vô biên vọng tưởng, ý niệm thì cái nào là quan trọng nhất? Ở trong tất cả vọng niệm, chúng ta cần tìm ra vọng niệm đứng đầu, nhân tố đứng đầu. Phật nói cho chúng ta biết, chúng ta bắt đầu nói từ dưới lên. Cõi địa ngục, nghiệp nhân đứng đầu là sân giận, đố kỵ, tâm đố kỵ, sân giận nặng thì chắc chắn sẽ phá hoại việc thiện của người khác, ý niệm tự tư tự lợi vô cùng kiên cố, loại tâm tưởng này sẽ tạo nên cảnh giới địa ngục. Địa ngục từ đâu mà có vậy? Từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng của ai sanh? Tâm tưởng của chính mình sanh, không liên quan đến người khác. Cá nhân tạo nghiệp thì cá nhân thọ báo, bất luận người nào cũng không thể thay thế được. Chúng ta học Phật, dù thế nào thì trước tiên cũng phải hiểu rõ đại đạo lý này, vậy chúng ta mới biết mình chắc chắn có thể được cứu. Vì sao vậy? Ta không tạo ác nghiệp này, ta không khởi lên ý nghĩ này.
Cõi ngạ quỷ, nghiệp nhân đứng đầu là tâm tham, tham không biết chán. Thực ra cõi nào cũng đầy đủ thập ác nghiệp, nhưng ở trong thập ác, nghiêng nặng về cái nào thì Phật bèn dùng cái đó để nói nghiệp nhân đứng đầu, cho nên tâm tham biến thành ngạ quỷ. Có người học Phật, buông xuống pháp thế gian rồi nhưng lại tham ái Phật pháp, họ đến cõi nào vậy? Vẫn là đọa cõi ngạ quỷ. Tâm tham thì đọa ngạ quỷ, dứt khoát không thể nói tôi đã đổi đối tượng tham rồi, tôi không tham pháp thế gian nữa, tôi tham Phật pháp. Bất luận là thế pháp hay Phật pháp, tâm tham của bạn không hề đổi. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật khuyên dạy chúng ta: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp”, Phật pháp cũng không được tham. Phật pháp là dạy chúng ta rõ lý, dạy chúng ta giác ngộ, đây là điều tốt. Thế nhưng chúng ta cũng không được khởi tâm tham đối với Phật pháp, nếu chúng ta khởi tâm tham đối với pháp thế xuất thế gian thì đều rơi vào cõi ngạ quỷ, điều này cần hiểu rõ. Cõi súc sanh, nghiệp nhân đứng đầu là ngu si. Thế nào là ngu si? Không có trí tuệ, trắng đen điên đảo, không có năng lực phân biệt tà chánh, không có năng lực phân biệt thật giả, thậm chí không có năng lực phân biệt thiện ác, đúng sai, lợi hại, rất dễ tin tưởng nghe theo lời đồn đại, trong tâm do dự, không dứt khoát, đây là cõi súc sanh, súc sanh ngu si. Đây là ba đường ác.